+Aa-
    Zalo

    Kinh nghiệm quý giá xin visa du lịch châu Âu tại ĐSQ Pháp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bài viết chia sẻ kinh nghiệm xin visa Schengen tại ĐSQ Pháp giúp bạn có cơ hội được đặt chân đến nhiều quốc gia.

    Bài viết chia sẻ kinh nghiệm xin visa Schengen tại ĐSQ Pháp giúp bạn có cơ hội được đặt chân đến nhiều quốc gia.

    Schengen là nước nào và xin visa Schengen là xin visa đi đâu?

    Đây là loại visa cho phép nhập cảnh vào 26 Quốc gia thuộc khối Schengen, bao gồm: Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Lettonia, Lituanie, Malta, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Slovénia, Thụy Điển, Thụy Sĩ…

    Vậy theo lý thuyết thì bạn xin visa Schengen ở 1 trong 26 nước trên đều được. Tuy nhiên, chỉ có 4 nước cấp visa du lịch mà không cần người bảo lãnh: Hà Lan, Ý, Pháp, Tây Ban Nha.

    Trừ khi, bạn không mạnh về tài chính tức là rất khó để tự xin visa du lịch và có người bảo lãnh mạnh, còn không, bạn nên xin visa du lịch tự túc thuần túy. Nếu có yếu tố bảo lãnh trong đó, ĐSQ yêu cầu giấy bảo lãnh, giấy chứng minh thu nhập do Tòa thị chính nơi người bảo lãnh cấp, sau đó bạn phải đóng phí, và chuyển về Việt Nam. Vừa mất thời gian, vừa mất công, mất của.

    Vậy tại sao nên nộp  đơn xin visa ở Đại sứ quán Pháp? Vì cộng đồng mạng truyền tai nhau rằng xin visa du lịch ở Pháp dễ hơn các nước khác.

    Giấy tờ cần chuẩn bị (trên khổ giấy A4)

    Nói chung mọi giấy tờ sẽ để chứng minh: Bạn có rất nhiều thứ ở Việt Nam (chức vụ tốt, công việc tốt, lương lậu tốt, nhà xe đầy đủ, vợ con (nếu có) thì đangở VN, tiền thì đầy) nên bạn đi chơi thôi, đi là sẽ về, không trốn ở lại làm nail đâu.

    Hộ chiếu

    Hộ chiếu còn tối thiểu 2 trang trống (để các bạn ĐSQ dán visa) và có giá trị tối thiểu 3 tháng kể từ ngày rời khỏi lãnh thổ các nước trong khối Schengen.

    01 tờ khai xin thị thực Schengen ngắn hạn (điền bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp)

    Down tại đây

    1 ảnh thẻ

    Yêu cầu: “ảnh chụp phần đầu của đương đơn, chụp từ phía trước mặt, chụp gần thời điểm nộp đơn, người trong hình giống người thực, khổ hình 3.5 cm x 4.5 cm, là hình màu trên nền trắng đồng màu (phông nền có màu không được chấp nhận), đầu để trần.”

    Bản sao từ trang 1-5 của hộ chiếu cùng với thị thực Schengen cuối cùng (nếu có), kèm theo các trang có dấu xuất nhập cảnh Schengen và Việt Nam.

    Mình photo thêm cả những trang mình có visa đi nước khác và có dấu nhập cảnh, xuất cảnh ở nước khác. Gì chứ cứ cẩn thận, càng chứng minh mình đã đi nhiều nước phát triển và đều đã quay trở về Việt Nam thì hồ sơ càng mạnh.

    Giấy chứng minh tình trạng gia đình

    Trên file pdf của website ĐSQ Pháp thì ghi là “bản sao đầy đủ hộ khẩu và giấy kết hôn”

    Trên website ĐSQ Pháp thì ghi là “Sổ hộ khẩu: Nộp bản chính và bản photocopie”

    Mình gọi điện lên hỏi ĐSQ thì bảo là: Sổ hộ khẩu dịch công chứng, còn độc thân thì lên phường xin giấy chứng nhận độc thân.

    Và kết cục sau khi hỏi han khắp chốn thì mình tự dịch sổ hộ khẩu rồi đi công chứng. Không chứng minh là đã có chồng hay chưa có chồng. Ngày nộp hồ sơ mượn mẹ sổ hộ khẩu mang theo, lên thì người ta trả lại ngay, không giữ lại.

