+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Chủ ngôi nhà 4 tầng nghiêng gần 1m đã gửi đơn kêu cứu nhiều năm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Suốt từ năm 2010 đến nay, chủ ngôi nhà 4 tầng bị nghiêng gần 1m đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

    (ĐSPL) – Lo sợ ngôi nhà 4 tầng tại Hà Nội bị nghiêng gần 1m có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, chủ nhà đã chuyển đi nơi khác thuê ở cho an toàn. Và suốt từ năm 2010 đến nay họ đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

    Theo tin từ Trí thức trẻ, nhiều năm nay, gần 10 hộ dân ở con hẻm của ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội phải sống trong sợ hãi vì ngôi nhà số 177 cao 4 tầng của bà Phạm Đỗ Thanh Thùy gần đó bị nghiêng gần 1m, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, tường bên ngoài một số chỗ bị nứt toác và có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào.

    Bà Triệu Thị Khương (70 tuổi, nhà số 161, sát ngôi nhà số 177) cho biết, ngôi nhà số 177 bị nghiêng cũng đã nhiều năm nay. "Khi nhà nghiêng quá người ta không cho ở nữa thì chủ nhà đã đi thuê chỗ khác ở. Do mưa gió nhiều năm nên ngôi nhà này bây giờ đã có độ nghiêng quá lớn, nhà tôi và các hộ dân bên trong con hẻm rất lo sợ. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết”.

    Ngôi nhà 4 tầng tại Hà Nội bị nghiêng gần 1m có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Ảnh: Trí thức trẻ

    Ngôi nhà số 177 và 3 nhà liền kề được xây dựng từ năm 1998. Móng của các ngôi nhà rất kém, chủ yếu chỉ bằng cọc tre, ông Vũ Văn Khích (72 tuổi, nhà đối diện với số nhà 177), Tổ trưởng Tổ dân phố 81, phường Ô Chợ dừa cho biết.

    Cũng theo ông Khích, do ngôi nhà số 177 và 179 cùng chung móng, chung tường nên muốn phá dỡ phải được sự đồng thuận của hộ liền kề.

    Liên quan đến sự việc trên, trao đổi trên báo Dân trí, bà Thùy cho biết, gia đình bà đã mua ngôi nhà số 177, 4 tầng nói trên vào năm 1999 với giá khoảng hơn 500 triệu đồng của một người đàn ông tên Phúc. Đến năm 2009, gia đình bà phát hiện ngôi nhà mình bị nghiêng.

    Sau đó, bà có mời một người trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng đến xem xét ngôi nhà thì họ nói phải được sự đồng ý của những nhà kế bên thì mới tiến hành “nắn” lại nhà tôi được. Nhưng thời gian đó, mấy nhà hàng xóm họ không đồng ý sửa lại.

    Cũng theo bà Thùy, đến ngày 2010 gia đình bà đã làm đơn kiến nghị tới UBND phường Ô Chợ Dừa, lãnh đạo phường có triệu tập cuộc họp 4 gia đình (nhà số 177, 179, 181, 183) nhưng các hộ này không thống nhất được phương án tháo dỡ.

    Đến năm 2011, gia đình bà Thùy tiếp tục làm đơn lên UBND quận Đống Đa, sau đó đại diện các phòng ban của quận này có xuống triệu tập cuộc họp với các hộ gia đình liên quan nhưng các hộ liền kề vẫn không đồng ý nên gia đình bà Thùy một lần nữa không thực hiện được việc này.

    Khoảng tháng 9/2015, sau khi căn biệt thự Pháp cổ trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) đổ sập làm 2 người chết, nhiều người bị thương, 4 nhà nằm sát nhau đã thống nhất đập hết đi để xây lại, nhưng đến nay không tháo dỡ được là do năm 2016, chủ nhà số 181 bán cho người khác. Chủ mới không đồng ý sửa.

    “Năm 2012, nhà nghiêng quá nên gia đình bà tôi đã chuyển đi nơi khác thuê ở cho an toàn. Mặc dù có nhà nhưng bây giờ gia đình tôi mỗi tháng vẫn phải bỏ ra 9 triệu đồng để thuê nhà. Tôi không ở đây nữa nhưng vẫn lo lắng lắm, cứ hôm nào mưa bão là không ngủ được chỉ sợ nhà mình đổ sập xuống vào ai đó thì ân hận lắm”, bà Thùy nói.

    Đơn "cầu cứu" của bà Thùy gửi lên UBND TP Hà Nội.

    Ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, đơn vị thẩm định chất lượng công trình của Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa đề cương thẩm định hiện trạng 2 ngôi nhà 177 và 179. Ngay khi có đề cương này, UBND phường Ô Chợ dừa đã báo cáo lên UBND quận Đống Đa để xin ý kiến.

    Trí thức trẻ cũng dẫn lời ông Cừ cho biết, UBND phường đã vận động các hộ dân 4 ngôi nhà liền kề (gồm nhà số 177, 179, 181 và 183) tự nguyện tháo dỡ, xây dựng lại, UBND phường sẽ tạo mọi điều kiện về thủ tục cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, sau khi vận động 3 hộ dân đã đồng ý, riêng nhà số 181 chưa đồng ý vì lý do mới mua nhà không có kinh phí để xây dựng lại.

    "Vì 4 ngôi nhà này liên quan đến nhau, nhà số 177 và 179 chung móng, chung tường, tương tự nhà số 181 và 183 cũng thế. Muốn phá dỡ nhà số 177 phải được sự đồng ý của 3 hộ liền kề nhưng vì nhà số 181 không hợp tác nên việc này mới kéo dài như vậy”, ông Cừ cho hay.

    Cũng theo ông Cừ, xét theo luật nhà xuống cấp ở cấp độ D mới cưỡng chế phá dỡ được. Nhà số 181 mà đi thẩm định thì khẳng định là chưa đến cấp độ D nên cưỡng chế là sai luật.

    Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ không đợi nhà số 181 đồng ý mà sẽ mời đơn vị thẩm định chất lượng công trình của Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra đề cương đánh giá trước hiện trạng 2 ngôi nhà số 177 và 179 từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

    Ngọc Linh (tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    [mecloud]BCIE2GcS75[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-chu-ngoi-nha-4-tang-nghieng-gan-1m-da-gui-don-keu-cuu-nhieu-nam-a143171.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan