+Aa-
    Zalo

    Hàn Quốc tổ chức Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng hàng hải Quốc tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ ngày 24 - 27/10, Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng hàng hải Quốc tế (MADEX 2017) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Busan (BEXCO) ở Busan, Hàn Quốc.

    Từ ngày 24 - 27/10, Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng hàng hải Quốc tế (MADEX 2017) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Busan (BEXCO) ở  Busan, Hàn Quốc.

    MADEX 2017 được tổ chức cùng với các chương trình Triển lãm Cảng Biển 2017 (SEAPORT 2017) và Triển lãm Hàng hải Hàn Quốc (KORMARINE 2017) trong khuôn khổ Tuần lễ Hàng hải 2017.

    Lễ khai mạc MADEX 2017 - Ảnh: Navyrecognition

    Triển lãm năm nay quy tụ 200 hãng công nghiệp quốc phòng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang đến trưng bày và giới thiệu các dòng sản phẩm vũ khí, trang bị hải quân mới cho Hải quân Hàn Quốc cũng như cho nhiều phái đoàn quan chức và các sĩ quan hải quân các nước tới thăm quan triển lãm.

    Phái đoàn hải quân các nước thăm quan triển lãm - Ảnh: Navyrecognition

    Triển lãm MADEX 2017 thu hút sự quan tâm của 23 phái đoàn hải quân nước ngoài, đáng chú ý triển lãm năm nay còn có cả các phái đoàn hải quân của Campuchia, Ecuador, New Zealand, Qatar và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE).

    Góp mặt tại sự kiện này, phía chủ nhà Hàn Quốc có các hãng chế tạo công nghiệp quốc phòng hàng hải lớn gồm: LIG Nex1, Hanwha và Công ty đóng tàu Hyundai (HHI). Bên cạnh đó, trưng bày sản phẩm tại triển lãm còn có đại diện các công ty chế tạo công nghiệp quốc phòng hàng hải nước ngoài danh tiếng như: Thales, Lockheed Martin, Lacroix, Kongsberg và Babcock International.

    Mô phỏng phóng tên lửa dẫn đường từ tàu PKX-B - Ảnh: Navyrecognition

    Theo thông tin từ Ban tổ chức Triển lãm MADEX 2017, các sản phẩm vũ khí, trang bị hải quân mới đã được các hãng công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc và các nước đem ra trưng bày, giới thiệu tại triển lãm.

    Đặc biệt, một số loại vũ khí, trang bị mới lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm đã thu hút được sự quan tâm từ các phái đoàn hải quân như: Hệ thống phóng pháo sáng mồi bẫy tên lửa trang bị cho tàu chiến SYLENA MK2 cùng với các thiết bị phản xạ góc cạnh thế hệ mới của Công ty Lacroix (Pháp); Hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác mới GGRM-5 của Công ty Poongsan (Hàn Quốc); dòng tên lửa hành trình chiến thuật hải đối bờ tân tiến có khả năng tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao (TSLM) của Công ty LIG Nex1 (Công ty con thuộc Tập đoàn LG của Hàn Quốc); tổ hợp phóng tên lửa dẫn đường 130 mm dành cho tàu tên lửa PKX-B của Hải quân Hàn Quốc; tàu huấn luyện mới HTD-5500 của Công ty đóng tàu Hyundai (HHI) và nhiều dòng sản phẩm vũ khí trang bị hiện đại khác.

    Tổ hợp phóng tên lửa dẫn đường 130mm cho các tàu PKX-B - Ảnh: Navyrecognition

    Theo giới thiệu của Công ty Lacroix, hệ thống phóng pháo sáng mồi bẫy tên lửa trang bị cho tàu chiến SYLENA MK2 và các thiết bị phản xạ radar góc cạnh gắn ngoài thế hệ mới do Công ty Lacroix của Pháp nghiên cứu và chế tạo. SYLENA MK2 được Lacroix phát triển nhằm cung cấp giải pháp tối ưu cho việc bảo vệ tàu chiến khỏi mối de dọa từ các tên lửa của đối phương. SYLENA MK2 và các thiết bị phản xạ radar góc cạnh gắn ngoài thế hệ mới có thể trang bị cho nhiều loại tàu, từ tàu tuần tra cho đến kinh hạm.

    Hệ thống phóng SYLENA MK2 - Ảnh: Navyrecognition

    Cơ chế hoạt động của SYLENA MK2 cơ bản giống các hệ thống phóng pháo sáng mồi bẫy tên lửa trang bị cho máy bay. Khi phát hiện tên lửa của đối phương nhằm vào tàu, SYLENA MK2 sẽ phóng ra các loạt pháo sáng để đánh lừa làm chuyển hướng mục tiêu phá hủy của tên lửa.

    Mô hình phân tích phản xạ radar góc cạnh của Lacroix - Ảnh: Navyrecognition

    Hiện nay, Hải quân Hàn Quốc có 27 tàu chiến được trang bị hệ thống phóng pháo sáng mồi bẫy tên lửa KDAGAIE và phiên bản cải tiến K-DAGAIE NG. Hải quân Hàn Quốc cũng đang hết sức quan tâm tới SYLENA MK2 của Pháp để trang bị cho 3 tàu khu trục mới LPX Batch II, FFX Batch III, PKX-B Batch II và các siêu hạm thuộc Chương trình KDDX của Hải quân Hàn Quốc.

