+Aa-
    Zalo

    Hàng loạt vụ kinh doanh xăng "bẩn" bị phát hiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp ki doanh xăng dỏm, xăng kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận.

    Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh xăng dỏm, xăng kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận.

    Trưa 10/10, cảnh sát kinh tế (PC46, Công an Nghệ An) phối hợp với Sở Khoa học công nghệ Nghệ An bắt quả tang một xe bồn đang đổ 40.000 lít dung môi vào nơi chứa xăng của Công ty TNHH Thanh Ngũ (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu).

    Khám trụ sở công ty, lực lượng chức năng phát hiện hai bể chứa 7.000 lít xăng A92 kém chất lượng cùng hai lọ bột tạo màu xăng.

    Chủ công ty khai xăng kém chất lượng được pha chế theo công thức: 50% xăng A92 + 50% chất dung môi + bột tạo màu.

    Mở rộng điều tra, cảnh sát khám cơ sở kinh doanh xăng dầu Kiên Lục tại xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu) đã phát hiện hai bể chứa 10.000 lít xăng A92 kém chất lượng cùng một lọ bột tạo màu cho xăng.

    Đại diện chủ cơ sở thừa nhận mua 320.000 lít chất dung môi với giá 10.600 đồng/lít. Một nửa số này đã bán cho Công ty Thanh Ngũ, số còn lại dùng để "chế biến" xăng tại cơ sở.

    Ba lọ bột tạo màu xăng bị cảnh sát niêm phong - Ảnh: Vnexpress

    Hai tháng qua, ước tính số dung môi đã bán ra đủ dùng để pha chế hơn hai triệu lít xăng kém chất lượng.

    Hiện mẫu phẩm về xăng, chất tạo màu đang được đưa đi giám định.

    Hai cơ sở kinh doanh xăng dầu nói trên đã bị đóng cửa chờ xử lý. 8 đại lý khác ở Nghệ An đang bị lấy mẫu để kiểm tra chất lượng xăng.

    Trước đó, cuối tháng 5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định xử phạt một công ty về hành vi bán xăng RON 92 có chất lượng không hợp chuẩn.

    Theo đó, đơn vị bị xử phạt là Công ty TNHH MTV Cửa hàng Xăng dầu Phúc Vinh (ngành nghề kinh doanh bán lẻ xăng dầu) tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng bán 3.960 lít xăng RON 92 có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.

    Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính do Công ty đã vi phạm Nghị định 97 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

    Căn cứ trên biên bản vi phạm, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Cửa hàng Xăng dầu Phúc Vinh 140,421 triệu đồng về hành vi bán xăng RON 92 có chất lượng không phù hợp như trên.

    Một vụ khác, tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định xử phạt hành chính 1,3 tỉ đồng một doanh nghiệp do về hành vi mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy định.

    Doanh nghiệp bị xử phạt là Công ty trách nhiệm hữu hạn Mai Hoa có địa chỉ tại số 705 quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

    Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, Công ty Mai Hoa đã chứa trong kho hơn 24.000 lít xăng không đảm bảo chất lượng theo quy định.

    Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng còn tước quyền kinh doanh xăng dầu 1 tháng đối với công ty này, đồng thời yêu cầu thu gom, tái chế toàn bộ lượng xăng RON92, RON95 có chất lượng không đúng quy định.

    Hành vi vi phạm về đo lường, về chất lượng xăng dầu... sẽ bị phạt rất nặng

    Liên quan đến việc chất lượng xăng dầu, báo Chất lượng Việt Nam Online dẫn nguồn thông tin từ các chuyên gia cho biết, việc “rút ruột” xăng rồi pha tạp sẽ làm thay đổi thành phần bay hơi ở nhiệt độ bình thường, làm thay đổi cân bằng về hơi, áp suất hơi trong động cơ cũng bị thay đổi theo.

    Do đó, pha không đúng quy định thì ảnh hưởng chất lượng nhiên liệu. Cụ thể, xăng bị pha chế không đúng quy định sẽ làm trương nở các chi tiết động cơ làm bằng vật liệu cao su, vật liệu tổng hợp như các đường ống, gioăng.. làm trục trặc động cơ. Nó không làm ăn mòn đến mức rò rỉ bình xăng nhưng tại các khớp nối, vốn là chi tiết có 2 loại vật liệu khác nhau, khi bị trương nở, khớp nối bị tuột ra, lỏng ra thì xăng dễ bị rò rỉ ra ngoài. Trong môi trường động cơ hoạt động, chuyển động với nhiệt độ cao, nhiên liệu rò rỉ ra ngoài thì cháy nổ là khó tránh khỏi.

    Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 1:2015/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu Điêzen và nhiên liệu sinh học.

    Theo Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn, sức khỏe, môi trường và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học, bao gồm:

    Xăng không chì, xăng E5, xăng E10: Nhiên liệu điêzen, nhiên liệu điêzen B5; Nhiên liệu sinh học gốc: Etanol nhiên liệu và nhiên liệu điêzen sinh học gốc B100.

    Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối và bán lẻ các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

    Theo Nghị định 97/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (gas). Hành vi vi phạm về đo lường, về chất lượng xăng dầu... sẽ bị phạt rất nặng.

    Riêng hành vi vi phạm quy định chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, đơn vị kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 1-1,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với hành vi tồn trữ, vận chuyển xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

    Đối với các hành vi pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng; mua bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp; xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn cho phép, đơn vị kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 1,5-2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 1 tháng đến 6 tháng đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu; buộc đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu từ 1 tháng đến 3 tháng đối với tổng đại lý, đại lý, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-vu-kinh-doanh-xang-ban-bi-phat-hien-a204936.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan