Học sinh lo sợ vì trường học rung, lắc "như động đất"


Thứ 2, 29/12/2014 | 08:29


(ĐSPL) - Sau khi trường khánh thành, học sinh chuyển trường về đây học đã phát hiện lớp học bị rung “như động đất”.

(ĐSPL) - Nhiều học sinh trường THPT Châu Thành (ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, H.Châu Thành, Tây Ninh) cảm thấy lo sợ vì lớp học thường xuyên xảy ra rung lắc, ngồi học mà có cảm giác giống như bị say xe.

Chân tường bị nứt tại trường THPT Châu Thành. (Ảnh: Báo Tây Ninh). 

Nhiều em cho biết, hiện tượng đáng sợ này xảy ra rất thường xuyên, một ngày có thể xảy ra rung lắc 2, 3 lần. Hiện tại tâm trạng các em học sinh rất hoang mang lo sợ. Quanh trường cũng có vết nứt ở nhiều vị trí khác nhau. 
Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, đại diện lãnh đạo nhà trường xác nhận có hiện tượng rung lắc đúng như phản ánh nhưng chưa rõ nguyên nhân. Cũng theo lãnh đạo Trường THPT Châu Thành, ngôi trường này trước đây là Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Châu Thành. Sau đó được xây dựng lại và thầy trò Trường THPT Châu Thành (cũ) dời trụ sở về đây từ đầu tháng 11/2014.
Theo thông tin từ báo Tây Ninh, ngay khi nhận được phản ánh của nhà trường, Đoàn Kiểm tra của Sở Xây dựng và Sở GD-ĐT (chủ đầu tư) cùng đơn vị thiết kế, thi công công trình đã đến đến kiểm tra hiện trạng tại trường.

Đoàn kiểm tra kiểm tra sự rung lắc ở dãy phòng học bằng cách đặt chai nước suối ngay tại lan can cầu thang. (Ảnh: Thanh niên).

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, dãy phòng học hiện tại đã có xuất hiện các vết rạn nứt tại các vị trí như hộp gen, chiếu nghỉ cầu thang, tường trên cửa, gạch len chân cột cũng bị mẻ…
Ngoài ra, trụ sở trường có dấu hiệu xuống cấp như xuất hiện vết nứt trên tường, gạch bị bể...
Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, cách trường THPT Châu Thành khoảng hơn 100m có một nhà máy mì đang hoạt động với công suất lớn, nên có ý kiến cho rằng, hoạt động của nhà máy mì có thể là nguyên nhân khiến dãy phòng học tại trường THPT Châu Thành bị rung lắc
Tiến hành xác minh ở các hộ dân sinh sống xung quanh trường THPT Châu Thành, nhiều người nơi đây cho biết, nhà ở của họ cũng xảy ra hiện tượng rung, lắc. Hiện tượng trên chỉ xảy ra khi nhà máy mì hoạt động, vào những thời điểm nhà máy không hoạt động hiện tượng trên không xảy ra (!?).
Một người dân ở khu phố 2, thị trấn Châu Thành (đối diện với trường THPT Châu Thành) cho biết, đêm khuya, sự rung lắc càng cảm nhận mạnh hơn, nhất là tiếng cửa, tiếng mái tole kêu...
Tuy nhiên, dù nghi ngờ có thể hoạt động của nhà máy mì gây nên sự rung lắc, nhưng hầu hết đều không phản ánh đến chính quyền địa phương.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành, điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-sinh-lo-so-vi-truong-hoc-rung-lac-nhu-dong-dat-a76803.html