Bài 4: Dịch vụ làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện: Sở Y tế Hà Nội nói gì?


Thứ 6, 14/07/2017 | 04:04


Cùng sự kiện

Xã hội phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, đặc biệt trong số đó có nhu cầu về làm đẹp.

Xã hội phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, đặc biệt trong số đó có nhu cầu về làm đẹp. Đây cũng chính là lý do để nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện, phòng khám ra đời. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, biến chứng trong và sau phẫu thuật để lại những hậu quả nghiêm trọng thậm chí đe dọa đến tính mạng con người, do đó để hạn chế tình trạng này không chỉ trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà mỗi khách hàng cũng nên tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở làm đẹp uy tín.

Ảnh minh họa.

Liên quan vấn đề quản lý các cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng nghiệp vụ Y dược – Sở y tế Hà Nội.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những quy định cấp phép đối với các loại hình dịch vụ làm đẹp hiện nay?

Hiện nay làm đẹp có 2 loại hình: Dịch vụ spa, thẩm mỹ viện và các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo quy định tại Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ làm các dịch vụ như: Tạo má lúm đồng tiền, xoá xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai, các dịch vụ tiêm chất làm đầy, các dịch vụ phẫu thuật có ra máu..

Trong khi đó, các cơ sở spa, thẩm mỹ viện chăm sóc da đơn thuần thì chỉ cần giấy đăng ký kinh doanh tại quận, huyện là đủ điều kiện hoạt động.

Hiện nay phòng y tế quận, huyện là cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở spa, thẩm mỹ viện, phòng khám hoạt động trên địa bàn.

Đối với những đơn vị khi bị tố cáo vi phạm thì Sở y tế sẽ phối hợp với phòng y tế quận huyện tiến hành kiểm tra xử lý.

Có tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở làm đẹp đơn thuần lại hoạt động như một dạng phòng khám, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Tại nghị định 109/2016 của Chính phủ về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép đối với các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó cũng nêu rõ ràng các quy định chặt chẽ đối với một phòng khám phải đủ điều kiện về chất lượng trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ cũng như trang thiết bị phòng khám.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay chính là những cơ sở spa, thẩm mỹ viện không được cấp phép phòng khám nhưng vẫn tiến hành các phương pháp phẫu thuật.

Chính hoạt động “chui” này đã tạo ra những hậu quả rất nghiêm trọng, khách hàng không chỉ mất một số tiền lớn cho một cơ sở không đủ chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện an toàn mà còn có nguy cơ bị biến chứng, tổn hại sức khỏe, tính mạng rất cao.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều chiêu thức quảng cáo hấp dẫn được đưa ra, khách hàng đã chi những số tiền không nhỏ cho các dịch vụ làm đẹp, thế nhưng không ít người ôm phải “quả đắng”, với vai trò cơ quan chuyên môn quản lý ông có thể đưa ra chia sẻ nào giúp người dân nhận biết được các cơ sở làm đẹp đủ điều kiện?

Nếu thực sự là một khách hàng thông thái thì không khó để phân biệt được cơ sở nào là phòng khám cơ sở nào không, ngay từ biển hiệu quảng cáo, nếu cơ sở nào là phòng khám đều có dòng chữ ghi rõ số giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của Sở y tế cấp.

Còn ngược lại những cơ sở nào chỉ được hoạt động dưới dạng spa làm đẹp, chăm sóc da đơn thuần thì không có các số hiệu như trên.

Ngoài ra để an toàn thì khách hàng nên tìm hiểu và chọn lựa các địa điểm uy tín để giảm thiếu tối đa rủi ro đáng tiếc.

Những năm gần đây, tại nạn trong và sau phẫu thuật làm đẹp khiến nhiều khách hàng không khỏi lo lắng, mới đây nhất khách hàng đã gặp biến chứng nặng nề sau khi sử dụng dịch vụ tại thẩm mỹ viện Kim Cương, vấn đề đáng nói là cơ sở này còn bị tố vô trách nhiệm. Trước những tình hình bất cập như trên ông có thể chia sẻ về công tác quản lý hiện nay đối với các cơ sở dịch vụ làm đẹp?

Hiện nay số lượng các cơ sở làm đẹp và phòng khám tại các quận huyện rất nhiều, công tác quản lý còn nhiều bất cập do lực lượng cán bộ kiểm tra còn mỏng, chính quyền sở tại là các phòng y tế chưa kiểm soát hết được các hoạt động bên trong của các cơ sở spa, thẩm mỹ viện.

Đối với những hoạt động sai phạm, hoạt động không đúng điều kiện cấp phép của các cơ sở làm đẹp thường được phanh phui bởi sự tố giác của khách hàng khi có xảy ra biến chứng hoặc là thông tin từ các cơ quan Báo chí.

Sở y tế tiếp nhận kịp thời những thông tin tố giác này và phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý, nếu sai phạm sẽ thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh và đóng cửa cơ sở tùy vào mức độ vi phạm. (Còn nữa)

Xin cảm ơn ông!

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-4-dich-vu-lam-dep-spa-tham-my-vien-so-y-te-ha-noi-noi-gi-a195431.html