+Aa-
    Zalo

    Ham rẻ tiêm chất làm đầy rởm: Hoại tử mũi, biến dạng cằm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những chiếc mũi chuyển màu tím đen, lở loét sau khi nâng mũi bằng cách bơm chất làm đầy khiến nhiều người không khỏi rùng mình...

    (ĐSPL) - Chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ để tiêm chất làm đầy là chị em có thể sở hữu chiếc mũi thanh tú hay đôi môi mọng. Song song với tiện lợi và nhanh chóng của công nghệ này đem lại thì những tác hại ngoài ý muốn cũng thực sự nghiêm trọng. Chiếc mũi chuyển màu tím đen, lở loét sau khi nâng mũi bằng cách bơm chất làm đầy khiến nhiều người không khỏi rùng mình...

    Chất làm đầy đã trở nên khá phổ biến trong các công nghệ làm đẹp và được sử dụng nhiều trong việc làm đẹp cho nhiều bộ phận như độn cằm hay nâng mũi. Chất làm đầy sẽ được tiêm trực tiếp vào từng bộ phận muốn nâng cao lên. Chi phí cho việc sử dụng chất làm đầy cũng không đắt nên được rất nhiều chị em hoan nghênh.

    Đối với người Châu Á, luôn tự ti với chiếc mũi tẹt của mình thì việc tiến hành nâng mũi là một giải pháp được nhiều người lựa chọn. Thế nhưng những trường hợp mũi bị méo mó, lệch lạc sau khi tiến hành nâng mũi cũng khiến nhiều chị em không khỏi “chột dạ”. Công nghệ tiêm chất tạo đầy cao cấp vào sống mũi hay còn gọi là nâng mũi Filler để có chiếc mũi cao dọc dừa mà không cần đụng chạm dao kéo ra đời, giải toả nỗi lo lắng biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ.

    Thế nhưng, song song với tiện lợi và nhanh chóng của công nghệ này đem lại thì những tác hại ngoài ý muốn cũng thực sự nghiêm trọng. Việc các trung tâm thẩm mỹ mọc lên như “nấm sau mưa” khiến các chị em có nhu cầu làm đẹp lạc vào ma trận. Đâu đâu cũng giăng đầy quảng cáo về việc “nâng mũi không đau đớn”, “hiệu quả ngay tức thì”,… khiến các cá nhân mất cảnh giác.

    Chị T.H.C 38 tuổi phải gánh chịu hậu quả là chiếc mũi lở loét, khuôn mặt sưng phồng vì chất làm đầy không rõ nguồn gốc.

    Bên cạnh những trung tâm hoạt động có giấy phép hẳn hoi và sử dụng dung dịch tiêm chất tạo đầy nguồn gốc rõ ràng thì vẫn còn những người “tay ngang” đã và đang gây ra không ít hiểm hoạ sức khoẻ cho bệnh nhân.

    Thực tế, nâng mũi không phẫu thuật bằng Filler là việc đưa một chất lỏng đậm đặc vào mũi để nâng mũi cao lên. Việc này chỉ mất khoảng 5-15 phút và bạn sẽ xoá được mọi khuyết điểm, có chiếc mũi như mong muốn.

    Đã có khá nhiều trường hợp mũi gặp phải biến chứng khi thực hiện phương pháp này như sưng đỏ, rồi đau lan ra đến hai bên gò má, thỉnh thoảng cơn đau buốt lên đến đầu. Sau đó phần da trên sống mũi phồng rộp lên, sần sùi và lở loét. Với trường hợp này, thông thường nguyên nhân là do bị tiêm phải chất làm đầu dởm, là silicon lỏng rẻ tiền – chất bị khuyến cáo là độc hại và cấm sử dụng. Muốn chữa trị thì cần phải phẫu thuật.

    Cách đây không lâu, tại Vũng Tàu, Việt Nam cũng xảy ra trường hợp tương tự khiến người phụ nữ có tên T.H.C 38 tuổi phải gánh chịu hậu quả là chiếc mũi lở loét, khuôn mặt sưng phồng vì chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Sau khi tiêm chất này xong, chiếc mũi của chị C sưng đỏ rồi lan dần ra hai bên má, đau buốt tới tận óc. Một thời gian ngắn tiếp theo, chiếc mũi nhanh chóng phồng rộp rồi lở loét. Đến lúc này chị C mới tìm tới bác sĩ tại thành phố lớn để chữa trị. Tại đây, chị C được cho biết là người ta đã tiêm vào mũi chị một mũi silicon lỏng rẻ tiền vô cùng độc hại chứ không phải là chất làm đầy cao cấp như lời quảng cáo trước đó.

    Theo tin tức từ báo Vietnamnet, một cộng tác viên chuyên giới thiệu khách đến tiêm môi, mũi cho một spa thẩm mỹ có tên V.T.H đã lên tiếng vạch trần trò lừa đảo khách hàng của chủ spa về việc sử dụng hàng “dởm” để thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy cho khách, dẫn đến hàng loạt trường hợp bị vẹo môi, mũi, lệch cằm.

    Ngay sau đó nhiều nạn nhân cũng lên tiếng tố cáo spa này làm khách hàng bị môi sưng, mũi vẹo, cằm lồi. Theo lời kể của H., khách hàng của spa đã từng gặp rất nhiều vấn đề về tiêm và kiện cáo. Sau một thời gian nghi ngờ, cô phát hiện những hộp thuốc tiêm cho khách không phải hàng chính hãng như quảng cáo của chủ spa.

    Hình ảnh chiếc cằm bị lệch hoàn toàn sau khi tiêm chất làm đầy.

    Ý kiến bác sĩ

    Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Việt Nam - Cu Ba cho biết, trong thẩm mỹ, filler là một chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng. Tuy nhiên, BS Thái cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trôi nỗi không rõ nguồn gốc. Vì thế, điều lo ngại nhất là người dùng có thể bị tiêm phải sản phẩm chất làm đầy trôi nổi không rõ chất lượng, báo Dân Trí đưa tin.

    Trên thị trường tồn tại nhiều loại collagen kém chất lượng, collagen làm từ da trâu (còn gọi là keo da trâu) khi dùng có thể gây những hậu họa cả về sức khỏe và thẩm mỹ. Bên cạnh đó việc tiêm các chất làm đầy không đảm bảo chất lượng, trôi nổi, làm không đảm bảo vệ sinh có thể gây bội nhiễm nhiễm trùng vùng tiêm.

    “Khi có một chất lạ như filler vào cơ thể, dù là hàng tốt cũng có thể gây phản ứng, do đó có thể gây các sự cố không mong muốn như dị ứng, viêm. Còn với hàng trôi nổi, keo da trâu khi đưa vào cơ thể, ngay dưới da, chúng có thể nhanh chóng đông cứng và vón cục, gây tình trạng xuất hiện những cục cứng lạ dưới da sau tiêm chất làm đầy. Hay như silicon lỏng cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hại vì khi vào cơ thể sẽ đóng cục tại chỗ, chúng cũng lan đến nhiều nơi trên cơ thể gây nên những chất u xơ do bị phản ứng cơ thể bao lại. Chất này rất khó lấy hết và dễ gây viêm nhiễm”, BS Thái nói.

    Trao đổi trên báo Vietnamnet, giáo sư Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh pôn cho rằng, ưu điểm của việc làm đẹp nhờ thủ thuật là hiệu quả nhanh, tính rủi ro ít. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ, với các nguy cơ có thể gặp như nhiễm trùng vết mổ, sẹo xấu … đôi khi cần phải phẫu thuật lại thì thủ thuật lại gần như không có. Tuy nhiên những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Những cơ sở “chui” như trên nếu xảy ra tai biến không đủ khả năng cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng.

    “Trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, khách hàng phải xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng; nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt; người tiêm filler phải là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được đào tạo bài bản”, GS. BS Trần Thiết Sơn nhấn mạnh.

    Ngọc Anh (Tổng hợp) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ham-re-tiem-chat-lam-day-rom-hoai-tu-mui-bien-dang-cam-a114822.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.