Trò chuyện cùng chàng trai 24 tuổi biết 8 ngoại ngữ


Thứ 6, 28/03/2014 | 12:33


(ĐSPL) - Chàng thanh niên, 24 tuổi, biết 8 ngoại ngữ, Nguyễn Hoàng Khánh (SN 1990, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tự nhận mình là người "đột biến" trong một gia đình ít biết về ngoại ngữ.

(ĐSPL) - Chàng thanh niên, 24 tuổi, biết 8 ngoại ngữ, Nguyễn Hoàng Khánh (SN 1990, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tự nhận mình là người "đột biến" trong một gia đình ít biết về ngoại ngữ.

Niềm đam mê, cùng tinh thần không ngừng học hỏi đã giúp Khánh biết và sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ chỉ trong một thời gian ngắn, điều mà không phải ai cũng làm được. Nhờ đó, Khánh đã có cơ hội tìm hiểu văn hóa và tư duy của người dân nhiều nước.

Chuyện học đường - Trò chuyện cùng chàng trai 24 tuổi biết 8 ngoại ngữ
Khánh chia sẻ những kinh nghiệm học ngoại ngữ hiệu quả của bản thân - (Ảnh Thơ Trịnh).

Học để tìm hiểu về văn hóa của các nước

- Tại sao đang học Kinh tế Luật, Khánh lại liều lĩnh thi vào ngành tiếng Anh của trường KHXH & NV TP.HCM?

Sau 1 năm học tại trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), tôi cảm thấy mình không hợp với ngành học đã chọn mà phù hợp với ngoại ngữ hơn. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm thi lại đại học một lần nữa vào khoa Ngoại ngữ, ngành tiếng Anh, trường ĐH KHXH & NV (TP.HCM).

Tôi cảm thấy tự ti và có phần lo lắng cho lần thi lại này vì không có thời gian ôn luyện. Tuy nhiên, tôi đã trúng tuyển vào khoa Ngữ văn Anh năm 2009. Mục đích của tôi là mượn môi trường học tại đây làm bàn đạp, làm nơi "trú chân" để có cơ hội học thêm nhiều ngôn ngữ khác. Bởi với sự yêu thích ngôn ngữ, thì tiếng Anh không phải là vấn đề quá khó khăn đối với tôi. Sau một thời gian "đèn sách", tôi đã học và sử dụng được 8 ngoại ngữ: Trung, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Nga, Bồ Đào Nha và tiếng Anh.

- Tại sao Khánh lại học nhiều ngoại ngữ cùng lúc đến vậy?

Mục đích chính của tôi khi học ngoại ngữ là để tìm hiểu văn hóa, cách tư duy ngôn ngữ của một dân tộc chứ không đơn thuần là tìm hiểu ngôn ngữ đó. Tôi nhận ra rằng văn hóa và ngôn ngữ của mỗi nước đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị. Càng học, tôi càng cảm thấy thú vị hơn khi hiểu được nhiều điều. Đến bây giờ, tôi vẫn còn muốn học nhiều thứ tiếng khác nhưng chưa có thời gian.

- Làm thế nào mà Khánh thành thạo 8 ngoại ngữ nói trên?

Để học được cùng lúc nhiều ngoại ngữ mà không bị chồng chéo nhau thì cần phải biết những quy tắc riêng của từng ngôn ngữ. Nắm được quy tắc riêng ấy sẽ giúp cho người học không bị lẫn lộn về cách phát âm cũng như ngữ pháp. Đôi khi, sự nhầm lẫn trong ngữ pháp hay phát âm giữa các ngôn ngữ này là điều rất thường gặp. Hiện nay, hầu hết các bạn trẻ tại Việt Nam đều rơi vào tình trạng "vật vã" khi học ngoại ngữ, điều kiện đủ để tốt nghiệp. Tâm trạng bị ép buộc học những gì mình không yêu thích sẽ không đem lại hiệu quả. Chính vì vậy, khi học ngoại ngữ thì người học nên có niềm đam mê.

Ngoài sự đam mê, người học ngoại ngữ cần phải thực hành qua nhiều phương tiện khác nhau. Tôi cho rằng, ban đầu người học không nên chú tâm quá vào ngữ pháp mà phải đầu tư cho việc phát âm chuẩn. Bên cạnh đó, người học cần tìm người bản xứ để thực hành nhiều hơn. Nhiều người học ngoại ngữ rất lâu nhưng phát âm không chuẩn, đây là một cản trở rất lớn. Bởi việc phát âm sai kéo dài sẽ thành thói quen và rất khó thay đổi. 

