Những lưu ý khi rút tiền cây ATM dịp cận Tết Nguyên đán


Thứ 7, 14/02/2015 | 06:26


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – Dịp cận Tết, rất nhiều người tới những cây ATM để rút tiền và không khỏi ngán ngẩm bởi những sự cố như hết tiền, nuốt thẻ…đặc biệt trong giờ cao điểm.

(ĐSPL) – Dịp cận Tết, rất nhiều người tới những cây ATM để rút tiền và không khỏi ngán ngẩm bởi những sự cố như hết tiền, nuốt thẻ… đặc biệt trong giờ cao điểm.

Nhiều cây ATM trong tình trạng kẹt cứng người. 

Vào dịp Tết, do các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, dồn dập chi trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho công nhân trong cùng khoảng thời gian ngắn, cho nên lượng người tới rút tiền mặt tại ATM tăng đột biến. 

Để khắc phục tình trạng quá tải dịp tết, khách hàng nếu chưa quá gấp rút nên tránh các khung giờ cao điểm như khoảng 17-19h hàng ngày khi thực hiện các giao dịch, đặc biệt là rút tiền trên ATM. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ những năm trước đây cho thấy thời gian từ ngày 26 đến ngày 28 tháng Chạp âm lịch là thời gian “cao điểm” tại các ATM, chủ thẻ cần có dự trù trước, tránh thực hiện giao dịch trên ATM vào thời điểm này.

Khi rút tiền tại các ATM đông người xếp hàng, người dân cần chú ý nhập chính xác thông tin để thực hiện được ngay, tránh thao tác nhập lại nhiều lần. Khi vượt quá số lần nhập sai nhất định, thẻ có thể sẽ bị tạm khóa và không thực hiện được giao dịch.

Khi giao dịch được thực hiện thành công, khách hàng phải nhận tiền ngay khi máy ATM trả tiền, tránh việc tiền bị nuốt lại vào trong máy.

Chủ thẻ cũng cần theo dõi thông tin trên ATM để thực hiện những bước kế tiếp, tránh trường hợp một số khách hàng nghĩ rằng sau khi máy nhả thẻ ra là giao dịch không được thực hiện, mặc dù trên thực tế là giao dịch đang thực hiện, nên khách hàng có thể không đợi để lấy tiền và bỏ đi. Sau đó, ATM mới trả tiền ra và số tiền này sẽ bị lấy đi khi người tới sau sử dụng ATM. Vì vậy, khách hàng lưu ý nên chờ trong thời gian tối thiểu là 60 giây.

Nếu gặp trường hợp ATM chưa trả tiền mà màn hình trở lại chế độ bình thường, chủ thẻ cần liên lạc với ngân hàng phát hành thẻ theo số điện thoại hỗ trợ in tại mặt sau của thẻ hoặc theo số điện thoại hỗ trợ thông báo trên ATM.

Khi ATM thông báo giao dịch không thành công, chủ thẻ cũng nên kiểm tra lại số dư tiền trong thẻ. Ngoài ra, nếu máy ATM trả tiền rách, tiền không đảm bảo... chủ thẻ cần phải giữ lại hoá đơn giao dịch để được đổi lại tại các điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng quản lý ATM.

Video: Cướp dùng gạch tấn công người rút tiền ở cây ATM

Cuối năm âm lịch cũng là thời điểm tội phạm hoạt động mạnh. Khách hàng cần lưu ý để tránh nguy cơ bị lộ thông tin thẻ và dẫn tới việc mất tiền trong tài khoản. Khi sử dụng tại các ATM chưa được trang bị phần che bàn bàn phím, chủ thẻ nên dùng tay để che khi nhập PIN đề phòng kẻ xấu gắn camera quay trộm. Trường hợp ATM có các dấu hiệu không bình thường (như có các thiết bị gắn thêm…), chủ thẻ không nên thực hiện giao dịch và thông báo tới ngân hàng để xử lý.

Việc kết nối các ngân hàng hiện nay cho phép các chủ thẻ của ngân hàng này giao dịch trên các ATM của ngân hàng khác, điều này tạo thuận lợi cho chủ thẻ và cũng hỗ trợ các ngân hàng tránh việc tập trung quá đông tại một số điểm ATM. Với số lượng ATM trên toàn quốc là hơn 14.000 máy, nếu ATM của ngân hàng này trục trặc, chủ thẻ có thể tìm một ATM của ngân hàng khác để thực hiện giao dịch.

Trong các trường hợp gặp sự cố khi đang thực hiện giao dịch trên ATM, chủ thẻ cần liên hệ ngay với số điện thoại hỗ trợ của ngân hàng (in trên mặt sau thẻ) để được hỗ trợ giải quyết.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-luu-y-khi-rut-tien-cay-atm-dip-can-tet-nguyen-dan-a84057.html