+Aa-
    Zalo

    Kỳ 19: Sự hồi sinh kỳ lạ sau lần suy thận giai đoạn cuối

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bà B. đang đi dạo tại hành lang bệnh viện thì bất ngờ ngã quỵ, co giật rồi hôn mê bất tỉnh.

    (ĐSPL) - Bà B. đang đi dạo tại hành lang bệnh viện thì bất ngờ ngã quỵ, co giật rồi hôn mê bất tỉnh.

    Các bác sỹ chẩn đoán, bà bị tắc mạch máu não dẫn đến liệt nửa người có nguy cơ tử vong, nếu không được cứu kịp thời. Còn trường hợp của ông C. người bị suy thận giai đoạn cuối, tiên lượng sự sống gần như chẳng còn, cũng may mắn được cứu khi đã ngưng tim...

    Đột quỵ khi đang điều trị zona

    Đây là một trong những ca bệnh nguy kịch mới nhất của bệnh viện An Bình, TP.HCM. Bệnh nhân là cụ bà Lưu Thị Ái B. (SN 1938, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Chị Trần Thị N. (con dâu của bà B.) cho biết: “Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh khớp, tim mạch. Trước đây khoảng chừng một tháng, bà bị bệnh zona thần kinh, gia đình tôi đưa bà đi điều trị trên TP.Đà Lạt, nhưng không thấy đỡ mới đưa về TP.HCM điều trị”.

    Bà B. (phải) đã tạm ổn sau khi được cứu chữa thành công.

    Chị N. cho biết thêm: “Tại bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, mẹ tôi nằm 10 ngày thì chỗ bị zona thần kinh khô và bớt đi một chút. Sau đó bệnh viện cho bà về, được chừng một ngày bà kêu đau nhức quá chịu không nổi, bà đòi đi xuống TP.HCM tiếp tục khám, điều trị. Mẹ tôi nhập viện 5h sáng ngày 21/9, bà đau do bệnh zona nhưng vẫn đi đứng được, do bị cao huyết áp, tiểu đường, nên người ta chuyển bà qua khoa Tim mạch. Ngày 24/9 thì bà bị tai biến mạch máu não, đột ngột liệt nửa người, lơ mơ không biết gì, trường hợp hết sức nguy kịch khiến gia đình tôi tưởng bà không qua khỏi”.

    Bác sỹ CKII Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Thần kinh bệnh viện An Bình cho biết: “Ngay khi bà B. bị đột quỵ, các bác sỹ đưa bà xuống khoa Đột quỵ cấp cứu ngay lập tức. Cũng may bệnh nhân đang điều trị ngay tại bệnh viện rồi xảy ra biến cố, hơn nữa tại bệnh viện này lại có sẵn thuốc đặc trị nên mới thành công”.

    Cũng theo bác sỹ Tuấn khuyến cáo: Tai biến mạch máu não có hai trường hợp mạch máu não bị tắc lại hoặc vỡ ra. Trường hợp của bà B. là bị tắc mạch máu não, gọi là nhồi máu não. Đó là hiện tượng có một cục máu đông trong mạch máu não, ngăn không cho máu cung cấp lên não dẫn đến trường hợp bị liệt nửa người hoặc có thể dẫn đến tử vong. Nhiệm vụ của các bác sỹ là phải làm tan cục máu đó đi. Có hai cách đó là dùng dụng cụ đưa vào lấy cục máu đông, hoặc dùng thuốc để làm tan cục máu. Phương pháp tốt nhất là dùng thuốc làm tan cục máu đông. Còn đưa dụng cụ vào gọi là kỹ thuật xâm lấn, đòi hỏi kỹ thuật máy móc cao và có nhiều nguy cơ hơn.

    Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn trao đổi với PV.

    Được biết, việc dùng thuốc RTPA trong điều trị đông máu không có nhiều bệnh viện áp dụng tại Việt Nam. Người ta gọi liệu pháp này là liệu pháp tiêu huyết khối. Riêng bệnh viện An Bình bắt đầu làm từ năm 2008. Theo bác sỹ Tuấn, đối với trường hợp tai biến mạch máu não thì một phần não không được cung cấp máu để duy trì hoạt động. Nếu không có cách khắc phục, điều trị sớm thì chỉ trong thời gian ngắn phần não này sẽ bị chết. Điều đó dẫn đến nguy cơ liệt khó khôi phục lại được. Vì vậy, điều trị bằng thuốc cũng có những thời gian nhất định, nếu chậm trễ quá cũng không thực hiện được.

    Nguyên nhân chính dẫn đến tai biến mạch máu não là bệnh nhân bị cao huyết áp. Ngoài ra còn các bệnh khác như xơ vữa động mạch, tiểu đường, mỡ trong máu... Chị N. hồ hởi cho biết: “Mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch là mừng lắm rồi, vì bà tuổi cũng đã cao. Bây giờ bà có thể ngồi được bình thường, miệng không bị méo, tay có thể nâng lên được, chỉ còn chân là hơi chậm chạp chút. Theo như các bác sỹ nói thì cố gắng tập vật lý trị liệu sẽ ổn. Còn chuyện tái phát thì còn có một quá trình nữa, nên gia đình tôi phải chia nhau chăm sóc cho mẹ thật chu đáo”.

