Gửi tiết kiệm ngân hàng: "10 không" để tránh tiền "bay hơi"


Thứ 5, 02/04/2015 | 12:30


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là lựa chọn đáng tin cậy của nhiều khách hàng khi muốn quản lý tài chính cá nhân.

(ĐSPL) - Gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là lựa chọn đáng tin cậy của nhiều khách hàng khi muốn quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều vụ việc người gửi tiền bị mất tiền gửi tiết kiệm do bị cán bộ nhà băng lợi dụng. Vì vậy bạn cần lưu ý "10 không" sau để tránh có thể mất tiền oan.
Không mở sổ tiết kiệm tại quầy
Nhân viên ngân hàng vì khách hàng thân thiết thường ưu ái đến tận nhà hoặc bất cứ chỗ nào để nhận tiền và mở sổ tiết kiệm cho bạn. Bạn cảm thấy thật thuận tiện và các nhân viên ngân hàng đều nói rằng họ làm việc này vì khách hàng thân thiết và mọi giao dịch đều an toàn.
Nếu bạn là khách hàng VIP, khi đến ngân hàng bạn có thể được mời vào phòng ưu tiên/ hoặc phòng giám đốc để mở sở tiết kiệm cho nhanh và thoải mái. Tuy nhiên bạn nên trực tiếp mở sổ tiết kiệm tại quầy giao dịch để tránh rủi ro có thể phát sinh khi nhân viên ngân hàng giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về ngân hàng.
Việc bạn giao dịch ngay tại quầy sẽ được camera ghi nhận và có thể xem là bằng chứng chứng minh bạn đã có giao dịch và ngân hàng phải trả tiền cho bạn trong trường hợp nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền của bạn.
Không cho nợ sổ hoặc nhờ giữ giúp sổ tiết kiệm
Vì bạn đã giao dịch lâu năm với nhân viên ngân hàng nên thân thiết và chủ quan cho "nợ sổ" hoặc "nhờ nhân viên ngân hàng giữ sổ giúp"? Bạn lưu ý không làm như vậy vì trước khi vi phạm lời hứa ai cũng là những người giữ chữ tín.
Thực tế nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng bị đuổi hoặc bỏ trốn và chiếm đoạt toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng thân quen.
Tư vấn tiêu dùng - Gửi tiết kiệm ngân hàng: '10 không' để tránh tiền 'bay hơi'

Bạn nên trực tiếp mở sổ tiết kiệm tại quầy giao dịch để tránh rủi ro có thể phát sinh. (Ảnh minh họa).

Không ký sẵn chứng từ
Không ít khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ giao dịch trắng (chưa có nội dung) vì tin tưởng và để thuận tiện, đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt hoặc dịp do đi công tác vào ngày đáo hạn sổ tiết kiệm.
Tuy nhiên cách làm này tìm ẩn rất nhiều rủi ro. Gần đây nhất là vụ việc một Việt kiều không rút được 400.000 euro tiền gửi tại một ngân hàng tại Việt Nam vì sổ đang được thế chấp vay hơn chục tỷ đồng do vị khách quá tin tưởng vào phó giám đốc phòng giao dịch nên đã ký sẵn vào chứng từ và giấy trắng.
Không bỏ qua việc kiểm tra sổ tiết kiệm
Bạn có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu bạn không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm. Khi nhận sổ tiết kiệm bạn cần kiểm tra:
Họ tên của bạn
Số tiền ghi trên sổ, thời hạn gửi, lãi suất
Có dấu của ngân hàng chưa
Có các chữ ký liên quan: thường gồm chữ ký nháy của giao dịch viên, kiểm soát viên và chữ ký của Giám đốc ngân hàng.
Tư vấn tiêu dùng - Gửi tiết kiệm ngân hàng: '10 không' để tránh tiền 'bay hơi' (Hình 2).

Bạn nên sử dụng dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking để kiểm tra và theo dõi việc tăng giảm các khoản tiền gửi tiết kiệm của bạn. (Ảnh minh họa).

