Chàng thủ khoa quyết tâm thoát cảnh "chạy ăn từng bữa"


Thứ 5, 31/07/2014 | 22:57


(ĐSPL) - Thương người bố tâm thần và mẹ già nay ốm mai đau, Cường quyết tâm học thật giỏi để nuôi ước mơ sẽ có một ngày không còn cảnh chạy vạy lo từng bữa cơm hằng ngày cho bố mẹ nữa.

(ĐSPL) - Thương người bố tâm thần và mẹ già nay ốm mai đau, Cường quyết tâm học thật giỏi để nuôi ước mơ sẽ có một ngày không còn cảnh chạy vạy lo từng bữa cơm hằng ngày cho bố mẹ nữa.

Bố tâm thần, mẹ bệnh tật triền miên, thế nhưng cậu học trò nghèo Trần Văn Cường (SN 1996), cựu học sinh lớp 12A, trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã vượt khó vươn lên trên con đường học tập.

Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, Cường đã trở thành thủ khoa của trường ĐH Bách khoa TP.HCM với 28,5 điểm. Đặc biệt, Cường còn có biệt tài thổi sáo hay và em coi đó là một thú vui sau mỗi giờ học căng thẳng.

những giọt nước mắt trong ngôi nhà chàng tân thủ khoa nghèo
Sau mỗi giờ học căng thẳng, chàng thủ khoa Trần Văn Cường lại tìm đến cây sáo.

Những thành tích đáng nể phục

Những ngày này, trong gian nhà cấp 4 đơn sơ ở thôn Nam Trung, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) lúc nào cũng đông người đến chia vui cùng em Trần Văn Cường - tân thủ khoa trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Văn Như (62 tuổi, bố em Cường) vào một ngày cuối tháng Bảy. Trong căn nhà chật hẹp, không có tài sản gì đáng giá vài trăm nghìn đồng. Ngay cả chiếc "giường" Cường nằm cũng chính là chiếc bàn học được ghép bởi những tấm ván cũ mà em tự tay thiết kế, đến manh chiếu cũng không còn lành lặn mà đã rách đi vài miếng... Tài sản đáng giá duy nhất trong ngôi nhà chính là những tấm giấy khen được treo đầy trên tường.

Được biết, chàng thủ khoa Trần Văn Cường là con út trong gia đình có năm anh chị em và là gia đình nghèo nhất xã Trung Lễ. Đến tuổi trưởng thành, các anh chị đều đi vào miền Nam kiếm sống rồi lập gia đình riêng, chỉ còn lại Cường và bố mẹ trong ngôi nhà ấy. Thu nhập kinh tế trông chờ cả vào 6 sào ruộng và Cường cũng chính là lao động chủ lực trong gia đình.

Thương người bố tâm thần và mẹ già nay ốm mai đau, Cường quyết tâm học thật giỏi để nuôi ước mơ sẽ có một ngày không còn cảnh chạy vạy lo từng bữa cơm hằng ngày cho bố mẹ nữa.

Không phụ tấm lòng của các bậc sinh thành, suốt 12 năm học, Trần Văn Cường liên tục đạt học sinh giỏi. Ba năm học cấp 3, chàng thủ khoa luôn đoạt giải nhất cấp tỉnh về môn Toán. Đặc biệt năm học lớp 12, em đoạt giải Nhất cấp tỉnh rồi sau đó đoạt giải Ba kỳ thi toán học cấp quốc gia. "Từ hôm đi thi đại học về, em đã tự chấm điểm và chắc rằng sẽ đỗ đại học nhưng em không ngờ lại đỗ thủ khoa khối A của trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ước mơ từ bé của em là muốn sau này trở thành một bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho những người dân nghèo như bố mẹ em. Khối B em đã thi vào trường Đại học Y Hà Nội, mặc dù chưa biết điểm nhưng cũng phải đạt khoảng 28 đến 29 điểm", em Cường cho hay.

Thầy Phan Đăng Nhân, giáo viên môn Toán của chàng tân thủ khoa này tự hào cho biết: "Cường là một học sinh thông minh, chịu khó, chăm chỉ trong quá trình học tập. Đặc biệt, em Cường có khả năng tự học rất tốt. Vì  gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên nhà trường và bạn bè đã tích cực giúp đỡ về sách vở cũng như nhiều chi phí học tập. Trong quan hệ với bạn bè, thầy cô, em Cường rất ngoan, sống giản dị, được mọi người yêu quý, tuy nhiên, tính tình hơi nhút nhát. Kết quả thi phản ánh đúng với năng lực của Cường. Trước đó, tại một số kỳ thi thử, sát hạch, em Cường cũng đạt được kết quả rất ấn tượng. Nhà trường rất tự hào với kết quả mà em Trần Văn Cường đã đạt được".

Sẽ cầm cố sổ đỏ cho con đi học

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, chàng thủ khoa cho biết: "Với các môn học tự nhiên cần rèn luyện khả năng tư duy lô gíc. Khi học ở trường, em chú ý nghe giảng, về nhà làm bài tập trong sách nâng cao rồi xâu chuỗi các công thức của ba môn học lại thành sơ đồ cho dễ nhớ.

