+Aa-
    Zalo

    Chai bia "lạ": Nhãn Heineken nhưng nắp là của Tiger

    ĐS&PL (ĐSPL) - 3 chai bia này có vỏ và nhãn Heineken nhưng nắp là logo con cọp của Tiger. "Hiện tượng lạ" này khiến một quán bán bia ở Long An mất khách vì nghi bán hàng giả.
    (ĐSPL) -  3 chai bia này có vỏ và nhãn Heineken nhưng nắp là logo con cọp của Tiger. "Hiện tượng lạ" này khiến một quán bán bia ở Long An mất khách vì nghi bán hàng giả

    Trong lúc nhậu cùng bạn ở một quán ăn xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An, anh Giàu phát hiện trong két bia Heineken vừa gọi vài chai có nắp lạ, giống như nắp của bia Tiger.

    Nghi ngờ quán bán hàng giả hay dùng bia cũ đóng nắp lại để bán, anh đã gặp chủ quán khiếu nại.

    Sự việc hy hữu trên khiến chủ quán cùng các đại lý bia khá bất ngờ. Anh Lê Thanh Phong, ở Long An, chủ quán cho biết: “Tôi không tin vào mắt mình khi khách mang 3 chai bia Heineken có nắp Tiger đến để trước mặt. Nắp chai không có dấu tích bị cạy hoặc móp. Tôi đã thu hồi số bia lạ và bù cho khách 3 chai khác, nhưng họ không chịu, đòi làm rõ sự việc".

    Chai bia này có vỏ và nhãn Heineken nhưng nắp là logo con cọp của Tiger

    Trước sự chứng kiến của nhiều khách hàng, chủ quán đã khui 2 chai bia có nắp Tiger để kiểm tra. Bia vẫn có bọt bình thường.

    Anh Phong cho hay, sau khi uống thử, mọi người đều thừa nhận, bằng cảm quan, mùi vị bia trong chai đúng là của Heineken, giống những chai còn lại trong két. Những chai bia 330 ml này có kiểu dáng và logo của Heineken. Trên nhãn, thời gian xuất xưởng ghi rõ ngày 1/4/2015, hạn sử dụng 1/10/2015. Tuy nhiên, nắp chai lại dán nhãn Tiger.

    Mang chai bia lạ đến gặp đại lý đã 4 năm cung cấp hàng cho mình, anh Phong chỉ nhận được sự hoài nghi. Chủ điểm kinh doanh này cho rằng, ông chỉ là là đại lý con. Bia đã đi qua nhiều đại lý lớn trước khi đến cửa hàng này. Ngoài ra, số lượng bia nhập về nhiều nên ông không thể kiểm tra hết được.

    Anh Lê Thanh Phong, chủ một quán nhậu ở Long An cho khách xem chai bia Heineken lạ có nắp Tiger.

    Một nhà phân phối lớn ở quận Tân Bình, TP HCM cho biết, trên thị trường không có sản phẩm nào nhãn một hãng, nắp chai một hãng. Bia Heineken chỉ có một loại nắp duy nhất với ngôi sao màu đỏ ở giữa. Nếu những chai bia này là thật, theo ông, có thể do lỗi của nhà sản xuất.

    Vào những năm trước, trên thị trường từng xuất hiện vài chai bia Tiger nhưng đóng nắp Heineken, và cũng đã được xác nhận lỗi từ sản xuất .

    “Nếu quán tôi làm bia giả thì không thể ‘lấy râu ông này cắm cằm bà kia’ như thế được. Làm vậy khác nào tự thú. Mỗi ngày quán chỉ bán được trên dưới 10 két Heineken. Trong khi đó, đầu tư công nghệ làm bia giả cũng tốn bộn tiền”, anh Phong nói.

    Hiện những chai bia Heineken có nắp Tiger được anh Phong cất kỹ, để khiếu nại lên nhà sản xuất là Công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam.

    Chủ quán cho rằng, nghi vấn cần được làm rõ để giải tỏa tâm lý khách hàng. Bởi hiện có nhiều người đến quán của anh ngại sử dụng bia Heineken, vì nghi nơi này bán hàng giả.

    Nhãn mác và logo của chai bia có nắp lạ này vẫn giống như những chai bia Heineken khác

    Bia giả được tuồn vào nhà hàng, quán nhậu như thế nào?

    Chưa biết chai bia "lạ" của anh Phong là hàng giả hay do một sai sót nào đó . Nhưng hiện tượng bia Heineken, Tiger bị làm giả tại VN thì đã từng xảy ra.

    Những chai bia Tiger và Heineken giả thực chất chỉ có 1 phần là bia “xịn” còn chủ yếu là được pha với bia giá rẻ theo cách thủ công và thiếu vệ sinh. Số hàng này sẽ được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn.

    Cuối tháng 6/2013, kiểm tra đột xuất đại lý bia (số 144/12 Hồng Lạc, P.11, Q.Tân Bình), cơ quan chức năng phát hiện đây chính là cơ sở sản xuất bia giả do ông Võ Thành Công (44 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ xuất nhập khẩu Võ Thành Công) làm chủ. Tại hiện trường có 17 két bia Heineken, 20 két bia Tiger, 18 két bia Tiger Crystal, 2 két bia Sài Gòn Lager, 1 máy dập nắp chai bia, vỏ chai, nắp chai bia các loại cùng nhiều tài liệu liên quan.

    Sau khi thu mua những vỏ chai bia Heineken, Tiger đã qua sử dụng, các công nhân sẽ súc rửa rồi chiết bia thật vào 1/2 chai và rót bia Sài Gòn xanh vào đầy chai. Bia được ướp lạnh 6 - 7 tiếng đồng hồ trước đó để ga không nổi lên nhiều tràn ra ngoài khi đóng chai. Sau khi công đoạn pha trộn hoàn tất, một người khác có nhiệm vụ gắn nắp vào chai bia đã được pha trộn, chuyển qua cho công nhân cuối cùng đưa lên máy dập đóng nắp chai, rồi bỏ vào két. Thành phẩm bia giả này sẽ được đưa đi làm khô trước khi bỏ mối cho khách hàng.

    Mỗi ngày xưởng sản xuất được từ 60 két bia giả trở lên với các nhãn hiệu Heineken, Tiger, đem bỏ mối cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố với giá: bia Tiger 235.000 đồng/két, bia Tiger bạc 255.000 đồng/két, bia Heineken 310.000 đồng/két.

    Ngày 19/6, Cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Võ Thành Công, Lê Văn Tuấn (35 tuổi, ngụ Bình Phước), Đỗ Quất Chí (45 tuổi, ngụ Q.8) và Thạch Mươne (23 tuổi, ngụ Trà Vinh) để điều tra làm rõ về hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán bia giả.

    Gần đây nhất, ngày 14/4, trao đổi với báo ĐSPL, một cán bộ điều tra Công an TP.HCM cho biết, vừa triệt phá thêm một tổ chức sản xuất bia chai giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường. Kết quả điều tra cho thấy, Trần Phú Long (SN 1982, chủ cơ sở), Phan Văn Lý Em (SN 1987), Trần Văn Nam (SN 1985), Trần Văn Nghiêm (SN 1996), Trần Thị Mỹ Tiên (SN 1998, cùng quê An Giang) đã tổ chức thuê mặt bằng để sản xuất một lượng bia giả lớn rồi tiêu thụ trong các nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM.

    Khai nhận tại Cơ quan điều tra, Trần Phú Long cho biết, chúng thu mua vỏ chai bia các loại từ vựa ve chai về súc rửa, sau đó mua bia rẻ tiền chiết vào, rồi dán mác các loại bia xịn, bỏ mối cho các quán nhậu để hưởng lợi bất chính.

    Một số công nhân từng làm việc trong các lò trộn bia giả cho biết, để tẩy rửa các vết cáu bẩn, hoen rỉ trên nắp, vỏ chai, họ phải nhúng chúng vào dung dịch tẩy rửa công nghiệp pha loãng, sau đó sấy khô. Sau quá trình trên, “nhà pha chế” tiến hành pha trộn các loại bia có giá thành rẻ, chất lượng thấp hơn vào những loại vỏ chai có thương hiệu.

    Đầu tiên, giới làm giả lấy một chai bia Heineken hoặc Tiger và một vỏ chai bia cùng loại (loại 330ml) sang chiết làm đôi, sau đó chuyền cho 2 người của khâu kế tiếp rót bia rẻ tiền vào hai chai bia này. Sau khi công đoạn pha trộn hoàn tất, một người khác có nhiệm vụ gắn nắp vào chai bia đã được pha trộn, chuyển qua cho công nhân cuối cùng đưa lên máy dập đóng nắp chai rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

    Phân biệt bia thật , bia giả

    Theo đó , bia ngon , an toàn có màu vàng rơm , màu tươi sáng , độ bọt bám trên thành cốc , bọt nhỏ. Nếu uống bia của hãng nhìn bia thật có bọt mịn , hạt không to , sau một phút thì lượng bọt bám lại trên thành cốc nhiều. Bọt luôn nổi từ dưới đáy cốc lên trên.

    Nếu lượng bọt không bám trên thành cốc là hàm lượng CO2 không đạt , lên men ngắn nên tạo ra bọt to hạt và các loại độc tố Vẫn , bên cạnh đó , một số cơ sở sản xuất bỏ thêm một vài độc tố để tăng độ cồn. Bia có màu ngả sang hơi đỏ , đục là có Sự tình về chất lượng. Bình thường bia ngon bản thân chai bia không có cặn , mắt thường không nhìn thấy. Nếu bia có cặn là bia giả. Còn nhận biết bằng vị giác , bia an toàn người sử dụng có thể cảm nhận vị bia thơm và có vị đắng một chút.

    Ngọc Anh (Tổng hợp) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chai-bia-la-nhan-heineken-nhung-nap-la-cua-tiger-a95136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.