Xét tuyển vào các trường đại học sư phạm năm 2019: Thí sinh phải đạt học lực giỏi lớp 12


Thứ 4, 13/03/2019 | 07:16


Cùng sự kiện

Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, thí sinh đăng ký ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi.

Theo Thông tư mới của Bộ GD&ĐT, đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, thí sinh đăng ký ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy do Bộ GD&ĐT quản lý. 

Theo Thông tư này thì năm nay Bộ GD&ĐT đã quyết định nâng chuẩn đầu vào các trường sư phạm.

Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học, điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đào tạo trình độ ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Thí sinh phải đạt học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển vào các trường đại học sư phạm. Ảnh minh họa

Theo đó, nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.

Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT thì điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông trình độ đại học: Đối với các ngành đào tạo giáo viên là 8,0 trở lên.

Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất tối thiểu là 6,5 trở lên.

Các ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập trung học phổ thông đối với các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5,0 trở lên.

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông trình độ cao đẳng, trung cấp các ngành đào tạo giáo viên tối thiểu là 6,5 trở lên.

Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Thể dục thể thao tối thiểu là 5,0 trở lên.

Còn đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, thí sinh đăng ký ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi.

Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên;

Ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao xét tuyển các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô định quốc gia và quốc tế có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.

Đối với trình độ trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp Bộ Giáo dục quy định: Xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm Thể dục thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.

Nội dung quan trọng của quy chế năm nay là các trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng: Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Với các trường có thủ tục sơ tuyển, hoặc các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, quy chế yêu cầu các trường xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và một số phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Đặc biệt, các trường này phải thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 giống và cùng lúc với các trường chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Sau đó, thí sinh mới phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển (bao gồm các trường xét tuyển đặc thù) trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh.

Nguyễn Phượng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-tuyen-vao-cac-truong-dai-hoc-su-pham-nam-2019-thi-sinh-phai-dat-hoc-luc-gioi-lop-12-a266317.html