    Giấy chứng minh hoàn cảnh nghề nghiệp

    + Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm

    Mình có 2 hợp đồng, 1 dấu xanh kiểu tây cho bản Tiếng Anh, 1 dấu đỏ kiểu Việt Nam cho bản Tiếng Việt. Mình tự dịch hợp đồng Tiếng Việt (vì ở Việt Nam thì dấu đỏ mới phát huy tác dụng) rồi đi công chứng cho rẻ.

    Chứ 4 trang dịch mất 400 ngàn đồng, trong khi tự dịch rồi công chứng thì rẻ bèo, có 10 ngàn đồng/trang.

    Bạn làm trưởng nhóm, trưởng dự án, phó phòng, trưởng phòng thì thêm cái quyết định bổ nhiệm, hồ sơ sẽ mạnh hơn.

    + Giấy phép kinh doanh (nếu bạn là chủ doanh nghiệp)

    + Quyết định nghỉ phép : “giấy xác nhận (bản gốc) của người sử dụng lao động ghi rõ tên, chức danh, thời gian cho phép đương sự được nghỉ để đi du lịch Pháp. Giấy nghỉ phép phải có dấu, chữ ký, tên, chức danh của người phụ trách.”

    Giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập thường xuyên tại Việt nam đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tại Pháp

    Làm sao để ĐSQ thấy rằng, công việc của bạn rất tốt, tiền đảm bảo để tiêu, chơi.

    •    Bảng lương: có thể xin công ty. Mình thì mình lên ngân hàng (VCB) lấy sao kê 3 tháng, bôi đánh dấu những lần trả lương để chứng minh có thu nhập đều đặn. Sao kê của VCB là bản song ngữ, nên không cần dịch hay công chứng gì nữa. Xin 1 bản mấy mươi nghìn rồi nộp bản chính luôn.

    •    Sổ tiết kiệm: mình cũng lên ngân hàng, trình bày là tớ muốn xin visa du lịch nên cần sao kê các tài khoản tiết kiệm. VCB có mẫu sẵn rồi, họ sẽ in ra đóng dấu cho các bạn. Cũng nộp bản chính luôn. Cộng đồng mạng truyền nhau kinh nghiệm là 5000$.

    •    Có thông tin thì bảo miễn sao đủ 70 eur/ ngày x số ngày của chuyến đi. Mình thì nghĩ là đây cũng là một cách chứng minh mình có ràng buộc ở Việt Nam. Vậy nên vơ vét ở đâu được là vơ vét, tối đa nhất có thể. Tốt nhất là 5000$ trở lên

    Có 1 thông tin nữa trên website không nói, nhưng cũng từ kinh nghiệm, rằng các bạn nên gửi sổ tiết kiệm ít nhất 3 tháng trước khi xin visa. Vì hôm mình đi nhận visa, cũng có 2 mẹ con nhà này bị từ chối, lý do ĐSQ đưa ra là: Không đủ chứng minh sẽ quay lại Việt Nam sau chuyến đi. Mình ngồi lo lắng hỏi han mãi thì thấy bảo là sổ tiết kiệm mới gửi có chục ngày trước khi nộp hồ sơ. Tất nhiên, chả ai biết người xét visa nghĩ gì, nhưng mình cứ cẩn thận. Chứ bị đóng cộp cái dấu REJECT vào hộ chiếu, gì thì gì cũng khó khăn hơn cho những lần sau.

    •    Sổ đỏ, hay giấy tờ chứng minh tài sản lớn.

    Lịch trình chuyến đi

    “Lịch trình chuyến đi, ghi rõ ngày đến, ngày đi, số ngày lưu trú tại từng quốc gia và mục đích của chuyến đi”.

    Dưới đây là câu trả lời cho câu hỏi Làm sao để mình được nộp hồ sơ vào ĐSQ Pháp

    Trong trường hợp sẽ lưu trú tại nhiều quốc gia trong khối Schengen, cần nộp hồ sơ xin thị thực Schengen ngắn hạn tại cơ quan lãnh sự là “điểm đến chính” của chuyến đi.

    Cách xác định quốc gia nào là “điểm đến chính”?

    •    Quốc gia “điểm đến chính” là quốc gia mà ở đó đương đơn sẽ thực hiện mục đích chính của chuyến đi.

    •    Trong trường hợp mục đích của chuyến đi là giống nhau trong tất cả các quốc gia sẽ đặt chân đến, Quốc gia “điểm đến chính” là nơi mà đương đơn sẽ lưu lại lâu nhất.

    •    Trong trường hợp cả mục đích chuyến đi lẫn thời gian lưu trú tại mỗi quốc gia đều giống nhau, Quốc gia “điểm đến chính” là nơi mà đương đơn sẽ đặt chân xuống đầu tiên.

