Đua nhau “kiếm” bằng tiến sỹ để tránh bị... tinh giảm biên chế


Thứ 6, 14/03/2014 | 08:28


(ĐSPL) - "Các tiến sỹ không nghiên cứu tìm tòi mà biến thành các biên tập viên, copy - paste, thậm chí còn không thèm sửa phông chữ, không biết "biên tập" ra sao."

(ĐSPL) - "Các tiến sỹ không nghiên cứu tìm tòi mà biến thành các biên tập viên, copy - paste, thậm chí còn không thèm sửa phông chữ, không biết "biên tập" ra sao. Đây là nỗi đau đớn của nền giáo dục nước ta", Giáo sư Võ Tòng Xuân chua xót nói.
Ông cũng cho rằng, những tiến sỹ rởm này "chui" vào các cơ quan nhà nước là làm  hại bộ máy quản lý.
Giáo dục pháp luật - Đua nhau “kiếm” bằng tiến sỹ để tránh bị... tinh giảm biên chế
GS. Võ Tòng Xuân.
Trước là "lá chắn", sau tiện bề... thăng tiến!
Thiếu tiến sỹ thật- thừa tiến sỹ giả - đó là thực trạng buồn của nền giáo dục nước nhà. Cũng có những người chen được "chân" làm trong cơ quan Nhà nước rồi, phải bằng mọi cách có được tấm bằng tiến sỹ. Theo nhiều người, việc này không thừa, bởi trước là "chắc chân", sau là tiện bề thăng tiến.
Nói đâu xa, tuần trước, tôi gặp lại người bạn cũ. Anh này hỉ hả khoe đang làm nghiên cứu sinh, cuối năm nay thì bảo vệ  luận án tiến sỹ. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông bạn bộc bạch: "Tôi năm nay cũng 35 tuổi rồi. Nhiều người trong cơ quan tôi có bằng tiến sỹ từ khi mới 32 tuổi. Ở cơ quan, người thì nhiều mà việc thì ít. Thời gian rảnh thì tranh thủ đi làm cái bằng tiến sỹ cho chắc ăn. Chứ... thời buổi này, thạc sỹ nhiều như "lợn con", không nâng bằng lên thì có ngày bị tinh giản biên chế cũng nên". Vị này cũng cho hay, hiện nay công chức đang đổ xô đi học tiến sỹ như một trào lưu thời thượng.
Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, hiện nay số lượng tiến sỹ của Việt Nam lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Cả nước có 24.300 tiến sỹ và 101.000 thạc sỹ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6\%/năm, trong đó tiến sỹ tăng 7\%/năm, thạc sỹ tăng 14\%/năm. Không chỉ các tiến sỹ giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, làm việc ở các viện nghiên cứu, hiện lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp... trên danh thiếp hầu hết đều kèm hai chữ "TS".  Hà Nội từng đưa ra phong trào "tiến sỹ hóa"  khi đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100\% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sỹ.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, tính đến năm 2013 Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sỹ trong đó có 633 tiến sỹ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sỹ là giảng viên các trường đại học. Vậy thì dôi ra tới 15.000 tiến sỹ không làm công tác khoa học.
Còn nhớ, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cũng từng ngao ngán mà rằng: "Thật trớ trêu khi một đất nước có hơn 24.000 tiến sỹ, 101.000 thạc sỹ mà không tìm ra được những chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đủ giỏi để trở thành các tổng công trình sư các đề tài lớn, có ý nghĩa quốc gia".
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Tân Tạo, người được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới được Nhà nước Việt Nam công nhận là Anh hùng Lao động khá buồn về thực trạng này. "Hiện nay nước ta không chỉ lạm phát kinh tế, mà lạm phát cả những vấn đề tế nhị, nhất là lạm phát danh hiệu, giải thưởng, lạm phát chức danh và bằng cấp... Và cũng vì khi làm lãnh đạo lại có bổng lộc nên họ chạy đua làm tiến sỹ. Đề tài, nội dung thì ít mà người làm thì nhiều, dẫn đến nội dung trùng lặp. Các tiến sỹ không nghiên cứu tìm tòi mà biến thành các biên tập viên, copy và paste, thậm chí còn không thèm sửa phông chữ, không biết "biên tập" ra sao. Đây là nỗi đau đớn của nền giáo dục nước ta", GS. Xuân chua xót nói.
Minh chứng cho nhận định của mình, GS. Võ Tòng Xuân nêu chính từ thực tế khi ông là thành viên của nhiều hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ nông nghiệp. "Có nhiều người nghiên cứu về giống cây lúa, nhưng khi tôi hỏi cách phân biệt cây cỏ lồng vực với cây lúa mà không trả lời được. Nhiều tiến sỹ còn không hiểu được cấu trúc, đặc tính của từng loại để xây dựng chọn tạo giống nên đã đưa ra giống không có tính mới, không hiệu quả kinh tế. Thế nhưng khi trình đề tài, dự án thì rất hay. Khi đó lại gặp những anh quản lý non tay ký duyệt. Cũng vì hiện nay, công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều quá, nhanh quá mà không phải hội đồng nào cũng đọc kỹ đề tài của các tiến sỹ nên để lọt nhiều tiến sỹ không có năng lực", GS. Xuân nói.
Làm hại bộ máy quản lý Nhà nước
24.000 tiến sỹ trong một đất nước 90 triệu dân lẽ ra phải mừng vì tinh thần ham học, tinh thần cống hiến cho khoa học của giới trí thức Việt Nam. Thế nhưng, nó lại khiến người ta hồ nghi, buồn bã hơn là tin tưởng, nhất là trong thời buổi hiện nay, khi mà lượng tiến sỹ giả, tiến sỹ giấy ngày càng tăng lên. Nói như lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, những bằng giả, bằng giấy này chỉ có thể "chui" được vào bộ máy Nhà nước. Và, theo nhiều chuyên gia, những tiến sỹ kém năng lực này có thể làm hại bộ máy quản lý Nhà nước.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: "Báo chí đã nhắc nhiều đến các tiến sỹ giấy, tiến sỹ không có năng lực trong thời gian qua. Vì thế mình đưa ra tiêu chí đến năm nọ năm kia phải đào tạo bao nhiêu tiến sỹ là điều không nên. Đã là tiến sỹ thì phải có phát minh, sáng chế cống hiến cho đất nước thế nhưng hiện nay đa phần không có cái đó. Có nhiều tiến sỹ nhưng không đem lại lợi ích gì cả. Thậm chí, những tiến sỹ này đưa ra những chủ trương phản tác dụng, bị xã hội phản bác".
Ông cũng cho rằng, việc đặt nặng vấn bằng cấp khiến người ta đua nhau đi học để làm tiến sỹ, gây hại cho bộ máy Nhà nước. Đồng quan điểm, giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, sở dĩ phong trào này ngày càng phát triển là do chính sách vĩ mô của Nhà nước. Theo quy định, muốn đề bạt lãnh đạo, từ cấp Trưởng phòng, bắt buộc chuyên môn là phải có bằng tiến sỹ. Đã là nhà quản lý thì cần người có kinh nghiệm, khả năng tổ chức hoạt động thực tiễn. Còn tiến sỹ không cần trong công việc quản lý, nay lại biến thành cái cớ để thăng tiến.
Một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà cho rằng: Việc sử dụng bằng giả, bằng thật mà chất lượng dỏm có hại trực tiếp đến cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống của chúng ta. Muốn nâng cao chất lượng bộ máy Nhà nước, không có cách nào khác phải chống bằng giả, phải bảo đảm giá trị thật của bằng cấp.
Trò ngại học, thầy cạn nhiệt huyết
Theo GS. Võ Tòng Xuân, do hệ thống đào tạo giáo dục đại học, sau đại học tăng nhanh số lượng và quy mô nhưng lại cũng giảm nhanh về chất lượng. Quy trình vào khó, ra dễ của chúng ta tạo ra tâm lý "cứ vào rồi kiểu gì cũng ra được", rồi học sau đại học thì chỉ thích lấy bằng mà không thích học thật nghiêm túc để lấy kiến thức, vì họ phải lo toan nhiều việc cho cuộc sống gia đình... Điều này đã làm xuất hiện một vấn nạn là mất động lực học tập. Trò học không thật lòng thì thầy dạy cũng cạn dần nhiệt huyết, đánh giá không nghiêm, nghiêm cũng thế thôi, thậm chí bị coi là... "gàn" hoặc "gây khó".
Thành Huế - Ong Lý

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-nhau-kiem-bang-tien-sy-de-tranh-bi-tinh-giam-bien-che-a25310.html