Hy Lạp vỡ nợ: Việt Nam có bị ảnh hưởng gì không?


Thứ 5, 02/07/2015 | 06:32


(ĐSPL) - Theo chuyên gia kinh tế, việc Hy Lạp vỡ nợ sẽ không ảnh hưởng đến kinh tế VN.

(ĐSPL) - Việc Hy Lạp vỡ nợ theo các chuyên gia tài chính, với cấu trúc của nền tài chính quốc gia như hiện nay thì Việt Nam có độ an toàn rất cao trước những biến động và khủng hoảng tài chính trên thế giới.

Hy Lạp vỡ nợ, thế giới bị ảnh hưởng gì?

Hiện nay, Hy Lạp đã trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tuyên bố vỡ nợ trước IMF. Vậy, thế giới sẽ chịu ảnh hưởng ra sao sau khi Hy Lạp vỡ nợ?

Thông tin trên báo Một thế giới, lần vỡ nợ này sẽ đẩy Hy Lạp đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Eurozone. Giờ đây, từ “Grexit” – dùng để chỉ việc Hy Lạp có thể sẽ rút ra khỏi Eurozone, luôn được đề cập đến trong bất cứ vấn đề gì liên quan tới Hy Lạp.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng Hy Lạp sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu ra sao? Và liệu có làm chậm lại quá trình phát triển nền kinh tế toàn cầu?

Đối với Hy Lạp, vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone có thể được coi là nỗi đau kinh tế lớn nhất. Sau khi trải qua hai nỗi đau này, Hy Lạp phải quay trở lại dùng đồng nội tệ drachma. Tuy nhiên, tỷ giá đồng nội tệ sẽ mất giá tới 40\% so với đồng euro, lạm phát tràn lan và một cuộc khủng hoảng ngân hàng gay gắt. Tất cả những hệ quả này có thể kết thúc một đất nước Hy Lạp và kịch bản này đã diễn ra tương tự với đất nước Argentina vào năm 2002.

Người dân Hy Lạp đứng chờ rút tiền trước cửa ngân hàng

Nền kinh tế Hy Lạp hiện đã giảm 25\% từ năm 2010, do đó quốc gia này chỉ chiếm 2\% trong nền kinh tế khu vực đồng euro.

Tưởng rằng cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp sẽ hoàn toàn ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế châu Âu, tuy nhiên, thực tế lại ngược lại, cuộc khủng hoảng Hy Lạp được coi là bước đệm cho một số một số nền kinh tế phát triển châu Âu. Đồng euro giảm 20\% so với một năm trước, điều này đã giúp gia tăng xuất khẩu và khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đẩy mạnh chương trình kích thích tiền tệ trị giá 1 nghìn tỷ euro.

Dù môt số nền kinh tế được hưởng lợi, song, vấn đề này vẫn gây ra những tác động gây mất ổn định tới những thị trường trên toàn cầu, đặc biệt thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á.

Sau khi Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ, các nhà đầu tư là một trong những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vì trước đó, sau khi chính phủ Hy Lạp đưa ra những thỏa thuận vào ngày đầu tiên của vòng đàm phán cứu Hy Lạp, ở đó có nhiều dấu hiệu tích cực chỉ ra rằng Hy Lạp sẽ được cứu và dĩ nhiên, nắm lấy cơ hội này, các nhà đầu tư đã đổ rất nhiều tiền vào thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, sau đó chỉ một hai ngày, những đề xuất của Hy Lạp đã không được chủ nợ chấp nhận và các nhà đầu tư lao đao từ đó.

Với tư cách là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có vị trí gần với Trung Đông và không quá xa với Nga. Hy Lạp là một quốc gia có vị trí địa lý quan trọng, vì vậy việc quốc gia này vỡ nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đền tương lai của Eurozone.

Một số chính phủ các nước, đặc biệt là ở Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đang đặc biệt quan sát diễn biến ở Hy Lạp và lo lắng về việc quốc gia này vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone sẽ làm tăng cường các đảng và phong trào chống thắt lưng buộc bụng và chống euro trong quốc gia của họ.

Ông Jessop tại Capital Economics phát biểu với CNBC rằng: “việc Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi Eurozone là những mối lo lắng lớn. Đặc biệt, tương lai đồng euro sẽ ra sao?”.

Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Trao đổi trên Dân trí, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định: Vấn đề Hy Lạp có rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu hay không không thuần túy là câu chuyện về tài chính. Nó cần được đặt trong bối cảnh và tình hình hiện tại của nền chính trị châu Âu. Cũng có những đồn Hy Lạp muốn rời khỏi Liên minh châu Âu để định hướng lại nền kinh tế theo hướng kinh tế nhà nước làm chủ đạo và họ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Nga. Dù vậy, những khả năng này tôi cho là rất thấp.

Trở lại câu hỏi về những tác động tiêu cực khi Hy Lạp vỡ nợ. Khủng hoảng ở Mỹ và các nước châu Âu năm 2008 xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới khác xa với tình hình hiện nay. Các quốc gia qua khủng hoảng đã đề ra rất nhiều giải pháp ứng phó, ngăn ngừa hiệu quả những tác động lan truyền. Thực ra, kinh tế Hy Lạp đã chạm đáy khó khăn nhất trong gần 8 năm qua. Nhóm các chủ nợ giàu có của châu Âu cũng đã tìm cách “cách ly” những lây nhiễm tài chính từ Hy Lạp. Cho nên những tác động tiêu cực từ việc vỡ nợ của Hy Lạp sẽ không lớn.

Với cấu trúc của nền tài chính quốc gia như hiện nay thì Việt Nam có độ an toàn rất cao trước những biến động và khủng hoảng tài chính trên thế giới.

Bày tỏ quan điểm về việc VN có bị ảnh hưởng khi Hy Lạp vỡ nợ, ông Phước cho biết:  Mấy ngày qua, để đối phó với việc người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền, chính phủ Hy Lạp đã có những biện pháp kiểm soát dòng vốn rút ra khỏi Hy Lạp cũng như quy định mỗi cá nhân chỉ được rút tối đa 60 euro/ngày… Giá chứng khoán trên các thị trường tài chính cũng giảm từ 3\%-5\%. Đây là những phản ứng thường thấy khi có các sự kiện tài chính lớn diễn ra trên thế giới. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới đây sẽ mở ra nhiều khả năng tái đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ.

Dù sao, với một nền kinh tế bắt đầu hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam phải hết sức quan tâm đến những biến động của nền kinh tế tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định với cấu trúc của nền tài chính quốc gia như hiện nay thì Việt Nam có độ an toàn rất cao trước những biến động và khủng hoảng tài chính trên thế giới.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

[mecloud]AQwwGuGxPi[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hy-lap-vo-no-viet-nam-co-bi-anh-huong-gi-khong-a100593.html