    Vậy là, mình xin visa Schengen ở ĐSQ Pháp, thì mình phải chứng minh được Pháp là điểm đến chính hoặc ít nhất là điểm đến đầu tiên. Lịch trình của chuyến đi hãy nói rõ điều này nhé. Lịch trình chỉ là lịch trình, bạn làm sao cho mọi thứ thật khớp và thật dễ dàng cho bạn. Và nhớ phải hiểu lịch trình của mình để nếu người ta có hỏi thì còn biết trả lời.

    Nếu bạn đã có lịch trình chắc chắn, đặt hết vé tàu, vé xe và khách sạn thì không còn gì tuyệt hơn. Nhưng nếu bạn xin visa những 3 tháng trước ngày đi, lịch trình còn chưa lên xong nên chưa dám đặt vé tàu xe.

    Hay như tớ, đến cái vé máy bay còn bị công ty cho stand by (vì tớ được discount vé máy bay đến 100%, nên phải chịu số phận còn ghế thì đi, không ghế thì mai mới được đi) thì tớ sẽ không làm lịch trình như thế. Tớ sẽ làm lịch trình tớ chơi ở Paris, loanh quanh Paris. Hãy làm cho mọi thứ đơn giản và dễ dàng, nếu bạn không có khả năng đáp ứng được sự phức tạp ấy. Nhưng cũng hãy cẩn thận, tớ có đọc trên mạng thấy bảo, nếu vậy họ có thể sẽ cho bạn visa đi Pháp (only), chứ không còn là Schengen. Mình cũng lịch trình chỉ Paris, nhưng được visa Schengen. Các bạn có thể lên lịch 5 ngày ở Paris, ngày cuối chạm chân sang Bỉ cái rồi về, chắc không bắt cung cấp vé tàu chứ. Hoặc bạn phải linh hoạt, rằng vé tàu ở Paris mua trước cũng không rẻ hơn nhiều, nên tui muốn mua sau cho linh hoạt. Nhỡ Paris của các bạn đẹp quá tui hông có muốn đi đâu hết thì sao.

    Thông tin thêm cho những bạn xin visa tại ĐSQ Pháp (cho dễ) nhưng lại nhập cảnh ở 1 nước khác trong khối Schengen. Visa của bạn là visa Schengen, nhưng bên góc phải sẽ ghi “FRA”, tức là visa được cấp từ ĐSQ Pháp. Vậy nếu bạn có visa Schengen cấp tại ĐSQ Pháp, nhưng bạn nhập cảnh ở 1 nước khác trong khối Schengen, hên xui anh xuất nhập cảnh sẽ đòi bằng chứng rằng bạn sẽ đi sang Pháp (vé tàu, vé máy bay, book khách sạn,…). Bạn phải chứng minh được rằng tôi không có sang đó làm “nail” đâu, tôi đi du lịch như vậy thật mà.

    Mình lấy visa từ ĐSQ Pháp, nhập cảnh tại Hà Lan, bị hỏi mấy câu đã nhè ngay cái thẻ tiếp viên để chém gió tơi bời là tao suốt ngày bay sang đây mà, tuần trước tao vừa gặp mày xong, đấy hãng tao vừa hạ cánh blo bla. Vậy là ảnh chả đòi bằng chứng gì nữa.

    Giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi

    “Giấy bảo lãnh do Tòa Thị Chính nơi người mời cấp kèm theo bản sao những giấy tờ chứng minh nơi ở tại Pháp (hợp đồng thuê nhà, giấy sở hữu nhà, hóa đơn điện nước gần nhất) hoặc giấy đặt chỗ khách sạn cho suốt hành trình dự kiến (đối với trường hợp đi du lịch không có người mời tại Pháp).” – Theo ĐSQ Pháp

    Nếu đi dưới diện du lịch (như tớ), thì bạn chỉ cần lên agoda, booking.com, … chọn 1 khách sạn/ hostel có free cancelation (Có thể hủy bỏ đặt phòng mà không mất phí). Đặt phòng, nhập số thẻ thanh toán quốc tế, vậy là bạn có booking ở Paris trong những ngày đi du lịch. In cái comfirmation (xác nhận) ra, nộp là xong. Và nhớ là, khi đi mang theo những giấy tờ này, các anh nhập cảnh hỏi còn đưa ra chứng minh không có sang làm nail nha.

    Nếu bạn có bạn bè ở Pháp, cũng hãy đặt phòng nhé, vì nếu nói rằng tui ở nhà bạn tui, thì bạn lại vướng vào GIẤY BẢO LÃNH DO TÒA THỊ CHÍNH CẤP (=30eur + tiền và thời gian chuyển về VN)

    Chú ý: Đặt phòng phải khớp với lịch trình.

    Giấy đặt chỗ vé máy bay khứ hồi(bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, không chấp nhận đặt chỗ vé máy bay bằng tiếng Việt).

    Lên website của Vietnam Airlines hay hãng nào đó có đường bay đến Pháp. Đặt 1 cái, rồi chọn “pay latter”. Bạn sẽ có 1 mã booking vào email. In ra là xong

    Một lần nữa, hãy đặt vé máy bay khớp với lịch trình.

    Giấy xác nhận bảo hiểm y tế du lịch và hồi hương(kèm bản sao) cho suốt hành trình tại Châu Âu-Schengen.

    Hồi đó mình đi ngắn, với cả cũng tiết kiệm, nên mua loại 7 ngày, giá khoảng hơn 300 ngàn. Mua ở Bảo Minh ngay gần bến xe Kim Mã. Nói chung là anh chị ở đây làm việc nhiệt tình. Bạn email thông tin cá nhân là hồ sơ đã được chuẩn bị. Hồ sơ của mình gặp nhiều trục trặc nên mình đổi ngày đến 3 lần, các anh chị vẫn hộ trợ nhiệt tình, gửi chuyển phát free đến tận nhà.

    Giấy chứng nhận bảo hiểm là bản song ngữ, photo rồi mang đi công chứng nha.

    Một lần nữa, hãy khớp với kế hoạch. Đừng có lịch đi 10 ngày, vé máy bay đặt là đi ngày 1, về ngày 10, mà bảo hiểm mua 7 ngày nha. Bị từ chối vì lí do lãng xẹt đó không đáng.

    Nộp hồ sơ và lấy visa

    Nộp hồ sơ

    Thời gian nộp: trước ngày khởi hành từ 3 tháng đến 15 ngày.

    Đặt lịch hẹn:

    Hồi mình làm visa là cần alo lên ĐSQ đặt lịch hẹn rồi đúng hôm đó mang hồ sơ lên nộp. Nhưng giờ đây thời thế đã thay đổi, mình cập nhật trên website thì từ 17/3/2016 ĐSQ Pháp đã ủy quyền cho công ty TLScontact nhận hồ sơ và trả hộ chiếu. Hồ sơ xin visa phải được nộp tại TLScontact.

    Địa chỉ: tầng 17 của tòa nhà  Capital tower building, số 109 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

    Số điện thoại của tổng đài đặt hẹn :

    •    04 3939 2662 đối với những cuộc gọi từ Việt nam

    •    +84 4 3939 2662 đối với những cuộc gọi từ nước ngoài.

    Thời gian làm việc của trung tâm tiếp nhận hồ sơ : từ 8h đến 16h30, từ thứ 2 đến thứ 6 trừ ngày lễ.

    Trên website ĐSQ Pháp có ghi đại ý là toàn bộ giấy tờ phải được nộp vào thời điểm nộp hồ sơ, nếu quý vị không cung cấp giấy tờ nào đó, chúng tôi hiểu rằng quý vị không có khả năng cung cấp những giấy tờ đó.

    Nghe lạnh lùng quá, nhưng hôm mình đi nộp hồ sơ, có mấy người nộp trước bị thiếu, thì họ vẫn linh động cho đi làm thêm giấy tờ đến chiều nộp.

     Phí: 60 eur (phí visa như trước đây) + 26 eur (phí dịch vụ trung gian)

    Lấy visa

    Trước đây khi làm visa thì thời gian được lấy hộ chiếu sẽ là đúng 1 tuần (dù trượt hay đỗ), với 99% các trường hợp. Thứ 2 bạn nộp thì thứ 2 tuần sau lấy, thứ 5 nộp hồ sơ thì thứ 5 tuần sau lấy visa.

    Nhưng có lẽ bây giờ mọi chuyện đã khác, vì bên TLScontact làm trung gian. Nếu có thắc mắc, các bạn có thể gọi điện trực tiếp để hỏi. 26eur tiền dịch vụ là để các bạn được hỏi đấy ạ.

    Kinh nghiệm của mình cho thấy, gì cũng có thể có ngoại lệ, nếu nó là hợp lí. Nên thắc mắc gì, các bạn cứ gọi điện lên hỏi nếu cho rằng trường hợp của mình cá biệt, và cần thêm thông tin.

    Nam Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-nghiem-quy-gia-xin-visa-du-lich-chau-au-tai-dsq-phap-a220160.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan