Bất thường, Việt kiều hồi hương “cõng” theo siêu xe


Thứ 3, 11/03/2014 | 07:26


(ĐSPL) - Từ khi Bộ Tài chính cho phép Việt kiều về VN sinh sống được mang theo xe ôtô đã qua sử dụng, đa số xe "hồi hương" đều là thuộc các dòng xe siêu sang.

(ĐSPL) - Từ khi Bộ Tài chính cho phép Việt kiều hồi hương về Việt Nam sinh sống được mang theo một chiếc ô tô đã qua sử dụng, đa số xe hồi hương đều là thuộc các dòng xe siêu sang.
Đây là một hiện tượng vô cùng lạ, bởi Việt kiều không phải ai cũng giàu, thậm chí trong hồ sơ khai của họ khi nhập cảnh thì họ làm những ngành nghề tương đối bình dân.
Điều đáng bàn, thực tế này đã tồn tại lâu nhưng cơ quan chức năng chưa có động thái tìm hiểu căn nguyên. Trong nhiều trường hợp, có dấu hiệu “bắt tay” giữa bọn buôn lậu với cơ quan chức năng và với Việt kiều.
Thị trường - Bất thường, Việt kiều hồi hương “cõng” theo siêu xe
Bất thường khi hàng loạt Việt kiều hồi hương “cõng” theo siêu xe (Hình minh hoạ).
Làm sao để “thoáng” mà vẫn “chặt”?
Trong thời gian gần đây, lượng lớn các siêu xe được nhập vào Việt Nam theo sau Việt kiều hồi hương tăng lên về số lượng, phần lớn các xe ô tô của Việt kiều hồi hương lại là các siêu xe.
Theo thông tin từ phòng Giám sát quản lý - cục Hải quan TP.HCM, hiện nay, các cửa khẩu cảng biển TP.HCM còn tồn đọng 97 xe ô tô nhập khẩu theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương, chủ hàng là cá nhân tại các tỉnh, thành ngoài TP.HCM, nhưng chưa đến làm thủ tục thông quan. Số xe nêu trên hầu hết là xe ô tô cao cấp, đời mới, hiệu Audi, Lexus, BMW, Porsche, Cadillac Escalade... nhập vào năm 2012 và 2013.
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2012, số xe được cấp phép nhập khẩu thuộc diện hồi hương đã tăng lên đến hơn 70 chiếc, gấp 4,7 lần năm 2011 và gấp gần 6 lần năm 2010.
Một cán bộ hải quan cho biết, có đến 90\% xe ô tô nhập khẩu theo diện kèm theo tài sản của Việt kiều về nước định cư hiện nay đều là xe hạng sang và siêu sang. Thậm chí, những loại xe siêu sang thuộc hàng “khủng” trên thế giới như Bugatti Veyron, hay những xe có mức giá “trên trời” như Rolls-Royce cũng theo dạng hồi hương mà Việt kiều đó ở nước ngoài làm không có nghề nghiệp ổn định.
Giới sành xe cho rằng, trong số khoảng 70 chiếc Rolls-Royce có mặt tại Việt Nam hiện nay, chỉ có vài chiếc được nhập khẩu chính hãng, còn lại đều nhập khẩu không chính hãng mà phần đông trong đó theo con đường hồi hương. Đánh giá về vấn đề này, luật sư Nguyễn Duy Hùng (thuộc đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có sự bất bình thường khi các siêu xe ồ ạt theo diện tài sản kèm theo của Việt kiều.
Bất thường là vì, nhiều người có thu nhập không cao nhưng về nước mà lại “hồi hương” siêu xe trị giá triệu USD. Cơ quan Cảnh sát điều tra  bộ Công an cũng đã đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan, để làm rõ việc hàng chục siêu xe có dấu hiệu nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng tài sản của Việt kiều hồi hương.
Theo luật sư Nguyễn Duy Hùng, để thực trạng trên diễn ra là do công tác quản lý của chúng ta buông lỏng và để lộ nhiều bất cập. Thực tế, việc phát hiện ra dấu hiệu phạm tội là không khó, vì điểm chung của các hồ sơ “có vấn đề” này là hộ chiếu nước ngoài hoặc thẻ cư trú tại nước ngoài được cấp trước khi hồi hương chỉ một thời gian ngắn, thủ tục đăng ký hộ khẩu được hoàn tất sau khi nhập cảnh về Việt Nam trong thời gian rất ngắn, trong khi quê quán một nơi, nhập hộ khẩu về một nơi.
Đặc biệt, ô tô nhập khẩu về hầu như rất mới (thời điểm đăng ký xe trước khi về nước chỉ khoảng 1, 2 tháng) và xe có giá trị rất lớn (vượt quá thu nhập của nhiều Việt kiều hồi hương). Do đó, trong nhiều trường hợp không loại trừ có việc móc ngoặc theo đường dây nên cần thiết cơ quan chức năng phải giám sát kỹ lưỡng.
Có hay không việc “lập mưu” trục lợi?
Việc giới buôn lậu ô tô núp danh Việt kiều hồi hương nhập siêu xe đang là thực tế cần phải ngăn chặn. Anh T.K. một Việt kiều ở bang Florida nước Mỹ cho biết, anh từng được một ông tên L.V. một đại gia khá có tiếng nhờ đứng tên để chuyển một xe Phantom đời mới nhất vào Việt Nam với số tiền thù lao được hứa là 9.000 USD/xe. Mọi giấy tờ thủ tục, đại gia L.V. đều lo, anh chỉ việc cung cấp hộ chiếu Mỹ và một visa nhập cảnh Việt Nam. Nhận được “hợp đồng”, anh T.K. có gọi điện thoại hỏi người thân ở Việt Nam để xin ý kiến. Anh  được biết, Công an Việt Nam vừa phanh phui ra một đường dây buôn lậu siêu xe núp bóng Việt kiều hồi hương, và họ khuyên anh từ chối.
Cũng như anh T.K., chị N.H., sống tại Pháp từng được mời tham gia vào đường dây giả dạng Việt kiều hồi hương để chuyển siêu xe từ  Pháp về Việt Nam với thù lao 10.000 USD/xe. Theo lời chị N.H., chị đã từng được ông B.Q. (gốc Việt, sinh sống ở Pháp) gọi điện bảo đưa thông tin để làm hồ sơ hồi hương nhằm chuyển một siêu xe vào Việt Nam. Sau khi “hoàn tất hồ sơ”, nhân viên của một công ty có địa chỉ tại TP.HCM sẽ liên hệ và mua vé máy bay cho chị N.H. về Việt Nam trong vòng 4 tuần. Đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), chị N.H. sẽ được người của công ty tạm ứng 3.000 USD. Sau 4 tuần, nếu xe sang được đưa về Việt Nam an toàn, công ty sẽ đưa nốt cho chị 7.000 USD còn lại. Cũng như anh T.K., chị N.H. đã được người thân khuyên nên dừng lại.
Không nên buông lỏng ở khâu cần siết chặt
Theo Nguyễn Thành, một đầu nậu siêu xe “có số” ở Việt Nam thì trước khi Nhà nước có chủ trương Việt kiều hồi hương được mang xe ô tô về không bị tính thuế, thủ tục nhanh gọn, thì giới buôn xe đã có những dự tính trước rồi.
Thực tế, nhiều Việt kiều hồi hương vì ở nước ngoài mức sống quá khó khăn, tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ trang trải, làm gì có tiền mà mua siêu xe. Siêu xe đó là do đầu nậu mua, Việt kiều đứng tên, được chi hoa hồng và có bản cam kết, đưa về nước thành công, phải trả lại đầu nậu. Chính vì không phải đóng thuế, nên bọn buôn lậu đã dùng chiêu thức trên và “qua mặt” được cơ quan chức năng.
Ngoài ra, đầu nậu này cũng “bắt tay” với một số đối tượng người Việt đang ở nước ngoài như Mỹ, Úc, Pháp (những nơi có số lượng Việt kiều đông) “bắt mối” với các đại lý buôn xe ở Việt Nam để xem đại gia trong nước chuộng siêu xe gì, thì cho Việt kiều hồi hương loại xe đó.
Những Việt kiều nhận tiền và chấp nhận hồi hương giả tạo sẽ được các đối tượng trong nước chuyển về các địa phương vùng sâu, vùng xa để làm thủ tục nhập hộ khẩu. Sau khi nhập khẩu ở Việt Nam thì việc gắn một siêu xe và hồ sơ của những người này vô cùng dễ dàng.
Bàn về việc này, luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh (đoàn Luật sư Hải Phòng) cho biết, hiện tại trong công tác nhập hộ khẩu cho Việt kiều hồi hương đang có quá nhiều lỗ hổng. Nhiều nơi, cán bộ sẵn sàng ký bừa khi nhận được ít tiền mà không hề quan tâm việc Việt kiều đó khi hồi hương có thực sự sống trên địa bàn, hay chỉ là hồi hương giả tạo.
Trong khi đó, Điều 3 của Thông tư 118, Bộ Tài chính quy định về điều kiện nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là xe ôtô đang sử dụng) đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam (gọi tắt là được phép hồi hương). Do đó, khâu cần siết chặt nhất chính là thủ tục nhập khẩu cho Việt kiều thì chúng ta buông lỏng, đó là lý do tại sao siêu xe “ào ào” vào Việt Nam qua con đường hồi hương.
Đồng quan điểm với luật sư Lĩnh, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc quản lý tài sản của Việt kiều hồi hương của chúng ta đang “có vấn đề”. Trên thực tế, nhiều trường hợp Việt kiều quê gốc ở tận miền Nam nhưng khi hồi hương lại được nhập khẩu vào một tỉnh ở Tây Bắc. Nơi đó, không bà con, họ hàng, nhưng chính quyền vẫn cho phép. Có nhiều hiện tượng, một xã trong hai năm liền cho hơn 20 Việt kiều từ Mỹ nhập khẩu một cách vô tư, chẳng biết sau đó Việt kiều này có ở địa phương không?
Chính sự buông lỏng trong việc nhập khẩu cho Việt kiều hồi hương là tạo điều kiện cho việc buôn lậu siêu xe. Thậm chí, chỉ cần đọc hồ sơ cẩn thận là có thể nhận biết các dấu hiệu khả nghi hay không khả nghi liên quan đến buôn lậu.
Việc Việt kiều hồi hương kèm theo xe Phantom hay Phantom rồng có thể suy luận được là buôn lậu hay không. Bởi, không phải Việt kiều nào cũng có điều kiện để sở hữu các siêu xe trên. Do đó, nếu làm nghiêm thì khó có chuyện bọn buôn lậu có thể đưa các siêu xe vào Việt Nam dễ dàng bằng cách này.
Buôn lậu ô tô núp bóng Việt kiều
Thời gian qua, từ dấu hiệu bất thường trong việc nhập hộ khẩu trái các quy định của Nhà nước, cơ quan công an đã phát hiện được nhiều vụ việc buôn lậu ô tô núp bóng Việt kiều hồi hương.
Cụ thể, vào đầu năm 2013, PC46 Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh, phát hiện sự gia tăng một cách bất thường các Việt kiều Mỹ làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhiều huyện của tỉnh Yên Bái.
Các trường hợp này đều làm trái với các quy định của Nhà nước về nhập khẩu đối với các cá nhân Việt kiều. Lần theo những sai phạm trên, Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện ra việc các Việt kiều Mỹ “ồ ạt đổ bộ” vào Yên Bái thực chất là để hợp pháp hoá thủ tục đưa siêu xe ô tô vào Việt Nam.
Trinh Phúc

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-thuong-viet-kieu-hoi-huong-cong-theo-sieu-xe-a25002.html