+Aa-
    Zalo

    "Không có thông tin Trung Quốc báo động chiến đấu cấp 3"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tin tức và tình hình xung quanh việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là tâm điểm chính trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 15/5.

    (ĐSPL) - Đó là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2014 của Bộ Ngoại giao về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

    Mở đầu cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao vào 15h chiều nay 15/5, ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo về hoạt động ngoại giao sắp diễn ra của Việt Nam nhằm giải quyết căng thẳng tại biển Đông.

    Cụ thể: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến có chuyến thăm tới Philippines để hội đàm với Tổng thống và hội kiến với với quan chức cấp cao nước này. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh CICA lần thứ 4 theo lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng sẽ tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á.

    Nhấn mạnh đến tâm điểm của cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã có nhiều hành động nhằm chủ động và kiên trì giao thiệp với Trung Quốc dựa trên tinh thần thiện chí để giải quyết việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014. 

    Tuy nhiên, thay vì ngoại giao bằng thái độ thiện chí và hòa bình, phía Trung Quốc lại liên tục đáp trả bằng những hành động ngang ngược, hống hách như phun vòi rồng, đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam gây thương tích. Trung Quốc cũng duy trì nhiều tàu hải giám, quân sự, tàu cá bọc thép, máy bay quân sự tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao khẳng định rõ: "Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng toàn bộ tàu, máy bay ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn hành động tương tự".

    Tình hình biển Đông làm nóng cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao
    Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

    Việt Nam vẫn sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với Luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Động thái mới đây nhất đó là vào ngày 7/5, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên hiệp quốc công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam. Tùy vào diễn biến thực tế, Việt Nam sẽ có phản ứng phù hợp.

    Khẳng định không có thông tin Trung Quốc đang gia tăng quân sự ở biên giới phía Bắc, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Mọi hoạt động giao thương vẫn diễn ra bình thường".

    Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Trung Quốc cho giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, các hoạt động hợp tác giữa 2 nước có ảnh hưởng như thế nào, ông Lê Hải Bình cho hay, rõ ràng hoạt động sai trái của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chính trị cũng như hợp tác, niềm tin của nhân dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động bình thường vì lợi ích của nhân dân 2 nước. 

    Trước thông tin cho rằng người Việt Nam ở Trung Quốc đang bị trả đũa, vị phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã lên tiếng khẳng định: "Chúng tôi chưa có thông tin như phóng viên nêu nhưng chúng tôi sẽ thông báo thông tin này đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở Trung Quốc và đề nghị cơ quan chức năng Trung Quốc có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho công dân Việt Nam".

    Liên quan đến diễn biến mới đây của những vụ biểu tình tự phát tại các tỉnh trong cả nước cũng như việc biểu tình của người Việt tại nước ngoài có hay không liên quan trực tiếp đến giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên biển Đông, ông Lê Hải Bình nêu rõ: "Chúng tôi khẳng định một số vụ phá hoại tài sản của doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Trung Quốc là hành động của một số đối tượng có tính kích động và bị Nhà nước và tuyệt đại đa số người dân Việt Nam lên án. Việt Nam vẫn đang kiên trì đối thoại với Trung Quốc để giải quyết tình hình trên biển Đông".

    Những thông tin như: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đi thăm Trung Quốc từ ngày 13-15/5, Đại sứ mới của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam từ ngày 11/5 cũng được ông Lê Hải Bình xác nhận. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-co-thong-tin-trung-quoc-bao-dong-chien-dau-cap-3-a33113.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan