+Aa-
    Zalo

    “Không có chuyện Bộ Xây dựng phải xin lỗi dân!”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Bộ xây dựng ban hành Thông tư 16 là đúng thẩm quyền, hợp lý. Vì thế không có chuyện Bộ phải xin lỗi dân”.

    (ĐSPL) - Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 28/2: “Bộ xây dựng ban hành Thông tư 16 là đúng thẩm quyền, hợp lý. Vì thế không có chuyện Bộ phải xin lỗi dân”.
    2 cách tính diện tích đều không gây thiệt cho người mua
    Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, Thông tư 16 đã hướng dẫn 2 cách tính để các bên thỏa thuận. Hai cách tích diện tích căn hộ đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua, hay mang thêm lợi nhuận cho bên bán.
    Bởi theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nguyên tắc chi phí đầu tư xây dựng nhà chung cư bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị…, cả phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của căn hộ đều được tính vào giá bán các căn hộ.
    Do vậy, tính theo phương pháp tim tường thì đơn giá bán của chủ đầu tư trên 1m2 sàn sẽ giảm xuống, và ngược lại, tính theo thông thủy thì sẽ tăng lên, nhưng tổng giá trị căn hộ ở 2 cách tính này là không đổi.
    Vì thế, quá trình ra Thông tư 16 hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư là tuân thủ theo quy định được nêu trong luật đang có hiệu lực. Bộ Xây dựng ban hành đúng với trách nhiệm, thẩm quyền được giao.
     “Không có chuyện Bộ Xây dựng phải xin lỗi dân!”
    Nhiều ý kiến cho rằng, với việc ban hành Thông tư 03, Bộ Xây dựng đang bỏ rơi quyền lợi của người dân.
    Theo Thứ trưởng, việc ban hành Thông tư 03 vừa qua, có sửa một điểm từ Thông tư 16, không có nghĩa Thông tư 16 sai, mà là do "cái sau phù hợp với giai đoạn hiện nay”.
    Việt Nam áp dụng cách tính diện tích của quốc tế
    Ông Nam cũng đề cập đến tính hợp lý của việc Bộ Xây dựng ra thông tư hướng dẫn 2 cách tính diện tích. Ông cho biết, cách tính này được căn cứ vào thực tiễn, thông lệ trong nước và quốc tế.
    Theo đó, từ 2004 – 2005 Luật Nhà ở ra đời, tất cả các hợp đồng mua bán chung cư đều tính diện tích từ tim tường mà không xảy ra khiếu kiện.
    Sang giai đoạn 2005 – 2010 cũng không có hướng dẫn cách tính diện tích quy định như thế nào. Các bên quy định tính trong hợp đồng theo nhiều cách, mà khi tòa nhà Keangam quy định hợp đồng tính theo phủ bì nên đã xảy ra tranh chấp.
    Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cách tính sàn chung cư, hoặc theo nguyên tắc thông thủy, hoặc theo tim tường để chủ đầu tư và người dân lựa chọn, thỏa thuận dân sự.
    Theo kinh nghiệm quốc tế, ông Nam cho biết, thế giới vẫn đang tồn tại 3 cách tính diện tích sàn. Phổ biến là cách tính diện tích sàn sử dụng (thông thủy). Cách tính này đang được áp dụng ở Mỹ, Anh, Hồng Kông, rồi sau này có thêm quốc gia Ấn Độ.
    Cách thứ 2 là tính diện tích sàn xây dựng, gọi là tim tường: cách này đang được áp dụng bắt buộc ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta thường tham khảo quy định của hai quốc gia này khi ban hành luật.
    Cách thứ 3, tính phủ bì đang được áp dụng ở Úc, Malaysia. Bên cạnh đó một số nước cũng cho phép lựa chọn 1 trong 3 cách tính này.
    Thứ trưởng Nam giải thích, Luật Nhà ở 2005 đến thời này vẫn còn có hiệu lực, trong đó có điều 153, Chính phủ giao quy định chi tiết toàn bộ những vấn đề quy định trong luật mà chưa được chi tiết hóa. Trong Nghị định 71 của Chính phủ, có quy định nội dung hình thức về hợp đồng nhà ở, trong đó có loại hình chung cư.
    Hoài An
    Mời độc giả xem thêm Clip: Hà Nội điều chỉnh giá đất tại một số vị trí bất hợp lý
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-co-chuyen-bo-xay-dung-phai-xin-loi-dan-a23675.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan