Phạm Công Danh làm "bốc hơi" 5.000 tỷ của khách như thế nào?


Chủ nhật, 24/07/2016 | 08:48


(ĐSPL) - Phiên tòa xét xử đại án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB đang bước vào “điểm nóng” xoay quanh việc hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”

(ĐSPL) - Phiên tòa xét xử đại án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB đang bước vào “điểm nóng” xoay quanh việc hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”.

Báo Dân Việt đăng tải, trong tuần đầu làm việc của vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB, HĐXX đã xét hỏi hầu hết các bị cáo liên quan trực tiếp đến việc ký hợp đồng khống rút hàng nghìn tỷ đồng từ VNCB để Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh chi tiêu, trả nợ.

Theo cáo trạng được đại diện VKSND TP.HCM công bố thì Phạm Công Danh đã dùng những thủ đoạn để qua mặt Tổ giám sát của ngân hàng Nhà nước rút hàng nghìn tỷ đồng từ tài khoản của khách hàng. Dù trong thời gian Phạm Công Danh nắm quyền tại VNCB thì ngân hàng này đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Phạm Công Danh (giữa) Phan Thành Mai (trái) và Mai Hữu Khương (phải) (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Cụ thể, để qua mặt Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Danh chấp nhận đề xuất của Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) sẽ rút tiền thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Đây là một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên chắc chắn sẽ được thông qua. Sau khi bàn bạc, Danh và thuộc cấp đã lập công ty, thuê giám đốc rồi khống hợp đồng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Phạm Công Danh đã thông qua trung gian nhờ 1 nhóm nhà đầu tư (chủ yếu là bà Trần Ngọc Bích và gia đình) gửi tiền vào VNCB. Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo các thuộc cấp lập hồ sơ cho nhóm nhà đầu tư trên vay tiền bằng hình thức cầm cố các sổ tiết kiệm mà họ gửi trước đó.

Bà Trần Ngọc Bích không thừa nhận cho Danh vay tiền và cho rằng có cho Phạm Thị Trang (hay còn gọi là Trang "Phố Núi") vay tiền và hai bên đã thanh toán xong. Ngoài ra bà Bích cũng không thừa nhận thỏa thuận nhận lãi ngoài vì không có tài liệu nào thể hiện thỏa thuận vay mượn giữa nhóm bà Bích với Danh. Từ chứng cứ điều tra đến nay chưa đủ căn cứ để xác định hành vi của Ngọc Bích là đồng phạm giúp sức cho Danh.

Ngoài ra Phạm Công Danh còn tự ý rút gần 5.200 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB (do VNCB giải ngân các khoản bà vay bằng cách cầm sổ tiết kiệm) mà không có chữ ký của bà này. Hiện nay, nhóm bà Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỷ đồng mà nhóm này đã gửi tại VNCB. Vì số tiền 5.190 tỷ đồng bà Bích vay bằng việc cầm 124 sổ tiết kiệm được VNCB chuyển vào tài khoản của bà nhưng đã bị Danh tự ý lấy sử dụng, 3 sổ tiết kiệm khác cũng bị Danh tự ý rút ra 300 tỷ đồng.

Trong tuần đầu làm việc, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo này đối với số tiền 5.190 tỉ đồng của Trần Ngọc Bích vay bằng phương pháp cầm cố sổ tiết kiệm.

Theo lời khai của Quyết, số tiền 5.190 tỉ đồng đã được Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB dưới các sổ tiết kiệm mang tên nhiều người trong gia đình và công ty của Bích, sau đó những người này lại làm hợp đồng thế chấp chính những sổ tiết kiệm này để vay tiền của VNCB. Sau đó số tiền này được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản.

Dù vậy Quyết cho rằng về mặt ý chí, bà Bích và các chủ tài khoản khác biết rất rõ việc tiền được chuyển đi vì số tiền chuyển được thực hiện nhiều lần. Dù thừa nhận việc làm của mình là sai nguyên tắc kế toán nhưng căn cứ để Quyết thực hiện là sự chỉ đạo của Phạm Công Danh.

Còn bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB bổ sung 1 chi tiết về số tiền 5.190 tỷ đồng Danh đã rút ra từ tài khoản của Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản và 300 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích mà không có chứng từ. Theo bị cáo Mai thì bản thân chỉ ký lệnh cho rút tiền như một thủ tục hợp thức hóa cho đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, còn thực tế thì 2 khoản tiền 5.190 tỷ đồng và 300 tỷ đồng đã được giải ngân trước đó.

Bà Vũ Thị Như Thảo, phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, đã cung cấp được bản sao sổ giao nhận hồ sơ tín dụng do ông Vũ Anh Tuấn ký cho HĐXX. Tòa yêu cầu bà Bích có mặt để trả lời các câu hỏi của HĐXX nhưng bà Bích không có mặt.

Theo báo Tri thức trực tuyến, cũng trong phiên tòa chiều ngày 22/7, khi được hỏi chuyển 5.190 tỷ đồng của bà Bích qua tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh có được được sự đồng ý của chủ tài khoản không?. Mai Hữu Khương (Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) khai nhận, mình là người trực tiếp ký quyết định cho vay 5.190 tỷ. Song việc ký quyết định cho vay này chỉ nhằm hợp thức hóa giấy tờ vì tiền đã được giải ngân từ trước.

Khương cho rằng, dù chưa có hồ sơ vay nhưng nhóm bà Bích đã đưa cho mình 6 sổ tiết kiệm. Đồng thời được Danh chỉ đạo nên Khương mới giải ngân 300 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển cho tập đoàn Thiên Thanh.

Bị cáo Khương cũng thừa nhận, việc chuyển tiền mà chưa có xác nhận của chủ tài khoản là trái quy định, vi phạm pháp luật.

Tuần sau phiên tòa sẽ đi vào “điểm nóng” số tiền hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi” khi không có chữ ký của chủ tài khoản.

NINH LAN (Tổng hợp)
nguồn nguoiduatin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pham-cong-danh-lam-boc-hoi-5000-ty-cua-khach-nhu-the-nao-a140889.html