+Aa-
    Zalo

    Hậu cháy quán karaoke: Quán hát ế ẩm, nhân viên điêu đứng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng làm 13 người chết, nhiều quán karaoke đã phải đóng cửa, hoặc có quán thì rơi vào ế ẩm, nhân viên thì nghỉ việc..

    (ĐSPL) - Sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng làm 13 người chết, nhiều quán karaoke đã phải đóng cửa, hoặc có quán thì rơi vào ế ẩm, nhân viên thì nghỉ việc...

    Đóng cửa quán karaoke đến hết năm 2016

    Chiều ngày 7/11, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự việc hỏa hoạn tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong, ông đang cân nhắc để ra một chỉ thị với tinh thần sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động karaoke từ nay đến 31/12, đồng thời rà soát lại toàn bộ 5 tiêu chí là diện tích phòng, ánh sáng, đường thoát hiểm, quản lý nội dung bài hát, tất cả các biển quảng cáo cỡ lớn phải dỡ bỏ đối với các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội.

    Trước đó, UBND quận Cầu Giấy cũng đã có quyết định tạm dừng hoạt động đối với tất cả các quán karaoke trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, sau vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu làm 13 người tử vong vào ngày 1/11 vừa qua.

    Sau những quyết định trên của lực lượng chức năng, PV đã có cuộc khảo sát tại các quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy. Theo đó, nhiều quán vốn đông khách nay cũng đã phải đề biển tạm đóng cửa, hoạt động tại các quán cũng không còn nhộn nhịp như trước.

    Trước những thông tin trên, nhiều chủ quán tỏ ra lo lắng nếu như các quán hát karaoke bị đóng cửa đến hết năm.

    Hiện trường vụ cháy làm 13 người chết.

    Anh Nguyên Văn H. - chủ một quán karaoke trên địa quận Cầu Giấy cho biết, từ hôm xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại số 68 phố Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, quân Cầu Giấy) làm 13 người tử vong, việc kinh doanh karaoke đã bị ảnh hưởng lớn.

    “Nhà mình có hơn 10 phòng hát, trước khi xảy ra vụ cháy quán hoạt động hết công xuất, nhưng đến thời điểm này quán không có khách đến. Nếu đến họ đòi hỏi hát ở tầng 1 và tầng 2 không ai giám lên tầng cao để hát cả” – anh H. chia sẻ.

    Anh H. cũng chia sẻ, đối với quán karaoke mà có trên 10 phòng hát như của anh thì lượng nhân viên tại đây cũng khá đông. Việc không được hoạt động sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và tiền trả lương cho nhân viên. "Quán mình có khoảng 30 nhân viên, gồm bảo vệ, âm thanh, phục vụ bàn… giờ cứ như thế này thì có khi phải đóng cửa tạm một thời gian và cho nhân viện nghỉ việc", anh H. cho hay.

    Nhiều quán karaoke phải tạm dừng hoạt động.

    Cùng chung quan điểm trên, anh Nam - chủ một số quán karaoke trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Thực sự đến thời điểm này lượng khách đến các quán hát là rất ít, nhưng vẫn phải hoạt động vì một lượng nhân viên khá lớn. Giờ đóng cửa hết thì đành phải hủy hợp đồng lao động đối với các nhân viên của quán.” – anh Nam nói.

    Những cô gái phục vụ sẽ ra sao?

    Quán karaoke muốn có khách đến thì trước hết phải có một dàn các em chân dài, trẻ, xinh tươi. Những nhân viên này sẽ phục vụ như rót bia, hát cùng với khách. Từ hôm xảy ra vụ cháy, lượng khách đến hát không nhiều nên các cô gái này cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Hầu hết các nhân viên này đều ăn theo doanh thu hoặc do khách bo.

    Một cô gái trẻ tên là Trần Tuyến N. (ở Phú Thọ) hiện đang theo học năm 3 tại một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi em trai cũng đang ăn học trên Hà Nội nên N. đành đi làm phục vụ rót bia, rượu, hát cùng khách (hay còn được gọi là nghề tay vịn – PV) trong quán karaoke được gần 1 năm.

    “Công việc làm không cố định thời gian, thu nhập cũng tạm ổn nên sáng em đi học, tối em đi làm thêm ở quán hát, đủ tiền sống hàng tháng cho hai chị em, nhưng mấy hôm nay quán tạm nghỉ nên thu nhập bị cắt, không biết thời gian tới em phải lo tiền học cho mình, cho em trai như thế nào. Chắc em phải tìm một công việc khác để làm”, N. tâm sự.

    Cũng tương tự hoàn cảnh như của N., chị Vũ Quỳnh T. (26 tuổi, quê Sơn La) chia sẻ, T. sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm còn mẹ thì bị bệnh nặng. Để có tiền giúp mẹ chữa bệnh, T. xuống Hà Nội tìm việc làm gửi tiền về cho mẹ.

    “Vì khuôn mặt em ưa nhìn nên khi xin vào quán hát đã được nhận. Công việc thu nhập cũng ổn định nên hàng tháng em đều có thể gửi tiền về cho mẹ chữa bệnh và trả nợ tiền vay ngân hàng. Giờ công việc bị tạm dừng, thu nhập không có, thời gian tới không biết em lấy tiền đâu ra để gửi về cho mẹ”, T. tâm sự.

    Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động (Bộ luật Lao động 2012)

    1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

    a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

    b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

    Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

    c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

    d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

    2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

    a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

    b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

    c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

    Chú ý:Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    TƯỜNG VY

    Xem thêm video: [mecloud]DjUhDWnq3p[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hau-chay-quan-karaoke-quan-hat-e-am-nhan-vien-dieu-dung-a169602.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan