Học sinh Việt Nam lớp 4 làm toán lớp 7 của Anh


Thứ 5, 23/10/2014 | 13:47


Nhiều học sinh ở Việt Nam chỉ được xếp loại khá môn Toán, sang nước ngoài được đánh giá giỏi, xếp vào học lớp chất lượng cao.

Toán lớp 7 ở Anh dạy cộng trừ nhân chia hai, ba chữ số trong khi kiến thức đó ở Việt Nam bé Hoà (12 tuổi) học từ lớp 4-5. Nhiều học sinh ở Việt Nam chỉ được xếp loại khá môn Toán, sang nước ngoài được đánh giá giỏi, xếp vào học lớp chất lượng cao.

Đưa cả gia đình sang Anh sinh sống được 2 tháng nay, chị Lan cho biết học hết lớp 5 ở Việt Nam, lẽ ra bé Hòa con chị phải học lớp 6 khi ra nước ngoài, nhưng trường Faringdon Community College lại xếp cháu học lớp 7. "Chương trình Toán lớp 7 của Anh bây giờ vẫn học cộng trừ nhân chia hai, ba chữ số. Kiến thức này con tôi đã học từ lớp 4-5 ở Việt Nam, thậm chí học cộng trừ nhân chia phân số rồi. Do đó, ở lớp bên Anh, nhiều bài con làm xong sớm nhất”, chị Lan nói.
Người mẹ chia sẻ, ở Việt Nam con chị phải đi học thêm Toán 2 tối một tuần. Đợt trước kỳ thi, nhiều đêm con phải học đến 1h sáng nên rất mệt mỏi. Sang Anh, cháu rất thoải mái mỗi lần đi học về, dù rằng về mặt ngôn ngữ vẫn chưa thực sự hòa nhập. Ở trường, học sinh nào tự thấy chưa hiểu bài trong giờ giảng, có nhu cầu học thêm các môn văn hóa, sẽ được giáo viên dạy miễn phí tại trường. Lượng bài tập về nhà của học sinh rất ít, chủ yếu là giải trên lớp.
"Chương trình học bên Anh nhẹ nhàng, có nhiều môn kỹ năng, ngoại khoá. Mới học gần 2 tháng con tôi đã có 4-5 chuyến dã ngoại, chủ yếu phục vụ cho môn Lịch sử, Địa lý", chị Lan kể và cho biết thêm, các môn học của con vẫn giống Việt Nam, có Toán, Văn, Khoa học tự nhiên…, nhưng thời khóa biểu được đan xen giữa môn học Văn hóa và ngoại khóa nên không bị nặng. 
Chuyện học đường - Học sinh Việt Nam lớp 4 làm toán lớp 7 của Anh

Ở Việt Nam, con của chị Lan Anh học Toán cộng trừ, nhân chia hai, ba chữ số từ lớp 4-5 nhưng sang Anh, vào lớp 7, học sinh mới phải học môn đó.

Vy Nguyễn (23 tuổi) sang Mỹ định cư từ năm lớp 11 cũng chia sẻ, chương trình học phổ thông tại Mỹ của em nhẹ nhàng hơn các bạn Việt Nam. Tổng thể số lượng môn học ở hai nền giáo dục có thể như nhau, thậm chí Mỹ nhiều môn hơn, nhưng khối lượng kiến thức học sinh Mỹ cần tiếp nhận ở cấp phổ thông lại ít hơn. Các nội dung kiến thức được trải rộng cho đến cả bậc ĐH.
Lấy ví dụ với môn Toán, khi vào ĐH, Vy mới học môn Tích phân trong khi các em của Vy ở Việt Nam học cấp 3 đã có môn này. “Học sinh Việt Nam qua Mỹ thường học rất giỏi Toán. Khi ở Việt Nam mình chỉ được khoảng 7 điểm môn này, sang Mỹ mình lại được xếp vào lớp chất lượng cao”, Vy nói. Tại Mỹ, tùy khả năng của từng học sinh nhà trường sắp xếp số môn phù hợp.
Về thời gian học trên trường, Vy cho biết cũng phải học 2 buổi, chia làm nhiều tiết, mỗi tiết 90 phút, không có giờ ra chơi mà thay bằng giờ ăn trưa 30 phút. Thời lượng này nhìn có vẻ quá nhiều nhưng Vy và bạn bè trong lớp không hề bị mệt mỏi, quá tải. Bởi lẽ, "90 phút học lý thuyết thì ít mà chơi game, đố vui thì nhiều. Học Lịch sử được xem phim, kể chuyện; môn Hóa, Lý thường học trên video, có chơi đố và thưởng bánh kẹo. Học lớp 11 mà em cảm thấy như tham gia vào lớp mẫu giáo ở Việt Nam".
Theo Vy, học thêm sau giờ học thì gần như rất hiếm tại Mỹ. Trong trường luôn có người phụ đạo miễn phí nếu giáo viên cảm thấy thực sự điều đó là cần thiết cho học sinh.
Tại Nhật Bản, theo một người Việt Nam đang sống ở Tokyo, thời gian học ở trường của học sinh nơi đây ít hơn Việt Nam. Sau 45 phút, học sinh sẽ được nghỉ giải lao 15 phút, sau 2 tiết sẽ được nghỉ 20 phút, một ngày học 5-6 môn, từ 9h đến khoảng 14-15h30.
Trọng Dũng đang học tại Kanagawa cũng cho biết, giáo dục phổ thông ở Nhật chỉ dạy những điều căn bản nhất, những kiến thức chuyên sâu sẽ được đào tạo khi vào đại học. Với nền giáo dục này, thanh niên Nhật không hiểu nhiều biết rộng như Việt Nam nhưng cái gì nằm trong lĩnh vực chuyên sâu của họ, họ sẽ hiểu rất rõ.
Chuyện học đường - Học sinh Việt Nam lớp 4 làm toán lớp 7 của Anh (Hình 2).