    Tên lửa chống hạm Kh-35 của Triều Tiên - Ảnh:  Navyrecognition

    Tại MADEX 2017, Công ty Lacroix cho rằng, hiện nay Triều Tiên đang triển khai hàng loạt tên lửa chống hạm Kh-35. Loại tên lửa này đang đặt ra mối đe dọa lớn đối với các tàu mặt nước của Hải quân Hàn Quốc. Lacroix khẳng định rằng, với việc trang bị cho tàu chiến hệ thống SYLENA MK2 cùng các thiết bị phản xạ radar góc cạnh thế hệ mới sẽ là giải pháp đối phó tối ưu với mối đe dọa mới này từ Triều Tiên.

    Tại triển lãm, các công ty, tập đoàn của Hàn Quốc cũng trưng bày và giới thiệu các dòng vũ khí hải quân mới, trong đó đáng chú ý là Hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác GGRM-5 của Tập đoàn Poongsan (Hàn Quốc). GGRM-5 đang được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tương lai của Hải quân Hàn Quốc. Dae Ho Shin - Quản lý cấp cao Nhóm phát triển số 1 của Tập đoàn Poongsan giải thích: "GGRM-5 bắt đầu được nghiên cứu và phát triển từ 2015, các cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành trong năm 2016. Hy vọng GGRM-5 được sản xuất hàng loạt từ năm 2025.

    Tên lửa dẫn đường chính xác GGRM-5 - Ảnh: Navyrecognition

    Với Hệ thống dẫn đường tích hợp (GPS/INS). GGRM-5 có tầm bắn lên tới 100km và sai số chỉ khoảng 10 m. Để đạt được tầm bắn, GGRM-5 được trang bị động cơ tên lửa, hai cánh và bốn bộ ổn định. Hiệu năng của GGRM-5 phụ thuộc vào độ xuyên phá của đầu đạn, đầu đạn của GGRM-5 có thể xuyên giáp dày 127mm.

    Vũ khí tiếp theo thu hút các phái đoàn hải quân đó là dòng tên lửa hành trình chiến thuật hải đối bờ mới (TSLM) có khả năng tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao, lần đầu tiên được Công ty LIG Nex1 một Công ty con thuộc Tập đoàn LG (Hàn Quốc) giới thiệu. Tên lửa TSLM có thể trang bị cho các khu trục lớn như FFX-I và sử dụng phương thức phóng nghiêng, tương tự như tên lửa đối hạm SSM-700K Haeseong (C-Star).

    Tên lửa hành trình chiến thuật hải đối bờ mới (TSLM) - Ảnh: Navyrecognition

    Trong tương lai, dòng tên lửa TSLM còn có thể được lắp vào các bệ phóng thẳng đứng đa nhiệm thế hệ mới. Dự kiến, dòng tên lửa TSLM sẽ được sản xuất và trang bị cho Hải quân Hàn Quốc từ năm 2019.

    TSLM phóng nghiêng từ tàu - Ảnh: Navyrecognition

    Tên lửa có tầm bắn khoảng 200km, sử dụng phương thức dẫn đường quán tính, bám mục tiêu bằng định vị vệ tinh và được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh. Ngoài ra LIG Nex1 cũng lần đầu tiên giới thiệu tổ hợp phóng tên lửa dẫn đường 130mm cho các tàu tên lửa PKX-B của Hải quân Hàn Quốc.

    Tên lửa dẫn đường 130mm cho các tàu tên lửa PKX-B - Ảnh: Navyrecognition

    Tại MADEX 2017, Công ty đóng tàu Hyundai (HHI) cũng giới thiệu một thiết kế tàu huấn luyện mới HTD-5500 cho Hải quân Hàn Quốc. Tàu được trang bị hai pháo hải quân gồm: Pháo chính Hyundai Wia 76mm ở phần phía trước thân tàu và pháo 40mm ở phía trên hầm trực thăng.

    Tàu huấn luyện mới HTD-5500 - Ảnh: Navyrecognition

    Ngoài ra HTD-5500 được tích hợp hệ thống phóng thẳng đứng K-VLS ở phía sau thân tàu. Tàu còn được trang bị các ống phóng ngư lôi, hệ thống tác chiến điện tử (ESM/ECM), hệ thống sonar và một trực thăng.

    Sàn đáp trực thăng trên tàu HTD-5500 - Ảnh: Navyrecognition

    Tàu huấn luyện HDT-5500 được thiết kế có chiều dài 145m, rộng 18m, trọng tải 5.500 tấn, tốc độ tối đa lên tới 24 hải lý/giờ, phạm vi hành trình là 7.500 hải lý và có thể hoạt động liên tục 30 ngày trên biển. Biên chế thủy thủ đoàn là 150 người. Tàu được sử dụng để huấn luyện thủy thủ và có thể tiến hành các sứ mệnh an ninh hàng hải nếu cần thiết.

    Ngân Nhi(Theo Navyrecognition)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/han-quoc-to-chuc-trien-lam-cong-nghiep-quoc-phong-hang-hai-quoc-te-a206938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan