+Aa-
    Zalo

    Gửi tiết kiệm cho con và mua bảo hiểm cho con, cái nào tốt hơn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Gửi tiết kiệm cho con tại ngân hàng hay mua bảo hiểm cho bé tốt hơn? là băn khoăn của nhiều ông bố bà mẹ khi muốn có một khoản tiền tiết kiệm để lo cho tương lai

    (ĐSPL) - Gửi tiết kiệm cho con tại ngân hàng hay mua bảo hiểm cho bé tốt hơn? là băn khoăn của nhiều ông bố bà mẹ khi muốn có một khoản tiền tiết kiệm để lo cho tương lai các bé sau này.

    Dưới đây là đặc điểm của 2 loại hình tiết kiệm: Gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm cho bé để các bậc phụ huynh có lựa chọn tốt nhất cho gia đình, con cái của mình

    Tạo tài khoản tiết kiệm từ ngân hàng

    Xu hướng lập tài khoản riêng cho con tại ngân hàng đang ngày càng thịnh. Các nhà băng cũng phát triển nhiều loại hình tiết kiệm dành riêng cho trẻ em. Điểm chung của các loại hình này là đều đứng tên và thuộc quyền sở hữu của trẻ dưới 15 tuổi. Với sản phẩm này, các bé hoàn toàn được linh động chọn số tiền muốn góp thêm vào tài khoản của mình bất cứ lúc nào, không giới hạn số lần và số tiền nộp vào tài khoản. 

    Các nhà băng cũng phát triển nhiều loại hình tiết kiệm dành riêng cho trẻ em. Ra đời từ năm 2011, sản phẩm Tiết kiệm Phù Đổng của Sacombank là dịch vụ tài chính dành riêng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 15. BIDV có tài khoản tiền gửi "Lớn lên cùng yêu thương", còn DongA Bank là "Tiết kiệm chắp cánh cho con yêu".

    Tương tự, Ngân hàng Đại Dương hiện nay cũng có sản phẩm tiết kiệm mang tên Bé là triệu phú hay như chương trình Thiên Thần nhỏ của ACB... Điểm chung của các loại tiết kiệm này là đều đứng tên và thuộc quyền sở hữu của trẻ dưới 15 tuổi.

    Tạo tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng cho bé, các bậc cha mẹ có thể linh động chọn số tiền muốn góp thêm vào tài khoản của mình bất cứ lúc nào, không giới hạn số lần và số tiền nộp vào tài khoản. 

    Số tiền tích lũy hàng năm tùy theo khả năng của bố mẹ, hoàn toàn linh động cho số muốn góp thêm vào tài khoản. Sản phẩm không giới hạn số lần và số tiền nộp vào tài khoản. Song song đó, món tiền tiết kiệm của các bé vẫn được hưởng mức lãi suất có kỳ hạn. Lãi suất được áp dụng theo dạng bậc thang và theo số tiền thực gửi.

    Chị Mỹ Linh (quận Thủ Đức, TP.HCM), cũng vừa khoe 5 quyển sổ tiết kiệm mà chị mới mở mang tên 5 đứa con. Theo chị, việc mở sổ tiết kiệm riêng cho con giúp chị quản lý các loại tiền lì xì, tiền mừng sinh nhật, tiền thưởng... của từng bé một cách chặt chẽ, tốt hơn giữ chúng trong ống heo ở nhà và có thể bị xài lẫn vào quỹ chung của gia đình. “Bọn trẻ sẽ yên tâm khi chúng được 15 tuổi, sẽ có “vốn” để xây dựng những dự án theo ý muốn, hoặc gửi tiếp vào ngân hàng để hoạch định tương lai”, chị Linh nói.

    Chị Thanh Ngà, nhà quận Bình Tân cho biết, lúc con vào lớp một, chị quyết định đến ngân hàng lập một tài khoản riêng cho bé. Cứ mỗi tháng, những khoản tiền liên quan đến con như phần thưởng do học giỏi, tiền tiêu vặt, tiền có được do giúp việc nhà bố mẹ cho... đều được gom hết lại, cộng thêm khoản tiền tương ứng do chính chị trích ra, sau đó dắt cháu đến ngân hàng đóng vào tài khoản.

    Chị Ngà cho biết, với cách làm này, bé rất hào hứng, trở nên siêng giúp đỡ việc nhà để được thưởng tiền, các khoản tiêu vặt cũng được tiết kiệm tối đa... để mong tới tháng có được khoản tiền kha khá cùng mẹ tới ngân hàng gửi vào tài khoản của chính mình.

    Sau 5 năm thực hiện, hiện tại tài khoản của bé đã được số dư gần 60 triệu đồng. "Tôi dự định khi con vào đại học hoặc muốn đi làm ăn gì đó thì sẽ lấy số tiền này ra lo cho tương lai của cháu", chị nói.

    Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con quả là nét mới mà cha mẹ có thể tặng con mình, đồng thời giúp con lập “kế hoạch tài chính” ngay khi còn bé. Chính tính “khoa học” này mà các ngân hàng dễ dàng “chiêu dụ” phụ huynh gửi vốn cho con qua ngân hàng.

    Tuy nhiên, hình thức gửi sổ tiết kiệm cho trẻ vẫn còn một số bất cập. Theo nhận xét của nhiều bà mẹ, so với đóng bảo hiểm thì sổ tiết kiệm không hiệu quả bằng. Bởi, nếu cha mẹ xảy ra sự cố, con cái khi đến tuổi trưởng thành vẫn hưởng đúng số tiền theo hợp đồng đã mua bảo hiểm, còn với sổ tiết kiệm, chỉ nhận đúng bằng số tiền đã gửi.

    Xem thêm video: Những khuyến nghị khi gửi tiết kiệm ngân hàng cho bé

    Vậy nhưng, hình thức gửi tiết kiệm cho con đang rất được ưa chuộng, đặc biệt là ở vùng quê. Anh Trần Lâm (Hải Dương) cho biết: “Tôi là người lao động tự do nên sổ tiết kiệm cho con là quá phù hợp. Cũng là đóng bảo hiểm cho con từ nhỏ nhưng linh hoạt hơn, lại không phải cố định theo từng tháng. Sau này khi con cái lớn lên, chúng sẽ tự cảm nhận được “hoàn cảnh” của cha mẹ qua mỗi mốc thời gian gửi tiền tiết kiệm cho chúng”. Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con sẽ là món quà ý nghĩa và giá trị hơn rất nhiều lần nếu như trẻ em cũng học được cách trân trọng, giữ gìn và nâng niu những đồng tiền mà cha mẹ đã vất vả dành dụm cho bé.

    Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia tài chính TS Đinh Thế Hiển cho rằng mở sổ tiết kiệm cho trẻ em là một hình thức bảo hiểm nhân thọ cho con từ nhỏ nhưng linh hoạt hơn, không bắt buộc phải đóng tiền theo tháng và bình quân lãi suất cao hơn. Dịch vụ tiền gửi này ngày càng xuất hiện phổ biến do đáp ứng được nhu cầu. Với một khoản tiền nhỏ hằng tháng, cha mẹ có thể tiêu xài hết hoặc tích lũy cho con qua tài khoản NH. Gửi NH vài trăm ngàn đồng/tháng nghe có vẻ ít nhưng nếu tích lũy nhiều năm sẽ thành số tiền lớn giúp cha mẹ nuôi con ăn học. “Tiền gửi tiết kiệm dài hạn cho trẻ em cùng với quỹ hưu trí tự nguyện nếu được nhân rộng sẽ là nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển xã hội” - TS Đinh Thế Hiển nói.

    Nhiều gia đình trẻ hiện nay ngoài việc lập tài khoản cho con còn có xu hướng mua bảo hiểm cho bé ngay khi mới sinh cho đến khi 18 tuổi.

    Mua bảo hiểm cho bé

    Nhiều gia đình trẻ hiện nay ngoài việc lập tài khoản cho con còn có xu hướng mua bảo hiểm cho bé ngay khi mới sinh cho đến khi 18 tuổi. Việc tham gia này theo họ là muốn các cháu sau này lớn lên, bố mẹ sẽ yên tâm vì có một khoản tiền để học đại học hoặc tạo lập sự nghiệp cho mình.

    Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bảo hiểm cho con như: bảo hiểm an sinh, bảo hiểm giáo dục, bảo hiểm sức khỏe, tích luỹ giáo dục… để các gia đình lựa chọn.

    Tuy nhiên, trước khi mua, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về quyền lợi, đặc tính cùng phạm vi bảo hiểm. Rủi ro thường xuất hiện trong trường hợp các phụ huynh mua một sản phẩm bảo hiểm mà không nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, không tìm hiểu đầy đủ về gói sản phẩm đó cũng như công ty cung cấp dẫn tới nhu cầu không được đáp ứng trọn vẹn sau này.

    Như trường hợp của chị Mai (quận 6), do khi mua không dựa vào độ tuổi của con và tài chính gia đình để chọn loại bảo hiểm phù hợp nên đã chọn gói bảo hiểm giá quá cao (các sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ thường có khoản phí đóng trên mệnh giá bảo hiểm cao hơn so với bảo hiểm sức khoẻ) và trong thời gian kéo dài. Do vậy, khi triển khai được một thời gian ngắn, do tài chính khó khăn, chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản đành bỏ dở giữa chừng, gây tốn kém, lãng phí.

    Như vậy, cả 2 loại hình tiết kiệm tài chính cho bé nói trên đều có những ưu điểm nổi trội. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên tùy thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình để chọn phương án phù hợp. Nếu thu nhập của bạn không ổn định, bạn nên chọn lập tài khoản gửi tiết kiệm cho con tại ngân hàng, nếu thu nhập của bạn tương đối tốt, thì mua bảo hiểm cho bé lại là cách tốt hơn, bởi lãi suất cũng như quyền lợi sau này bé được hưởng của loại hình này có phần tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)



    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gui-tiet-kiem-cho-con-va-mua-bao-hiem-cho-con-cai-nao-tot-hon-a92999.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan