Giá xăng không giảm, chỉ giảm nhẹ giá dầu từ 15h30 hôm nay 4/6


Thứ 5, 04/06/2015 | 08:58


(ĐSPL) - Giá xăng vẫn giữ nguyên và hiện được doanh nghiệp bán ra phổ biến ở mức 20.430 đồng/lít (RON 92). Giá dầu hỏa và diesel giảm 19-377 đồng từ 15h30 hôm nay 4/6.

(ĐSPL) - Giá xăng vẫn giữ nguyên và hiện được doanh nghiệp bán ra phổ biến ở mức 20.430 đồng/lít (RON 92). Giá dầu hỏa và diesel giảm 19-377 đồng từ 15h30 hôm nay 4/6.

Theo quyết định vừa được Bộ Công Thương công bố, từ 15h30 chiều nay (4/6), giá dầu hỏa và diesel giảm 19-377 đồng, lần lượt xuống còn tối đa 15.473 đồng và 16.361 đồng mỗi lít. Doanh nghiệp không phải ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá với hai mặt hàng này. Trong khi đó, giá xăng vẫn giữ nguyên và hiện được doanh nghiệp bán ra phổ biến ở mức 20.430 đồng một lít (RON 92).

Lý do không giảm giá xăng, theo cơ quan quản lý là giá cơ sở bình quân 15 ngày của mặt hàng này vẫn cao hơn kỳ tính giá trước đó 1.047 đồng (riêng xăng E5 là 882 đồng). Điều này khá mâu thuẫn với phát biểu của chính đại diện Bộ Công Thương trước đó ít ngày, khi cho rằng giá thế giới đang giảm và xăng có cơ hội giảm giá.

Với mức chênh lệch hơn 1.000 đồng mỗi lít nêu trên, cơ quan điều hành cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn ở mức 1.047 đồng với xăng RON 92, 95 và 882 đồng với xăng sinh học E5. Một mặt hàng không được giảm giá khác là dầu mazút cũng được dùng quỹ bình ổn ở mức 98 đồng mỗi kg.

Từ đầu năm đến nay giá xăng đã 5 lần điều chỉnh, với 2 lần giảm và 3 lần tăng liên tiếp. Gần đây nhất, ngày 20/5, giá xăng đã tăng 1.200 đồng, lên 20.430 đồng (RON 92) một lít.

Bắt đầu từ đầu tháng 5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được áp dụng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng. Cơ quan điều hành, ngược lại, đã tiến hành giảm thuế nhập khẩu và cam kết việc tăng thuế môi trường không ảnh hưởng tới giá bán lẻ.

Lý do không giảm giá xăng, theo cơ quan quản lý là giá cơ sở bình quân 15 ngày của mặt hàng này vẫn cao hơn kỳ tính giá trước đó 1.047 đồng (riêng xăng E5 là 882 đồng).

Nói “thuế BVMT không làm tăng giá xăng dầu” là ngụy biện!

Trước đó, trình bày quan điểm về khẳng định của Bộ Tài chính việc thuế bảo vệ môi trường không làm tăng giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định trên báo Dân Việt: “Bộ Tài chính cho rằng thuế BVMT không làm tăng giá xăng dầu chỉ là ngụy biện. Công thức tính của Bộ Tài chính chứng minh thuế BVMT không làm tăng giá xăng dầu là không chính xác và mang tính ngụy trang với những người không biết tính toán”.

Ông Long cho biết, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm thực tế không tương tác với thuế BVMT. Theo tính toán của ông Long, cộng cả hai lần giảm thuế nhập khẩu xăng dầu không bằng với mức tăng thuế BVMT, đã làm tăng giá xăng khoảng 305 đồng/lít.

Cụ thể: “Thuế nhập khẩu tính trên giá CIF của xăng dầu nhập khẩu, còn thuế BVMT tính trên giá bán lẻ xăng dầu. Thực tế, giá CIF xăng dầu nhập khẩu chỉ bằng hơn một nửa giá bán lẻ mặt hàng này. Tôi ví dụ anh bán xăng dầu giá 20 đồng thì anh nhập giá CIF chỉ hơn 10 đồng, vì giá nhập còn phải cộng chi phí mới ra giá bán. Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu 15\% (từ 35\% xuống 20\% với xăng), nhưng thuế BVMT tính trên giá bán lẻ thời điểm ngày 1.5 lại tăng hơn 15\%. Do vậy, nhìn đơn giản cũng có thể thấy thuế BVMT tăng làm tăng chi phí cao hơn so với chi phí giảm khi giảm thuế nhập khẩu. Như thế không có gì là tương tác ở đây cả!” - ông Long khẳng định.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế khi tính toán cụ thể cũng khẳng định, giá xăng dầu đã bị tăng lên khi thuế BVMT tăng lên. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nhìn nhận: Ý kiến của Bộ Tài chính là không chính xác. Ông Thắng cũng đồng tình với việc do thuế BVMT tăng cao hơn so với việc giảm thuế nhập khẩu nên giá xăng dầu bị đội lên. “Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra phân tích và thừa nhận trước Quốc hội mới đây rằng, thuế BVMT tác động khiến giá xăng tăng thêm 162 đồng/lít. Bộ Tài chính lại nói không là sao(?!) Bản thân các Bộ đã “vênh” nhau như kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” là rất có vấn đề!”- ông Thắng nhận định.

Theo ông Ngô Trí Long, lấy lý do giá xăng dầu trong nước tăng là do giá thế giới tăng lên là đúng nhưng ông Long cho rằng, bản thân Bộ Tài chính đã không ngờ tăng thuế BVMT 300\% là yếu tố cộng hưởng cùng với giá thế giới tăng làm giá xăng dầu tăng cao như vậy. “Chứng tỏ ở đây là dự báo, điều hành của chúng ta quá kém khi điều hành chính sách. Tôi còn nhớ lúc Quốc hội hỏi Bộ Tài chính tăng thuế BVMT có làm tăng giá xăng dầu không? Bộ Tài chính nói không. Nhưng thực tế, thuế BVMT tăng đột biến như vậy không thể không ảnh hưởng, cho thấy Bộ Tài chính mới chỉ nghĩ đến nguồn lợi thu về trước mắt” - ông Long thẳng thắn.

Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng phân tích rõ: So với thời điểm trước khi thay đổi hai loại thuế là nhập khẩu giảm từ 35\% về 20\% với xăng và tăng 2.000 đồng thuế BVMT thì giá xăng tăng 162 đồng, tương đương 0,8\% giá xăng hiện nay (20.430 đồng). Như vậy, việc tăng thuế môi trường đã làm giá xăng biến động dù không đáng kể. “Đây là con số đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về con số này” - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

[mecloud]LO9jue05Xu[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-xang-khong-giam-chi-giam-nhe-gia-dau-tu-15h30-hom-nay-46-a97153.html