Tự đối thoại trước gương để phát triển tư duy ngôn ngữ

- Trong các phương pháp đã áp dụng, Khánh hãy cho biết phương pháp nào là hiệu quả nhất?

Tôi thường sử dụng cách ngồi trước gương để đọc và luyện nói các bài hội thoại. Bởi trong quá trình học, tôi gặp vấn đề khó khăn lớn nhất là không có người đồng hành để thực hành giao tiếp. Tôi thường xuyên ngồi trước gương đối thoại một mình, thậm chí đóng 2-3 vai với nhiều giọng khác nhau và thay đổi nhiều chủ đề.

Để có những ý tưởng hay cho các bài đối thoại, tôi thường lấy các tình huống xuất phát từ trong thực tế. Bất cứ ý tưởng nào cũng có thể trở thành đề tài để tôi tự hội thoại theo các cách nhìn khác nhau. Điều đó đã giúp cho tôi nâng cao về khả năng tư duy, phản biện trước một vấn đề. Đồng thời, khi tự đối thoại, tôi thường đọc lớn để giúp mình tự tin, việc nói lí nhí sẽ hình thành thói quen nói nhỏ, sợ sai mà không sửa được.

Tự hội thoại không chỉ phát triển khả năng ngôn ngữ mà còn giúp tôi nhìn vấn đề đa chiều hơn. Nói chung, việc học ngoại ngữ với tôi không có lúc nào là đủ. Điều quan trọng là phải biết cách biến đổi các phương pháp có sẵn để phù hợp với mình. Bởi mỗi người sẽ có khả năng tiếp cận khác nhau trong việc học ngoại ngữ.

Ngoài ra, việc đọc những tác phẩm nước ngoài nguyên gốc sẽ giúp tôi hiểu được rõ hơn những nội dung, cách tư duy, ý đồ của tác giả và học được nhiều từ mới. Càng lớn thì khả năng tư duy ngôn ngữ của não càng chậm, vì vậy theo tôi, việc học ngoại ngữ cần phải thực hiện sớm để tạo nền tảng nhất định ban đầu. 

Dạy ngoại ngữ tại Việt Nam thiếu tính ứng dụng

- Bản thân mỗi người khi học ngoại ngữ thì điều gì là quan trọng nhất?

Yếu tố quan trọng nhất là môi trường để học tập, giao tiếp. Nếu có nhiều vốn từ vựng nhưng không có môi trường để thực hành thì sẽ bị mai một dần. Năng lực không phải là vấn đề quyết định trong việc học ngoại ngữ. Nếu có phương pháp phù hợp thì việc học ngoại ngữ không có gì khó khăn. Quan trọng nhất là phải có niềm đam mê, tình yêu với ngôn ngữ mà bạn đang học. Với tôi, giáo trình học không phải là vấn đề khi học ngoại ngữ.

- Theo Khánh, việc dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại những yếu kém gì?

Hiện nay, đa số giáo viên ngoại ngữ ở Việt Nam giảng dạy quá nhiều về ngữ pháp và từ vựng. Học viên ít được thực hành nói, nghe, đọc, viết. Điều này là rất lãng phí vì người học không áp dụng được lượng vốn từ đã học. Nhiều bạn thuộc ngữ pháp làu làu nhưng lại không nói được những câu giao tiếp đơn giản. Đây là điểm hạn chế lớn nhất của việc học ngoại ngữ tại Việt Nam. Người Việt Nam không thiếu năng lực, nhưng phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay đã khống chế sự phát triển của người học.  

Bất ngờ đạt giải cuộc thi viết tiếng Ý hay nhất

- Khánh có thể chia sẻ về giải thưởng trong cuộc thi viết tiếng Ý hay nhất thế giới?

Yêu cầu của cuộc thi là phải viết đoạn kết cho một tác phẩm truyện ngắn. Ban đầu, tôi không tự tin về bài dự thi của mình nhưng vẫn gửi đi. Vì vậy tôi thật sự bất ngờ khi đoạt giải. Sau đó, tác giả của câu chuyện này đã gửi e-mail lý giải nguyên nhân chiến thắng của tôi. Họ rất vui vì tôi đã đem lại một màu sắc mới cho tính cách của nhân vật chính trong truyện.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tro-chuyen-cung-chang-trai-24-tuoi-biet-8-ngoai-ngu-a27334.html