Không lơ là trong quá trình làm thủ tục, quy trình tất toán sổ
Cách đây không lâu cũng xảy ra tranh cãi, kiện tụng giữa một khách gửi 70.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng) và một ngân hàng ở TP HCM. Phía thì khách khẳng định có 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 70.000 USD nhưng ngân hàng lại cho rằng bản chất khách chỉ có một sổ. Theo nhà băng, do sai sót, giao dịch viên đã không làm thủ tục tất toán đầy đủ (có chữ ký của khách hàng) trước khi chuyển khoản số tiền từ sổ cũ sang sổ mới để hưởng chương trình khuyến mại.
Mặc dù ở vụ việc này, tòa án đã xử phía khách hàng thắng kiện nhưng bạn vẫn đừng quên theo dõi sát sao quy trình mở sổ, tất toán sổ của nhân viên ngân hàng để tránh rủi ro cho mình.
Không thay đổi chữ ký liên tục
Dù không đến nỗi bị vô hiệu hóa sổ tiết kiệm nhưng đây lại là sai lầm phổ biến và gây phiền toái nhiều nhất cho không ít người. Hãy nhớ khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Do đó, cũng không nên thấy làm quá phiền lòng khi bạn bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.
Không bỏ qua việc sử dụng Internet Banking/ Mobile Banking
Bạn nên sử dụng dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking để kiểm tra và theo dõi việc tăng giảm các khoản tiền gửi tiết kiệm của bạn. Theo nguyên tắc khi bạn nhận được thông báo số tiền gửi qua một trong hai dịch vụ trên có nghĩa là tiền đã vào hệ thống ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền trong trường hợp nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền của bạn.

Video: Kinh nghiệm hay để tiết kiệm nhanh mua được nhà thành phố. 

Không chuyển khoản và gửi tiết kiệm online số tiền lớn
Thực tế hiện nay chưa phát sinh vấn đề gặp rủi ro mất tiền khi gửi tiết kiệm online vì về nguyên tắc gửi tiết kiệm online tiền sẽ mặc định vào hệ thống ngân hàng và ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm với những khoản tiền gửi này.
Tuy nhiên nếu bạn gửi tiết kiệm món tiền lớn thì tốt nhất nên đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng và cầm trong tay sổ tiết kiệm làm bằng chứng.
Bảo quản sổ tiết kiệm không cẩn thận
Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy từ tuỳ thân thì sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, khách hàng phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong vòng 24 tiếng sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không thông báo kịp thời, lại bị kẻ gian giả mạo chữ ký và các loại giấy tờ tuỳ thân thì khách hàng có thể sẽ chịu thiệt hại về số tiền gửi của mình.
Không bỏ qua thao tác kiểm tra sau khi gửi tiền
Sau khi gửi tiền, có thể kiểm tra số tiền mình gửi ở các chi nhánh khác trong cùng ngân hàng. Nhiều năm nay, các ngân hàng đều đã nối mạng thông suốt giữa các chi nhánh, phòng giao dịch.
Ví dụ khi bạn gửi tiết kiệm ở một chi nhánh, hoàn toàn có thể mang sổ và chứng minh nhân dân sang chi nhánh khác để yêu cầu kiểm tra, hoặc tế nhị hơn là: “Các em xem giùm tôi sổ tiết kiệm này được bao nhiêu tiền lãi rồi”, hoặc: “Sổ tiết kiệm này tôi muốn gửi thêm vào có được không?”...
Nên chọn ngân hàng có dịch vụ Internet Banking để gửi tiền. Với dịch vụ này, người gửi tiền có thể dễ dàng tự mình kiểm tra số dư cũng như mọi khoản giao dịch với ngân hàng ở mọi lúc mọi nơi, kể cả khi ra nước ngoài (trừ những nơi không có mạng Internet).
AN NHIÊN (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gui-tiet-kiem-ngan-hang-10-khong-de-tranh-tien-bay-hoi-a89569.html