+Aa-
    Zalo

    Nghệ An: Giáo viên hợp đồng huyện khốn đốn với mức lương do trường chi trả

    ĐS&PL Mặc dù đã được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng từ năm 2004 nhưng cũng từ đó đến nay, các giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học lại chỉ được nhận tiền công dạy tại trường.

    (ĐSPL) - Mặc dù đã được UBND huyện Quỳnh Lưu ký Quyết định hợp đồng từ những năm 2004 nhưng cũng từ đó đến nay, hơn 40 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học của huyện này lại chỉ được nhận tiền công hàng tháng từ các trường.

    Thời gian gần đây, nhiều giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh các trường tiểu học ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng và báo chí phản ánh về việc đã được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng số 136/2004/QĐ – UB ngày 9/2/2004.

    Tuy nhiên, từ đó đến nay, những giáo viên này chỉ nhận được tiền công dạy học do các nhà trường chi trả. Đặc biệt, dù họ đã đạt trình độ B2 theo đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 và đã tham gia giảng dạy chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm từ năm học 2013 – 2014 đến nay vẫn không được biên chế và hưởng lương ngân sách.

    Được biết, năm học 2004 – 2005, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy tại các trường tiểu học theo hình thức dạy học môn tự chọn. Theo đó, ngày 9/2/2004 UBND huyện Quỳnh Lưu đã tuyển dụng và ký hợp đồng ngắn hạn với các giáo viên để giảng dạy bộ môn này.

    Theo quyết định số 136/2004/QĐ – UB của UBND huyện Quỳnh Lưu ghi rõ: Đối với các giáo viên tiểu học sẽ được hưởng tiền công là 400.000đ/tháng và được hưởng 12 tháng/năm. Cá nhân tự trích tiền công để tham gia đóng BHXH.

    Quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc hợp đồng giáo viên được ký vào năm 2004

    Tuy nhiên, các giáo viên này chỉ nhận được tiền lương do huyện chi trả từ tháng 2 – 8/2004. Còn lại từ đó đến nay đều do các nhà trường chi trả tiền công giảng dạy. Vô hình chung, từ đó đến nay, hợp đồng của các giáo viên tiếng Anh chỉ là hợp đồng trường. Giá trị các quyết định hợp đồng mà huyện ký từ năm 2004 với các giáo viên trở nên không có tác dụng.

    Tìm hiểu được biết, để có tiền công trả cho giáo viên dạy tiếng Anh, các trường đã phải thu tiền từ việc học tăng buổi của các phụ huynh học sinh.

    Điều này dẫn đến hệ lụy tiền công các trường trả cho giáo viên dạy tiếng Anh phụ thuộc vào số lượng học sinh của trường cũng như điều kiện kinh tế  - xã hội của địa phương đó. Do đó, cuộc sống của các giáo viên cũng trở nên bấp bênh với đồng lương ít ỏi. Đặc biệt, những giáo viên này dù đã hợp đồng hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa được biên chế và hưởng lương ngân sách.

    Dù đã ký hợp đồng với huyện Quỳnh Lưu nhưng các giáo viên tiếng Anh tiểu học lại nhận tiền công dạy từ các nhà trường.

    Cô Nguyễn Thị Huyền Huynh (SN 1979), giáo viên trường tiểu học Quỳnh Thạch, thuộc đối tượng con thương binh và có chồng là lính Hải quân đang công tác ngoài hải đảo cho biết: “Nghĩ rằng khi UBND huyện đang khó khăn về nguồn ngân sách chi trả cho các giáo viên tiếng Anh tiểu học, chúng tôi đã chia sẻ và chấp nhận nhận lương thấp do điều kiện từng trường chi trả. Nhưng đến nay đã hơn 11 năm trôi qua, cuộc sống chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn khi đồng lương quá thấp, không ổn định được cuộc sống”.

    Việc trở thành hợp đồng trường, cuộc sống của các giáo viên trở nên bếp bênh với đồng lương ít ỏi

    Cùng chung quan điểm, thầy Đặng Tuấn, công tác tại trường tiểu học Sơn Hải chia sẻ: “Để đạt chuẩn dạy chương trình tiếng Anh mới theo đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020, chúng tôi đã phải tham gia các lớp học chuyên môn rất tốn kém, trong khi đồng lương thì bèo bọt. Ngỡ rằng sau khi hoàn thành các lớp học, lấy bằng và chứng chỉ sẽ được xem xét xét tuyển biên chế nhưng đến nay vẫn chỉ là hợp đồng với các trường, thậm chí là đứng trước nguy cơ mất việc nếu các trường không muốn hợp đồng nữa”.

    Tìm hiểu được biết, hiện nay, huyện Quỳnh Lưu mới chỉ có 3 biên chế giáo viên Tiếng Anh, số còn lại đều chưa được biên chế và đang hưởng tiền công ở các nhà trường.

    Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Võ Minh Kỳ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có khoảng hơn 60 giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học. Tất cả các trường đều lấy tiền học 2 buổi/ngày để trả lương cho giáo viên tiếng Anh. Thực tế, các giáo viên tiếng Anh tiểu học nếu dạy nhiều thì hưởng nhiều, dạy ít thì hưởng ít”.

    Số giáo viên đang được các nhà trường hợp đồng để giảng dạy môn tiếng Anh nếu có nhu cầu giảng dạy tiếp, UBND huyện hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng và trả lương 2 tháng hè theo quy định (do không có nguồn thu từ phụ huynh học sinh). Tiền công hàng tháng theo hợp đồng của các nhà trường do các trường tự cân đối để trả trong nguồn kinh phí thu từ học tăng buổi – ông Kỳ cho biết thêm.

    NGỌC TUẤN

    [mecloud]HNW3pDNJ6h[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-giao-vien-hop-dong-huyen-khon-don-voi-muc-luong-do-truong-chi-tra-a112398.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.