Đi tìm sự thật về tỉ lệ chiết khấu trên suất ăn của học sinh


Chủ nhật, 05/10/2014 | 00:32


(ĐSPL) - Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai cho biết: Các công ty cung cấp thức ăn mà không có các mối quan hệ riêng thì rất khó ký được hợp đồng đưa được thức ăn vào trường.

(ĐSPL)- Người từng cung cấp suất ăn cho một số trường tiểu học cho hay, ngày càng có nhiều cơ sở sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này, song đằng sau nó là những chuyện “động trời”... PV đã gặp gỡ một số công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, suất ăn trường học và biết được những sự thực hết sức ngỡ ngàng...

Chuyện học đường - Đi tìm sự thật về tỉ lệ chiết khấu trên suất ăn của học sinh

Bữa ăn bán trú của một trường tiểu học. ảnh:T.T.

Những ai “cùng ăn” bữa cơm của học sinh?

Để tiếp cận với một số công ty cung cấp suất ăn cho các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, PV đã vào vai nhân viên phòng Tài chính kế toán của một trường tiểu học để tìm hiểu. Tiếp PV tại trụ sở làm việc của công ty Cổ phần suất ăn công nghiệp H.N, một đơn vị chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, suất ăn trường học có trụ sở tại Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội thì K., phụ trách quản lý sản xuất tại công ty này có vẻ khá bất ngờ. Bởi theo K., không mấy khi có chuyện các trường chủ động, bỏ thời gian đi tìm kiếm và đến tận trụ sở công ty để đặt suất ăn cho học sinh. Thông thường, các trường chỉ cần nhấc điện thoại và ngỏ ý đang có nhu cầu tìm nhà bếp là các công ty sẽ ngay tức khắc cử nhân viên đến để giới thiệu về dịch vụ của mình. Bởi lẽ các trường học là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế. Đặc biệt trong thời buổi khó khăn như hiện nay, khi các công ty phải tìm trăm phương ngàn kế để có chân nấu ăn cho một trường học thì chuyến viếng thăm của chúng tôi quả là hiếm có.

Có lẽ chính vì cái sự lạ lùng ấy mà K. dường như có chút nghi ngờ. K. hỏi khá kỹ lưỡng về tên tuổi, đơn vị công tác và số điện thoại của chúng tôi. Sau một vài phút làm quen, K. bắt đầu giới thiệu về thực đơn và dịch vụ mà công ty mình cung cấp. PV đưa ra mức tiền đặt cho mỗi suất ăn chính 16.000 đồng/học sinh, không có bữa xế (tức bữa ăn phụ kèm bánh, sữa). Mỗi bữa trưa nhà trường đặt 700 suất. K. cho biết, đây là mức tiền thấp nhất cho mỗi bữa ăn hiện nay. Tuy nhiên đây cũng là mức đơn giá được khá nhiều trường ở trên địa bàn Thủ đô áp dụng và công ty cũng sẽ đảm bảo được với đơn giá này, học sinh sẽ có một bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và hợp vệ sinh. Ngoài mức giá trên, công ty của K. cũng đang phục vụ thêm suất ăn 20.000-24.000 đồng/học sinh. Nói đoạn, K. cho chúng tôi xem phiếu xuất kho nội bộ của hai trường tiểu học Thanh Liệt C1 và tiểu học Dương Nội B.

Khi thấy K. nhiệt tình giới thiệu với thực đơn và những lời cam kết về chất lượng bữa ăn, PV cũng không ngần ngại đề cập đến vấn đề chiết khấu cho mỗi suất ăn. Khi được nhấn mạnh, đây cũng là một “tiêu chí” để trường xem xét đến việc có hợp tác với công ty hay không, K. cũng thừa nhận nói: “Các trường khi ký hợp đồng mua suất ăn của các công ty đều được chiết khấu. ở công ty của em cũng vậy. Tuy nhiên, nếu biết con số cụ thể thì phải làm việc với giám đốc của em. Vấn đề này, em không thể tự quyết định được. Song ở trường của chị, vì suất ăn là ở mức đơn giá thấp nhất nên mức chiết khấu sẽ rất ít. Bọn em mong muốn được hợp tác với nhà trường theo tiêu chí toàn tâm, toàn ý phục vụ, vì con em chúng ta thôi”. Còn về mức thuế 10\% trên mỗi suất ăn, K. cho hay, thông thường nhiều trường cũng không yêu cầu phải hóa đơn cho mỗi suất ăn. Tuy nhiên, nếu nhà trường yêu cầu, thì công ty vẫn có thể “lo được”.

Chuyện học đường - Đi tìm sự thật về tỉ lệ chiết khấu trên suất ăn của học sinh (Hình 2).

Những thực đơn này sẽ bị “xà xẻo” bao nhiêu? ảnh: T.T.

Mối “quan hệ ngầm” quyết định

Theo tìm hiểu của PV, không phải tự nhiên mà các công ty cung cấp thức ăn có được những hợp đồng “béo bở” từ các trường tiểu học. Nhiều công ty đã phải “ngoại giao” rất vất vả mới có được những hợp đồng ấy. Xu hướng chung được nhiều trường hưởng ứng là không tự ý tổ chức nấu ăn cho học sinh mà họ sẽ làm hợp đồng với các công ty thức ăn để các công ty đó đưa thực phẩm vào nấu tại trường. ở mỗi trường sẽ có bộ phận kiểm tra thực phẩm trước khi nấu. Tuy nhiên, để có được những hợp đồng này, bộ phận kinh doanh của các công ty cũng làm việc hết sức vất vả, mất rất nhiều công sức tiếp thị hoặc cử người đến giới thiệu với các trường. Hiện ở nội thành Hà Nội có khoảng vài ba chục công ty chuyên cung cấp dịch vụ như trên nên sự cạnh tranh rất khốc liệt, nếu không có mối quan hệ tốt thì dễ bị “mất chân” ngay. Các hợp đồng thường sẽ được ký vào khoảng tháng 6, 7 hàng năm.

Chia sẻ với PV, Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai cho biết: Các công ty cung cấp thức ăn mà không có các mối quan hệ riêng thì rất khó ký được hợp đồng đưa được thức ăn vào trường. Có nhiều sếp ở các công ty cung cấp thức ăn đã phải “ngoại giao” qua nhiều “kênh” để có “mối” làm ăn. Càng là các trường ở trung tâm thành phố thì mối quan hệ giữa giám đốc công ty cung cấp thức ăn và lãnh đạo các phòng ban, lãnh đạo các trường càng phải chặt chẽ.

Vị này cũng cho hay, nhiều công ty “sừng sỏ” họ có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo các trường tiểu học nên mới duy trì được hợp đồng cung cấp thức ăn.

Tại cuộc giao dịch với công ty đa thực phẩm Trung Thoa – đơn vị cung ứng thực phẩm cho các trường mầm non ở xã Vĩnh Quỳnh và xã Vạn Phúc (Thanh Trì), người chủ công ty cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tỷ lệ chiết khấu tuỳ từng trường. Tuỳ vào số cháu ăn chứ không phải các trường đều như nhau. Giá cả đưa vào như thế nào thì mình làm việc với các sếp rồi tuỳ theo đó mà định chiết khấu. Tất nhiên chị cũng lãi rồi nhưng mỗi người “ăn” một ít. Nói chung cũng phải hơn 10\%, có nơi còn cao hơn. Giờ làm ăn với trường nào mà chẳng phải chiết khấu?”. Theo tìm hiểu của PV, điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc là đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học chỉ mới thành lập và chủ của nó vốn dĩ là người làm nghề buôn bán tôm cá ở chợ.

Những thông tin trên khiến PV không khỏi giật mình. Liệu mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty cung cấp thức ăn và ban giám hiệu nhà trường có dựa trên tiêu chuẩn chung của bữa ăn dinh dưỡng dành cho các cháu, hay mối quan hệ nhập nhèm này chỉ để các công ty có thêm hợp đồng béo bở, các trường có thêm phần trăm chiết khấu? Đó có phải là lý do vì sao trên đĩa cơm của các em chỉ còn vài con tôm, ít trứng xào và bát canh lõng bõng?

Chỉ định công ty cung ứng thực phẩm?

Bữa ăn bán trú là thỏa thuận thống nhất giữa phụ huynh với nhà trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh ở quận Hoàng Mai rất bức xúc khi cuối tháng 8, UBND Hoàng Mai đã có công văn gửi các phòng, ban, ngành thuộc quận; các trường học trên địa bàn quận và các cơ quan, đơn vị có bếp ăn tập thể để “chỉ định” các trường học phải sử dụng thực phẩm của một số đơn vị, công ty mà UBND quận đã nêu. Điều đáng nói, ngay những ngày đầu năm học, chất lượng bữa ăn được các công ty mà quận này chỉ định đã gặp phải không ít bất cập về nguồn thực phẩm cũng như giờ giấc đưa cơm. Chính những bất cập này đã đặt ra không ít nghi ngờ về cách “chỉ định” các công ty cung ứng thực phẩm của quận này.

Theo tìm hiểu của PV, để có được các hợp đồng cung cấp suất ăn thì mức chiết khấu cho các trường học cũng là một chiêu hút khách. Và đương nhiên, mức chiết khấu càng cao thì sẽ càng ký kết được nhiều hợp đồng. Tuy không nói rõ về các mức chiết khấu cụ thể nhưng các nhân viên kinh doanh của một số công ty cung cấp suất ăn mà PV tiếp cận đều mập mờ quanh con số khoảng 10\%/suất ăn. Bữa ăn và giá của bữa ăn càng lớn thì mức chiết khấu nhà trường được hưởng sẽ càng cao.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-su-that-ve-ti-le-chiet-khau-tren-suat-an-cua-hoc-sinh-a53868.html