Đàn bò sữa cao sản HF từ Mỹ lớn nhất nhập khẩu về Việt Nam


Thứ 2, 17/04/2017 | 08:47


Sau hơn một tháng đi đường biển, đàn bò sữa cao sản HF quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ với số lượng gần 1.300 con đã cập cảng Cửa Lò an toàn, di chuyển v

Sau hơn một tháng đi đường biển, đàn bò sữa cao sản HF quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ với số lượng gần 1.300 con đã cập cảng Cửa Lò an toàn, di chuyển về trại nuôi Tân đáo ở trang trại bò sữa TH (Nghĩa Đàn, Nghệ An) trong ngày 14/4. Đơn vị nhập khẩu đàn bò là Tập đoàn TH.

Bò sữa nhập về là giống bò cao sản thuần chủng HF, đang mang thai từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5 (tuổi 15-20 tháng); được chọn lọc kỹ từ những con bố và mẹ năng suất cao, sản lượng sữa đạt12.000 lít/con/chu kỳ (305 ngày); đàn bò cũng được chọn rất cẩn thận từ ngoại hình, thể chất, tiềm năng năng suất sữa và khả năng chống đỡ bệnh tật ở vùng nhiệt đới. Như vậy, chỉ 6 tháng sau, trang trại bò sữa TH sẽ có số lượng bò sữa cao sản nguồn gốc từ Mỹ tăng gần gấp đôi, lên tới khoảng 2.500 con.

Ngày 14/4, tại cảng Cửa Lò (Nghệ An), tập đoàn TH tổ chức Lễ đón đàn bò sữa cao sản HF quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ.


Trước đó, ngày 10.3, Tập đoàn TH đã công bố áp dụng thành công kỹ thuật cấy chuyển phôi phân ly giới tính, cho ra đời gần 500 con bê cái mang đặc tính di truyền của bố mẹ bò sữa cao sản có sản lượng vượt trội 12.000- 13.000 lít/con/chu kỳ, gấp hơn hai lần sản lượng sữa của đàn bò Việt Nam hiện nay. Theo ông Tal Cohen - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường những dòng sữa tươi chất lượng cao, tập đoàn TH đặt mục tiêu tăng nhanh chất lượng, sản lượng sữa của đàn bò. Cùng với việc tự nhân giống, tập đoàn TH chọn phương án nhập khẩu để đẩy nhanh tốc độc nhân đàn. Trên cơ sở có đàn bò sữa cao sản nhập khẩu, trang trại TH sẽ nhanh chóng chọn lọc, nhân thuần để có một đàn bò sữa năng suất cao, giúp công tác chọn lọc nhân giống bò sữa của trang trại TH nhanh đạt được mục tiêu.

Cô bò sữa cao sản đầu tiên bước xuống cầu cảng Cửa Lò để lên xe về trại tân đáo (nuôi cách ly) tại trang trại TH ở Nghĩa Đàn

"Hôm nay chúng tôi đã nhập khẩu đàn bò cao sản HF quy mô lớn từ Mỹ. Đây là một bước tiến mới trong nỗ lực của chúng tôi để nâng cao sản lượng, chất lượng sữa của TH và đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Tal Cohen cho biết thêm tại buổi lễ đón đàn bò sữa cập cảng,

Ông Hoàng Kim Giao - Chuyên gia ngành bò sữa cho biết: Sau 16 năm, Việt Nam mới có đợt nhập bò sữa quy mô lớn đầu tiên từ Mỹ với số lượng lên tới gần 1.300 con do tập đoàn TH thực hiện. Trước đó, năm 2001, Việt Nam đã nhập khẩu 199 bò sữa thuần chủng Holstein Friesian (HF) và 184 bò sữa Jersey từ Mỹ và là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu bò sữa từ Mỹ. Sau đó là những đợt nhập bò lẻ tẻ 50-100 con để cải thiện chất lượng giống bò sữa. "Với việc nhập khẩu đàn bò sữa quy mô lớn, chất lượng giống tốt lần này của TH sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam", ông Hoàng Kim Giao nhận định.


Theo nhận định của các chuyên gia ngành chăn nuôi, Mỹ là nước có nền chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa rất phát triển và có chất lượng con giống tốt. Hiện Mỹ có đàn bò sữa khoảng 9-10 triệu con, sản lượng sữa trung bình đạt 11.000-12.000 lít/con/chu kỳ. Sản lượng này chưa bằng quốc gia chăn nuôi bò sữa ở xứ nóng là Israel (sản lượng bình quân 12.000 lít/con/chu kỳ) nhưng số lượng bò sữa của Israel ít hơn ở Mỹ (chưa đến 200.000 con).Việc tập đoàn TH nhập bò sữa cao sản từ Mỹ, có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thời tiết sẽ có nhiều ưu thế trong hỗ trợ về kỹ thuật, nhân đàn từ quốc gia có đàn bò sữa lớn trên thế giới.


Trang trại TH được xây dựng và vận hành từ năm 2009, đã thực hiện 17 lần nhập bò sữa thuần HF từ New Zealand. Hiện tại, trang trại bò sữa TH có quy mô đàn 45.000 con, trong đó có 22.000 con đang cho sữa, năng suất bình quân đạt trên dưới 30 lít/con/ngày (khoảng 9.000 lít/con/chu kỳ), cao nhất Việt Nam và khu vực Asean.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-bo-sua-cao-san-hf-tu-my-lon-nhat-nhap-khau-ve-viet-nam-a187517.html