Lãi suất huy động tăng: Sếp ngân hàng nói gì?


Thứ 3, 23/06/2015 | 06:31


(ĐSPL) - Lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo đại diện từ phía Ngân hàng Nhà nước, việc tăng lãi suất này...

(ĐSPL) - Lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo đại diện từ phía Ngân hàng Nhà nước, việc tăng lãi suất này không phải là xu hướng phổ biến...

Lo ngại cuộc đua lãi suất cho vay

Sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm, thời gian gần đây, lãi suất huy động ở một số ngân hàng bất ngờ tăng trở lại. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại (NHTM) phần lớn tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5\%/năm ở các kỳ hạn.

Trước việc các NH tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân lo ngại khi phải đối mặt với áp lực lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này cũng ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Bởi thông thường, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ áp dụng cho 1 - 2 năm đầu, thường các năm tiếp theo sẽ tính theo lãi suất thả nổi, đặc biệt là những khách hàng đã vay trong năm 2014 và hiện đến thời kỳ điều chỉnh lãi suất.

[mecloud]v5xqvnWEtm[/mecloud]

Trong khi đó, phần lớn DN nhỏ và vừa trong nước sử dụng đòn bẩy tài chính (vay nợ NH) rất cao nên lãi suất cho vay dù chỉ biến động thêm 0,5 - 1\%/năm cũng gây áp lực không nhỏ, nhất là trong thời điểm cạnh tranh gay gắt, đầu ra khó khăn, những DN có tỉ lệ nợ vay lớn với lãi suất 9 - 10\%/năm vẫn là gánh nặng. Ngoài ra, việc tăng lãi suất đang đi ngược mong muốn của cộng đồng DN và phục hồi nền kinh tế của Chính phủ. Bởi ngay từ đầu năm, NHNN cho biết trong năm nay sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay dài hạn thêm 1 - 1,5\%/năm để hỗ trợ DN, nhưng thực tế lại khác.

Trước việc các NH tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân lo ngại khi phải đối mặt với áp lực lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.

Một số NH khác thì ý kiến ngược lại, lãi suất cho vay không bị ảnh hưởng lớn bởi chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn. Nếu lãi suất tăng do dòng tiền đổ mạnh vào những tài sản có tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán hoặc dùng để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ngược lại, nếu lãi suất tăng nhưng dòng vốn vẫn đổ vào sản xuất, nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì được đà phục hồi. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng dẫn chứng, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn từ 4,7 - 5,3\%/năm (trước đây từ 4,5 - 5\%/năm), thấp hơn trần cho phép của NHNN là 5,5\%/năm. Chính vì vậy, việc lãi suất tăng chưa chắc ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thế nhưng, có một nghịch lí tại Việt Nam, đó là nếu lãi suất huy động giảm thì lãi vay giảm rất chậm, nhưng lãi huy động tăng thì lập tức lãi vay sẽ tăng rất nhanh. Vì vậy, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, kỳ vọng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng sẽ chưa vội tăng lãi suất cho vay ít nhất là trong 6 tháng còn lại của năm.

Phó thống đốc ngân hàng nói gì?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây không phải là phổ biến, mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm thêm 0,2-0,5\%/năm.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn là do trước đây, các ngân hàng này giảm sâu lãi suất huy động và hiện nay tăng lên ngang với mặt bằng chung. Còn lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng cơ bản vẫn ổn định.

Số liệu của NHNN cho thấy, lãi suất 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định. NHNN đã điều chỉnh giảm hợp lý lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng khoảng 0,5-0,6\%/năm, xuống mức 6,5-6,6\%/năm để hỗ trợ tốt hơn một số ngành lĩnh vực đặc thù và một số đối tượng chính sách.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm tiếp tục giảm 0,2-0,3\%/năm so với cuối năm trước. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,2-0,5\%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,2-0,3\%/năm, hiện phổ biến ở mức 6-9\%/năm đối với ngắn hạn, 9-11\%/năm đối với trung, dài hạn.

Phó Thống đốc khẳng định, lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn sẽ ổn định như hiện nay. Phụ thuộc cung cầu thị trường, NHNN sẽ có động thái bơm hút kịp thời, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD nhưng đặt trong mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ mà NHNN đề ra từ đầu năm.

Một trong những nguyên nhân lãi suất tăng gần đây còn được các chuyên gia lý giải do cầu tín dụng tăng mạnh, đặc biệt là tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, số liệu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại cuộc họp báo lại cho thấy vốn đổ vào địa ốc năm nay chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2014 chứ không quá đột biến. Cụ thể, đến hết tháng 5, tín dụng bất động sản tăng 10,89\% (chiếm tỷ trọng 8,3\% tổng dư nợ). Trong khi đó, 5 tháng đầu 2014, vốn đổ vào bất động sản chiếm tỷ trọng 7,96\%.

Về cơ cấu, Phó thống đốc cho biết tín dụng đổ vào bất động sản chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà ở để bán và cho thuê chứ không rơi vào đầu tư, kinh doanh bất động sản. "Theo tôi, tín dụng bất động sản tăng một chút như này góp phần giảm tồn kho xây dựng, sắt thép, xi măng, sẽ tạo dòng tiền tốt cho nền kinh tế. Tỷ trọng lĩnh vực này cao hơn một chút nhưng không phải là đột biến so với cùng kỳ", bà Hồng khẳng định.

Theo công bố của Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 15/6/2015, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,78\% so với cuối năm 2014 và tăng 18,98\% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ngành ngân hàng tích cực đầu tư. Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp tính đến 30/6/2015 ước tăng 7,71\% so với cuối năm 2014.

Kết quả cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, tính đến tháng 3/2015, tín dụng xuất khẩu tăng 3,9\%, tín dụng với DN nhỏ và vừa tăng 1,88\%, công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 0,2\%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,02\% so với cuối năm 2014.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-suat-huy-dong-tang-sep-ngan-hang-noi-gi-a99424.html