    Ông lão chống lại “mệnh trời”

    Thông thường những ca bệnh nặng dẫn đến “chết lâm sàng” hay xảy ra ở những người cao tuổi. Ở độ tuổi ấy, người bệnh thường có sức đề kháng yếu, khả năng chống chọi với phút giây sinh tử khá thấp. Bởi thế, cứu được một mạng người cao tuổi khi đã ngừng tim, ngừng thở là trường hợp tương đối hiếm gặp ngay cả ở các bệnh viện lớn. Một trường hợp khá hi hữu mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là trường hợp của cụ ông Nguyễn Văn C. (79 tuổi, ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

    Theo chị Võ Thị H. (con dâu út của ông C.) cho biết: “Đầu tháng 9/2015, ba tôi thường có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức ngực trái, đêm ngủ phải thức dậy nhiều lần, nhưng mọi người cứ nghĩ ba bị cơn đau của tuổi già hành hạ nên không đưa đi viện. Dần ba tôi không ăn uống gì được, dù rằng đói và nhìn thấy đồ ăn là thèm. Khuya ngày 8/9, ba tôi mặt mày tím tái, cơ thể cứng lại rồi có biểu hiện ú ớ không nói nên lời. Gia đình lập tức chuyển ba lên viện Tim TP.HCM để cấp cứu qua cơn nguy kịch”.

    “Trong quãng thời gian nằm tại viện Tim, ba tôi được thăm khám và kết luận bị suy thận giai đoạn cuối và đủ thứ bệnh khác. Một hôm đang nằm viện thì ba tôi bị ngưng tim phải đưa vào phòng cấp cứu gấp. Một lần nữa ba lại được cứu sống thần kỳ. Tuy vậy, bác sỹ tiên lượng ba tôi chỉ còn 20\% sự sống, vì các bộ phận khác bên trong cơ thể ba tôi gần như đã bị tổn thương hoàn toàn. Đến ngày 2/10, gia đình tôi thấy ba tuổi tác cũng đã cao, bệnh nhiều, khó mà bình phục tức thời, nên xin bệnh viện cho về nhà tự chăm sóc”.

    “Ba tôi sinh được bảy người con. Mọi người cũng đã thành gia lập thất hết, kinh tế cũng tương đối khá giả. Tuy vậy, ba từ hai bàn tay trắng làm ruộng vườn mà dựng nên cơ nghiệp, nên tính chịu đựng của ba rất cao. Tuy bệnh tật trong người nhiều nhưng ba cũng ráng chịu không nói cho con cái biết. Nếp sống của ba tôi cũng lành mạnh, không rượu chè, thuốc lá gì nên cũng ít ai nghĩ ba bệnh nặng đến vậy. Đến khi cơn đau hành hạ quá, thì thời gian gần lúc nhập viện ba mới đi lấy thuốc và tái khám tại viện Tim đều đặn”.

    Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Quang Huân, Giám đốc viện Tim TP.HCM cho biết: “Bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Lúc nhập viện huyết áp của bệnh nhân là 130/70mmHg, mạch là 89 lần/phút, phổi trong, bụng mềm, gan 6-7cm dưới bờ sườn phải bị phù. Đây là trường hợp có nhiều bệnh tật từ trước khi nhập viện. Bệnh nhân vừa bị bệnh suy thận giai đoạn cuối lại vừa bị bệnh tim...”.

    Theo viện Tim TP.HCM, ngày 16/9, trong lúc điều trị tại viện Tim, bệnh nhân C. đột ngột ngưng tim. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển đến phòng USIC để sốc điện ra nhịp xoang. Khi cấp cứu bệnh nhân C. các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị chênh lên biến chứng rung thất, suy thận giai đoạn cuối. Nhờ cứu chữa kịp thời, bệnh nhân C. một lần nữa được cứu sống một cách ngoạn mục. Cả gia đình bệnh nhân mừng vui khôn tả. Sau đó, bệnh nhân C. được giữ lại điều trị ngay tại phòng USIC dưới sự theo dõi của bác sỹ và gia đình bệnh nhân. Đến ngày 2/10, thể theo yêu cầu của người nhà, bệnh nhân được đưa về quê để chăm sóc tiếp.                                                

    Cẩn trọng với người già

    Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Thần kinh bệnh viện An Bình cho biết: “Đối với người lớn tuổi chúng ta phải đặc biệt lưu tâm. Bởi người lớn tuổi thông thường sức đề kháng yếu, dễ bệnh tật và nhiều bệnh tật do quá trình tích tụ bao nhiêu năm trời. Bởi vậy, các cụ rất dễ bị chấn thương hoặc bệnh nặng dẫn đến nguy kịch. Nếu không được phát hiện cứu chữa kịp thời thì nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao”.

    HOÀNG MINH – HẢI ĐĂNG

    Xem thêm video Tin tức: 

    [mecloud]Th1Vy5ij4M[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-19-su-hoi-sinh-ky-la-sau-lan-suy-than-giai-doan-cuoi-a115293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.