Thể chất và các môn về kỹ năng sống, ngoại khóa được nhiều quốc gia chú trọng trong giáo dục nhưng tại Việt Nam, các môn này được xếp vào môn phụ, ít được quan tâm. (Ảnh minh họa)

Nhiều người được hỏi đều cho rằng, chương trình học ở Việt Nam quá nặng, thừa kiến thức học thuật song lại thiếu các môn mang tính thực hành, ứng dụng, môn kỹ năng sống, thể chất. Ở Anh, con chị Lan được học nhiều kiến thức có ứng dụng thực tế, như môn kỹ thuật lớp 7 dạy cách sử dụng thiết bị trong gia đình (gồm tủ lạnh, bếp, lò nướng...), cách sửa xe đạp, đồ điện với những lỗi đơn giản. Học sinh được học nấu ăn mỗi tuần một món và mang về cho bố mẹ thử.
Người con trai thứ hai của chị Lan khi vào lớp 5 tuổi trường Watchfield (Anh) cũng được học nấu món súp, ngũ cốc… và được ăn các món này trong bữa trưa nên rất thích thú. “Mặc dù con không hiểu được cô và các bạn nói tiếng Anh nhưng rất thích đến trường. Đó là điều lạ, vì ở Việt Nam mỗi sáng đi lớp con thường viện lý do để trì hoãn. Khi tới trường, con luôn dặn mẹ đón sớm”, chị Lan kể.
Vy Nguyễn cũng chia sẻ, ở Mỹ rất chú trọng các môn thể thao. Học sinh giỏi thể thao tại đây thường được ưu tiên nhận vào các ĐH danh tiếng.
Trọng Dũng ở Nhật Bản kể, các trường từ mẫu giáo đến ĐH của Nhật đều phải có trang thiết bị phục vụ thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ. Hầu hết học sinh Nhật tham gia các câu lạc bộ phù hợp với sở thích. “Khi mới vào trường nói chuyện với bất kỳ một người bạn Nhật mới nào thì “Bạn đã vào câu lạc bộ nào chưa?" là câu mình luôn được hỏi”, Dũng kể và cho hay trong chương trình giảng dạy của Nhật luôn có các môn về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.
Có người cháu học lớp 2 ở Hungary, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng kể, tại đây môn Thể dục được đánh giá rất cao, là điều kiện để học sinh được lên lớp. Một tuần có 5 tiết thể dục trong khi ở Việt Nam chỉ có một. Cháu gái TS Hương đã bị trượt một năm học vì không qua được môn này. Sau khi được phát hiện do bị ốm, không đủ sức khỏe để theo được chương trình, nhà trường đã yêu cầu gia đình có giấy của bệnh viện và cho cháu tập các môn phù hợp như: tenis, bơi…
Cô Hương kể, ở Việt Nam có những học sinh hiểu biết nhưng lại được đánh giá là học kém, ví dụ có cháu rất thông lịch sử, biết thiên văn nhưng học kém môn Toán trên lớp nên bị xếp vào hạng học dốt. Ngày xưa các cụ nói người giỏi là 'Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý' chứ có phải là trên thông Văn chương, dưới tường Toán học đâu. Chương trình học Việt Nam với thế giới thì như nhau, nhưng cách đánh giá tầm quan trọng các môn lại khác nhau.
"Việt Nam đang bị nặng các môn về lý thuyết, chú tâm cho kiến thức học thuật mà kiến thức thực tế, môn Thể dục, thủ công bị coi là môn phụ. Nhiều giáo viên thể dục đã nói với tôi rằng, ước có thể dạy đủ số tiết trong một năm vì tiết thể dục của mình hay bị thầy cô môn chính như Toán, Văn… xin để bổ sung kiến thức cho học trò”, cô Hương kể.

Ngày 20/10, trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng nêu rõ: Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn tại các cơ sở giáo dục của nhiều địa phương, Ủy ban nhận thấy chương trình giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh.

Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh, bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-sinh-viet-nam-lop-4-lam-toan-lop-7-cua-anh-a63008.html