+Aa-
    Zalo

    Khi thầy thuốc “giáng đòn chí tử” vào niềm tin của người bệnh!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sự vụ Sở Y tế Thanh Hóa đã phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng bằng giả là một "đòn giáng" mạnh vào niềm tin của người bệnh, vốn khá "mỏng manh" đối với ngành y thời gian gần đây.

    (ĐSPL) - Vừa qua, qua công tác rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn, Sở Y tế Thanh Hóa đã phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng bằng giả.

    Trong đó, có 3 trường hợp bằng giả trình độ cao đẳng điều dưỡng, 9 trường hợp y sỹ, 4 trường hợp dược sỹ trung học, 1 trung học điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm trung học và 2 tin học giả... Sự vụ này là một "đòn giáng" mạnh vào niềm tin của người bệnh, vốn khá "mỏng manh" đối với ngành y  thời gian gần đây.

    Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa.

    Người bệnh thêm ốm vì... lo

    Ngay khi có những thông tin về 20 trường hợp lao động trong các cơ sở y tế sử dụng văn bằng giả, PV báo Đời sống và Pháp luật đã trực tiếp ghi nhận phản ứng của bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) hàng đầu tỉnh Thanh Hóa (nơi có cán bộ y tế sử dụng bằng giả-PV) như: BV Nội tiết, BV đa khoa tỉnh, thành phố... Tại khoa Dược vật tư thiết bị y tế (BV Nội tiết tỉnh Thanh Hóa), nơi có trường hợp Lê Thị Thúy (29 tuổi, quê xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa) sử dụng bằng dược sỹ trung học giả, rất nhiều bệnh nhân tỏ rõ lo lắng khi phải lấy thuốc ở đây.

    Bà Đinh Thị H. (Thống Nhất 2, Trường Thi, Thanh Hóa) đang có cháu nhỏ điều trị tại khoa Nhi chia sẻ: "Không chỉ gia đình chúng tôi mà không ít người nhà bệnh nhân rất lo lắng mỗi khi cầm đơn ra nhận thuốc. Chúng tôi sợ rằng, một dược sỹ không có chuyên môn, liệu có thể đủ trình độ để nhận diện đúng loại thuốc hay đưa ra tư vấn dùng thuốc đúng cho người bệnh. Nhỡ họ đưa sai, nhầm thuốc thì biết kêu ai?".

    Cũng tại đây, ông Đinh Văn Định (55 tuổi, ở Đông Sơn, TP.Thanh Hóa), một bệnh nhân tiểu đường tỏ ra hết sức lo lắng: "Hàng tháng, tôi đều phải đến đây khám bệnh và lấy thuốc. Làm nhân viên cấp phát thuốc nhưng không có trình độ chuyên môn, phát sai, chúng tôi phải làm sao? Thuốc tiểu đường, uống sai thì nguy cho tính mạng lắm. Tôi rất bức xúc, trong thời gian qua, tôi không ít lần  nhận thuốc từ cô Thúy".

    Ngày 21/1, trao đổi trực tiếp với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin, Vụ đã ký công văn gửi Sở Y tế Thanh Hoá yêu cầu giải quyết nghiêm túc, gửi thông tin đến các cơ quan chức năng để xử lý triệt để". Ông Tác cũng cho biết, Bộ Y tế vừa ra công văn chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa, yêu cầu ngành y tế và cơ quan công an nhanh chóng làm rõ nguồn gốc của các bằng và sai phạm từng trường hợp cụ thể, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đối với 20 nhân viên y tế sử dụng bằng giả.

    PV báo Đời sống và Pháp luật, đã tiếp cận được bản sao công chứng bằng dược sỹ của Lê Thị Thúy. Theo đó, bằng ghi: Bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, trường trung học Y tế Hà Nội. Mã số bằng 58615, vào sổ lưu số 3212/79 ngày 25/10/2006, cấp theo Quyết định số 134/QĐ-THYT-ĐT, ngày 30/09/2006 khóa học 2004-2006 hệ chính quy chuyên ngành dược sỹ do TS. Lưu Hữu Tự, Hiệu trưởng ký.

    Tuy nhiên, qua xác minh ban đầu của PV thì bằng dược sỹ của bà Thúy sử dụng được nhận dạng là tấm bằng dược sỹ trung học giả. Điều giật mình là ở chỗ, với tấm bằng dược sỹ giả này, bà Thúy vẫn được nhận nhiệm vụ cấp phát thuốc cho bệnh nhân trong suốt 8 năm liền! Điểm đáng lưu ý tiếp theo trong điều tra của PV về  lý lịch của bà Thúy cho thấy, bà Thúy từng bị đuổi việc vì phát hiện sử dụng bằng giả. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bà vẫn được tiếp tục ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm ở khoa Khám bệnh với công việc hộ lý.

    Cùng thời gian này, PV tìm đến trạm Y tế xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn mà theo báo cáo từ Sở Y tế Thanh Hoá,  Trạm trưởng Lê Văn Lệ (SN 1958) cũng sử dụng bằng giả và nhờ đó giữ chức Trạm trưởng tới 20 năm.

    Bà Nguyễn T.T., đồng nghiệp của ông Lệ cho PV biết: "Khi chúng tôi nhận được thông tin, anh em trong cơ quan đều bất ngờ. Ông Lệ được đề bạt giữ cương vị này từ lâu lắm rồi, thời điểm đó rất thiếu nhân lực và cũng không mấy người thích công việc y tế cơ sở. Do đặc thù công việc tại các trạm không" nặng lắm" về chuyên môn, chủ yếu là công tác tuyên truyền về công tác y tế, y tế dự phòng nên chẳng mấy khi anh em trong cơ quan quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ. Thấy làm được việc là được!?".

    Tìm hiểu thêm về thông tin của trường hợp ông Lệ, ông Lê Hữu Uyển- Trưởng phòng Nghiệp vụ y, người phát ngôn chính thưc của Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: "Khi phát hiện bằng của ông Lệ có dấu hiệu tẩy xóa, giả mạo, chúng tôi đã có buổi làm việc cụ thể. Ông Lệ giải trình, đã học tại trường Quân y số 1 Sơn Tây và được cấp bằng. Tuy nhiên, khi đối chiếu hồ sơ gốc, không có tên ông Lệ. Việc ông Lệ được đề bạt và đảm nhiệm chức trạm trưởng trạm y tế xã chỉ với bằng y sỹ là do cách đây nhiều năm, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu trầm trọng cán bộ làm công tác y tế cơ sở".

    Nguy hại không đo đếm được

    Sử dụng bằng cấp giả trong bất kỳ ngành nghề nào đều vi phạm pháp luật và tạo hiệu ứng, hệ lụy xấu cho xã hội, song với ngành y là một nghề đặc biệt nên những tấm bằng giả này sẽ uy hiếp, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh, cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc cũng như cách thức quản lý đặc thù.

    Trước thông tin này, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) chia sẻ với PV: "Sự vụ 20 bằng y giả tại Thanh Hóa, thực sự gây bức xúc trong người dân. Điều đáng lo lắng là người dân mất niềm tin vào ngành y, ngành cần trình độ để xử lý các công việc liên quan tính mạng của dân. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, Sở Y tế Thanh Hóa đã phát hiện và cùng với Bộ Y tế kiên quyết xử lý, tôi hy vọng, những chuyện như thế này sẽ không tiếp tục xảy ra, những tồn tại sẽ được xử lý, gian dối trong ngành y tế sẽ chấm dứt".

    Trước câu hỏi của PV, việc sử dụng bằng giả của cán bộ y tế ở Thanh Hóa từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã diễn ra trong thời gian dài  không bị phát hiện, phải chăng, công tác quản lý cán bộ "có vấn đề"? Bà An cho rằng, các đơn vị liên quan phải phân tích, mổ xẻ ra để tìm đến cùng người chịu trách nhiệm chuyện đó. Chắc chắn, người quản lý trực tiếp phải có trách nhiệm đầu tiên.

    Ngày 20/1, trả lời câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật tại sao, thời điểm này Sở Y tế Thanh Hóa mới "bung" sự vụ này ra, ông Lê Hữu Uyển cho biết: "Từ khoảng cuối tháng 8/2013 đến 10/2014, thực hiện chỉ đạo của ngành, sở Y tế Thanh Hóa đã thực hiện kiểm tra, rà soát trên 10.000 văn bằng, chứng chỉ của các cán bộ, công nhân viên đang công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh.

    Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đoàn kiểm tra đã phát hiện 20 bằng có dấu hiệu khả nghi. Các bằng kể trên, đều là bằng dược sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên xét nghiệm ở 12 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, không có bằng bác sỹ chuyên môn nào.

    Ông Lê Hữu Uyển- Trưởng phòng Nghiệp vụ y, người phát ngôn chính thức của Sở Y tế Thanh Hóa trao đổi với PV.

    Cụ thể, có 3 trường hợp bằng giả trình độ cao đẳng điều dưỡng, 9 trường hợp bằng y sỹ, 4 trường hợp dược sỹ trung học, 1 trung học điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm trung học và 2 bằng tin học giả. Kết luận, những bằng cấp này đều là giả. Có bằng thì sử dụng phôi thật nhưng chữ ký của Hiệu trưởng giả; có bằng thì cả phôi và chữ ký đều giả. Tất cả các trường hợp này, trừ hai trường hợp học trung cấp tin học, các trường hợp khác đều đã từng có thời gian học tập tại các trường trung cấp điều dưỡng của ngành y.

    Tuy nhiên, họ thi trượt hoặc bỏ học giữa chừng nên không được cấp bằng. Có những trường hợp đã bỏ học một thời gian, bỏ đi làm ăn bên ngoài, sau đó lại tìm cách kết nối với một số cá nhân chuyên cung cấp bằng giả tại các trường y.

    Thậm chí, có trường hợp khi làm việc với chúng tôi, vẫn đinh ninh rằng, bằng của mình là bằng thật, do "đi cửa sau" mà có. Do tính chất đặc thù của ngành y, phải là những người đã từng học qua mới biết việc, những cá nhân này đa phần trong công tác lại không có vấn đề gì nên rất khó phát hiện", ông Lê Hữu Uyển cho biết.                  

    Tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường cùng cơ quan chức năng, PV ghi nhận: Hiện vụ việc đã được Sở Y tế Thanh Hóa chuyển toàn bộ hồ sơ sang Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục làm rõ vụ việc.

    Trao đổi với PV, ngày 20/1, đại diện PA83, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc tiến hành điều tra, xác minh bằng cấp của các trường hợp kể trên đang được gấp rút tiến hành và sẽ có kết luận sớm nhất để trấn an dư luận. Báo Đời sống và Pháp luật sẽ cập nhật thông tin mới nhất về vụ việc này để chuyển đến bạn đọc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-thay-thuoc-giang-don-chi-tu-vao-niem-tin-cua-nguoi-benh-a81273.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan