Tuyển sinh đại học năm 2017: Điểm chuẩn trường tốp trên sẽ không biến động nhiều


Chủ nhật, 09/07/2017 | 01:48


Cùng sự kiện

Dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2017, đại diện các trường Đại học Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế quốc dân cho rằng điểm chuẩn không có nhiều biến động, nếu tăng

Dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2017, đại diện các trường Đại học Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế quốc dân cho rằng điểm chuẩn không có nhiều biến động, nếu tăng chỉ 0,5.

Báo Vietnamnet đưa tin, Thống kê từ số liệu chính thức của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có 406.503 thí sinh đủ bài thi khối A, 398.275 thí sinh khối B, 494.716 thí sinh khối C, 748.381 thí sinh khối D và 380.587 thí sinh khối A1.

Trong đó, mức điểm phổ biến nhất mà thí sinh đạt được trên cả nước trên 5 tổ hợp nói trên là mức 15-16 điểm. Cụ thể, có 2.17.355 thí sinh đạt mức điểm này. Tính theo từng khối thi thì mức điểm phổ biến nhất của khối A là 16-17 điểm. Có 30.156 thí sinh đạt mức điểm này. Tiếp đó là mức 17-18 điểm với 30.544 thí sinh.

Số thí sinh đạt mức điểm từ 16 trở lên của khối A là 231.247 thí sinh, chiếm tỉ lệ 56.89% tổng số thí sinh của khối này.

Số thí sinh đạt mức điểm từ trên 20 điểm của khối A là 112.192 thí sinh, chiếm tỉ lệ 27,6% tổng số thí sinh của khối này.

Có 4.642 thí sinh đạt mức điểm trên 27 điểm (trung bình mỗi môn 9 điểm) của khối A.

Tuyển sinh - Du học - Tuyển sinh đại học năm 2017: Điểm chuẩn trường tốp trên sẽ không biến động nhiều

Phổ điểm THPT quốc gia năm 2017 theo khối thi. Ảnh: Thanh Niên.

Có 3 thí sinh đạt điểm 30 điểm của khối A. Trong đó có 2 thí sinh của Hà Nội. Đối với khối B, mức điểm phổ biến nhất cũng là mức từ 16-17 điểm với 33.129 thí sinh đạt mức điểm này.

Với khối C, mức điểm phổ biến nhất là 15-16 điểm với 54.069 thí sinh đạt mức điểm này. Số thí sinh có mức điểm từ 15 điểm trở lên của khối thi này 300.323 thí sinh, chiếm tỉ lệ 60,7%.

Báo Thanh Niên cho biết thêm, ngay trước thời điểm Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm từng môn và khối thi, một số trường ĐH cũng đã tự xem xét trên cơ sở dữ liệu điểm thi của từng địa phương, để có đánh giá cho riêng mình về chất lượng và số lượng nguồn tuyển năm nay.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, nhận xét: “Phổ điểm của các khối thi A, A1, B, C, D1 đều tương đối cân đối. Phần lớn phổ điểm khá tập trung vào dải điểm từ 15 đến dưới 21 (khoảng 43 - 45% trong tổng số thí sinh - TS). Trong đó, dải điểm từ 16 đến dưới 17 có nhiều lượt TS đạt nhất, chỉ có khối D1 hơi nhích xuống một chút và nằm ở khung 14 đến dưới 15 nhưng vẫn là điểm khá cao so với năm ngoái. Điều đó cho thấy phổ điểm năm 2017 rất cân đối, là điều kiện tốt để các trường ĐH có thể lựa chọn TS phù hợp với chất lượng cũng như yêu cầu của mỗi trường”.

Ông Long phân tích thêm: “Ở khối A, TS đạt từ 15 điểm trở lên chiếm khoảng 65% tổng số TS dự thi. Ở khối A1 con số này là khoảng 62%. Như vậy, kết quả thi rất phù hợp “kịch bản” mà Bộ GD-ĐT mong muốn, nghĩa là TS đạt mức trung bình trở lên chiếm đa số. Trong dải điểm từ 15 đến 20 điểm của các khối A, A1, số TS đạt các mức điểm khá đồng đều với độ chênh chỉ khoảng 2% (quanh mức trên dưới 30.000 lượt TS ở mức mỗi điểm). Đây là một điều thuận lợi với các trường tốp 2 trong việc định điểm chuẩn xét tuyển. Số TS giỏi (từ 24 điểm trở lên) của khối A chiếm khoảng 7%, xuất sắc (từ 27 điểm trở lên) chỉ 1% nên đây chính là nguồn tuyển hợp lý cho nhóm khoảng 20 trường tốp trên”.

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết mối quan tâm của trường tập trung cho diện TS từ 21 điểm trở lên.

“Theo tính toán của chúng tôi, TS khối A đạt mức điểm này trở lên khoảng gần 90.000 TS. Đúng là nguồn tuyển dồi dào, nhưng cũng vì thế mà phổ điểm trong dải này sẽ khá sít nhau. Đây sẽ là một khó khăn khi quyết định phương án điểm chuẩn cho các trường muốn lấy TS mức điểm này. Năm ngoái, hầu hết các ngành của chúng tôi đều phải dựa vào tiêu chí phụ nhưng năm nay chúng tôi đang e ngại là sẽ phải dùng đến hai tiêu chí phụ. Thứ nhất là dựa vào tổng điểm 3 môn không nhân hệ số, không có điểm ưu tiên. Thứ hai là ưu tiên xét tuyển TS có nguyện vọng cao hơn”, ông Tớp nói.

Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho biết mặc dù nhìn chung điểm trung bình khối D nhích hơn 2 điểm so với năm ngoái, nhưng nguồn tuyển trong ngưỡng từ mức điểm chuẩn năm ngoái của trường trở lên cũng chỉ tương đương năm ngoái. “Năm ngoái điểm chuẩn tùy theo ngành vào trường là khoảng 24 khối D và 26 khối A. Căn cứ vào phổ điểm năm nay, chúng tôi dự đoán điểm chuẩn năm nay cũng chỉ loanh quanh ở mức đó, nếu có tăng thì chỉ chút ít mà thôi”, bà Hương dự kiến.

Báo VnExpress dẫn lời Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu nhận định, phổ điểm "đẹp, phân hóa tốt", trừ Giáo dục công dân lần đầu xuất hiện, các môn khác đồng đều, không biến động nhiều so với năm trước.

"Phổ điểm năm nay thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh. Phổ điểm chung tăng lên 0.5-1, dự kiến điểm chuẩn của Đại học Kinh tế quốc dân cũng không biến động nhiều. Nếu có thay đổi, chỉ chênh lệch 0,5 điểm", ông Triệu nói.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2017-diem-chuan-truong-top-tren-se-khong-bien-dong-nhieu-a195622.html