Tin an toàn thực phẩm ngày 18/10


Thứ 2, 17/10/2016 | 23:26


(ĐSPL) - Gần 70% mẫu nước mắm ở 10 tỉnh, thành chứa thạch tín vượt ngưỡng hay bột làm nhừ không nhãn mác là những tin ATTP hôm nay.


(ĐSPL) - Gần 70% mẫu nước mắm ở 10 tỉnh, thành chứa thạch tín vượt ngưỡng hay bột làm nhừ không nhãn mác là những tin ATTP hôm nay.

Gần 70% mẫu nước mắm ở 10 tỉnh, thành chứa thạch tín vượt ngưỡng

Vừa qua Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiến hành chương trình khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh/ thành phố trong cả nước.

Gần 70% mẫu nước mắm chứa thạch tín.

Khi khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng ni tơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l đến 60g/l của 88 nhãn hiệu nước mắm thì có tới 125 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học không đạt tiêu chuẩn, Trí thức trẻ đăng tải.

Trong đó, 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amoniac.

Đặc biệt có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu Arsen (thạch tín) tổng theo quy định của Bộ Ytế. Tuy nhiên, trong đó có 20 mẫu không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/l.

Đặc biệt, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng.

Khảo sát này là cơ sở để cơ quan quản lý sớm đưa ra các quy định cụ thể về nước mắm, quy trình ghi nhãn để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu.

“Bột làm nhừ” không nhãn mác bán tràn lan

Theo khảo sát của PV VietQ, mua bột hầm nhừ xương rất dễ ở các chợ Hà Nội. Các sản phẩm này có giá thành rẻ nhưng không có tem, nhãn mác hay hạn sử dụng.

Tại chợ Đồng Xuân, chủ hàng giới thiệu: mua bịch 5kg giá 30 ngàn đồng/ kg, mua lẻ giá 40 ngàn đồng, chỉ bán bịch 1 kg trở lên, không bán lẻ hơn. Theo quảng cáo của chủ quầy hàng này, chỉ cần lấy 1 kg là dùng cả năm và không ngần ngại cho rằng đây là sản phẩm của Trung Quốc.

“Ở đây hàng bán chân giò, hầm nước phở dùng suốt, không làm sao hết”, chủ hàng này nói.

Hiện thị trường có 2 loại với tên gọi là Bicarbonate và cần sủi.

Bột làm nhừ bày bán tràn lan khắp các chợ.

Trao đổi với PGS.TS Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, ông cũng không rõ loại cần sủi là loại gì và cần phải đưa đi phân tích mới có kết luận được.

Còn Bicarbonate chính là baking soda. Để dùng trong thực phẩm và y tế đòi hỏi chất này phải tinh khiết.

Cụ thể, NaHCO3 trong công nghiệp là chất tẩy rửa, làm mềm nước nhiễm axit… Trong y học là thuốc làm trung hòa axit ở người mắc bệnh đau dạ dày. Trong thực phẩm dùng để làm mềm thịt, làm bánh…. PGS Quyền cho biết thêm.

Để phân biệt bột nhừ thực phẩm và bột nhừ công nghiệp, người tiêu dùng chú ý là bột nhừ dùng trong công nghiệp có mùi vôi khá rõ do lượng khí hydro sục không đủ; trong khi loại dùng trong chế biến thực phẩm thường không mùi, không vị và đặc biệt là màu rất trắng.

Dù là sản phẩm ít gây hại nếu dùng trong hàm lượng cho phép nhưng người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận không dùng liên tục và nên dùng loại có độ tinh khiết cao.

NGỌC BÉ (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
Xem thêm video:
[mecloud]tRVMzhYczj[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-an-toan-thuc-pham-ngay-1810-a166428.html