Đầu tiên, em luôn học kỹ những kiến thức cơ bản ở sách giáo khoa, ở lớp chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài và nắm bắt ngay tại lớp. Sau khi nắm bắt vững những kiến thức cơ bản, em bắt đầu tìm tòi và làm những bài tập nâng cao, các đề thi trắc nghiệm để rèn luyện khả năng tính toán nhanh và chính xác.

Với môn Toán, phải làm các bài tập nâng cao và học thêm ở thầy cô, rèn luyện khả năng tư duy. Các môn còn lại là môn thi trắc nghiệm nên phải rèn luyện khả năng tính toán nhanh, tìm thêm tài liệu ở ngoài để nghiên cứu thì mới có thể đạt được điểm cao. Trong quá trình học bài ở nhà, nếu thấy mệt và buồn ngủ thì đi ngủ chứ không học cố theo kiểu nhồi nhét. Thường buổi tối, em chỉ học đến khoảng 23h30 là đi ngủ".

Ngoài ra, Cường còn cho biết thêm, em cố gắng học để không bị quá tải, không tạo áp lực cho mình, ngoài những giờ học em chơi các môn thể thao để giải trí như đá bóng, cầu lông...

Biết gia đình khó khăn nên Cường tự ý thức được chỉ có con đường học thì sau này mới có cơ hội để thoát nghèo và báo hiếu cho bố mẹ. Nhiều đêm nghĩ tới bố mẹ Cường lại chảy nước mắt. Bố em từ khi nào tới giờ chỉ biết ngồi im lặng mà không nói năng gì được. Mười năm trước, ông Như bị tai biến rồi từ đó hóa điên dại, người mẹ giờ già yếu, bệnh tật, nay ốm mai đau, mọi công việc đều trông chờ vào đôi tay của cậu bé.

Cứ sau mỗi buổi đi học, Cường lại về nhà chăn trâu, cắt cỏ, cấy gặt giúp mẹ. Cây sáo là thứ giúp em giải tỏa căng thẳng trong học hành và tìm thấy sự lạc quan hơn trong cuộc sống.

những giọt nước mắt trong ngôi nhà chàng tân thủ khoa nghèo
Bố mẹ Cường dự định sẽ thế chấp sổ đỏ vay tiền cho con trai đi học.

Đậu thủ khoa là niềm vui không chỉ với bản thân em Cường mà cả gia đình, dòng họ em. Nhưng đằng sau niềm vui đó là một nỗi lo cho chặng đường dài phía trước khi hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn.

Nhắc đến chuyện Cường đỗ thủ khoa, bà Nguyễn Thị Trung (58 tuổi, mẹ của Cường) đã không kìm được những giọt nước mắt ướt đẫm trên hai hàng mi. Bà bảo, khi được con trai báo tin đỗ thủ khoa, bà đã khóc rất nhiều vì hạnh phúc. Nhưng nghĩ thêm lại thấy thương con nhiều hơn. Rồi mai đây, đứa con trai của bà sẽ lấy đâu ra tiền để lo cho việc đèn sách nơi đất khách quê người. Chỉ nghĩ đến đó thôi, lòng người mẹ đau đớn vì bất lực.

Còn ông bố Cường vẫn ngồi im lặng, đưa ánh mắt ngơ ngơ nhìn xung quanh. Thỉnh thoảng miệng ông lại ú ớ vài câu không nên lời vì căn bệnh tâm thần từ 10 năm trước. "Tôi vui và tự hào về thành tích học tập của Cường nhưng cũng rất buồn vì thương nó lắm. Sắp tới em nó đi học, không biết lấy gì cho con nhập trường đây. Gia đình chẳng còn gì để bán nữa. Nhưng bằng mọi giá tôi sẽ để cho con được học hành tử tế để sau này nó đỡ vất vả. Vài hôm nữa nó đi học, tôi chỉ còn cách duy nhất là đi cầm cố cái bìa đỏ lấy tiền vậy", bà Trung gạt ngang dòng nước mắt vừa rơi lã chã xuống. Tôi thấy sau câu nói ấy là ánh mắt cương quyết của người mẹ nghèo.

Lúc chia tay chúng tôi ra về, chàng thủ khoa đã bày tỏ những dự định sắp tới trước khi bước chân vào cổng trường đại học: "Mặc dù đã đi bước đầu tiên thực hiện được ước mơ của mình, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều điều đang chờ em học hỏi và trải nghiệm. Em đang rất háo hức được thử sức ở môi trường lớn hơn là trường đại học, hy vọng sẽ học thêm được nhiều điều hay, có những trải nghiệm thú vị và gặp được nhiều con người, nhiều cá tính khác nhau. Mỗi bước đi là một bước trưởng thành và tiến bộ, em mong mình có thể khám phá, trau dồi bản thân nhiều hơn, để từ đó có những đóng góp thiết thực cho gia đình và xã hội". 

Được biết gần đây thông qua các phương tiện truyền thông, trường ĐH Bách khoa TP.HCM biết được thông tin về hoàn cảnh khó khăn của tân thủ khoa Trần Văn Cường (một trong hai thủ khoa của trường năm 2014). Ban giám hiệu quyết định cấp học bổng tương đương 100\% học phí trong 4 năm học cho thủ khoa này có thể yên tâm học tập. Tuy nhiên, điều kiện duy trì học bổng sau năm học đầu tiên là đạt điểm trung bình từ 7,0.      


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-thu-khoa-quyet-tam-thoat-canh-chay-an-tung-bua-a43870.html