+Aa-
    Zalo

    Kỳ 5: Từ thời hoàng kim đến cảnh... hoang tàn của "đại gia dầu khí"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong thị trường khốc liệt đó, không ít tên tuổi có máu mặt đã phải nếm trái đắng. Trong đó, có đại gia dịch vụ ngành dầu khí là Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR)...

    (ĐSPL) - Đối với các đại gia, đầu tư vào bất động sản (BĐS) giống như một canh bạc "được ăn cả, ngã về không". Trong thị trường khốc liệt đó, không ít tên tuổi có máu mặt đã phải nếm trái đắng. Trong đó, có đại gia dịch vụ ngành dầu khí là Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR)...

    Càng hứa càng... "vẽ"

    Thời gian đầu năm 2015, cùng với nhiều dự án "đắp chiếu" trên toàn TP. Hà Nội, dự án chung cư Hanoi Times Tower của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) cũng lâm vào tình trạng dang dở khi mới hoàn thành ngang tầng thứ tư và vẫn tiếp tục trì hoãn việc thi công sau nhiều lần gia hạn.

    PVR đang khiến nhà đầu tư lo ngại về năng lực tài chính.

    Theo thông tin PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được, dự án Hanoi Times Tower (tọa lạc trên đường Văn Phú, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) được khởi công xây dựng quý IV năm 2010 với tổng số vốn đầu tư là hơn 1.456 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2014. Nhưng thời điểm PV đến khảo sát hiện trường dự án vào đầu năm 2015, dự án này vẫn đang ở mức hoàn thành xong tầng thứ tư, phần sắt thép đã hoen gỉ, khu vực đất xung quanh lún, gây ngập úng. Khung cảnh của dự án hoàn toàn trái ngược với những "bánh vẽ" hứa hẹn sự nguy nga mà chủ đầu tư đưa ra cho những "thượng đế" đã đầu tư khá nhiều tiền vào dự án này. Những người dân sống quanh đây cho biết: "Dự án đã bỏ hoang 2 năm nay và đến nay có nghe nói, dự án đang chuẩn bị được tiếp tục xây".

    Chúng tôi cố gắng liên lạc được với một khách hàng, đồng thời là chủ của một tài khoản mạng xã hội tên D.. Anh này cho biết: "Dự án bắt đầu kêu gọi khách hàng đầu tư vào năm 2010 khi mới khởi công. Vào thời điểm đó, chủ đầu tư chỉ cho khách hàng ký hợp đồng góp vốn chứ không phải là hợp đồng mua bán nhà. Đến năm 2011, họ xây xong tầng hầm. Đến năm 2012, họ xây đến tầng 4 và cho đến nay, dự án vẫn vậy, dù chủ đầu tư nhiều lần hứa tiếp tục thi công".

    Anh D. còn cho biết thêm, anh cùng nhiều khách hàng đóng tiền cho hợp đồng đầu tư thành từng đợt, đã có khoảng 300 đến 400 khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư. Anh D. cho biết: "Tôi đã góp vào đó 1 tỉ đồng nhưng cho đến nay, tôi hoàn toàn không hy vọng gì về khả năng dự án tiếp tục thực hiện, dù đã nộp một khoản không hề nhỏ cho nhà đầu tư. Nhiều lần, tôi cùng các khách hàng đã hỏi nhưng chủ đầu tư vẫn không đưa ra một kế hoạch chi tiết về tiến độ của dự án". Anh D. và nhiều khách hàng đang tỏ ra tuyệt vọng và vô cùng bức xúc với cách làm việc của chủ đầu tư.

    Đi sâu tìm hiểu, PV báo Đời sống và Pháp luật nhận thấy, khách hàng của Hanoi Times Tower đã nhiều lần kiến nghị đòi rút vốn vào năm 2012 nhưng vì những lời hứa của chủ đầu tư mà họ vẫn duy trì niềm tin với dự án. Còn nhớ, vụ việc vào năm 2012 hàng loạt khách hàng đã tố chủ đầu tư PVR vi phạm hợp đồng khi chậm tiến độ thi công so với hợp đồng một năm và đòi lại tiền "thỏa thuận góp vốn" nhưng chỉ nhận được những lời hứa vòng vo từ chủ đầu tư.

    Vậy là đã 4 năm, nhưng công trình chỉ có 4 tầng?! Chủ đầu tư đang mang số phận những "thượng đế" của mình ra đánh cược, trong khi những "thượng đế" đang phải đối mặt với khoản tiền lãi từ ngân hàng tăng lên từng ngày. Hàng trăm khách hàng, trong đó có anh D. vẫn phải oằn lưng trả nợ hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng mà chưa biết đến khi nào nhìn thấy nhà hoặc được trả lại tiền.

    Thả trôi dự án, bỏ của chạy lấy người?

    PVR là cái tên viết tắt của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí từ lâu đã không còn xa lạ với khách hàng mua nhà nói riêng và người dân nói chung.

    PVR đã đầu tư vào hàng loạt dự án BĐS có quy mô và vốn đầu tư lớn. Có thể kể đến dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên- Ba Vì (Hà Nội) với mức đầu tư gần 3.500 tỉ đồng gồm các khu vui chơi, sân golf cao cấp, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; dự án CT 15 Việt Hưng; dự án trung tâm thương mại 9 Trần Thánh Tông và dự án CT 10-11 Văn Phú (Hanoi Times Tower).

    Vậy, tại sao một đại gia như vậy lại "hụt hơi" và có dấu hiệu buông xuôi? Khi mà không chỉ riêng ở Hanoi Times Tower đang gặp rắc rối về tiến độ mà ngay cả các dự án còn lại như Tản Viên, Việt Hưng, PVR đều đã thoái vốn và nhường lại cho nhà đầu tư khác. Liệu rằng, khi sa vào cuộc khủng hoảng trầm trọng này, đại gia có phải "bỏ của chạy lấy người" hay lại tiếp tục nhượng Hanoi Times Tower cho nhà đầu tư khác?!

    Khi được PV hỏi về việc vì sao lại có sự chậm tiến độ đó và chủ đầu tư có giải thích như thế nào, đa số khách hàng của dự án này cho biết: "Ngày xưa, với tư cách là công ty thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên khi kêu gọi dự án, mọi người rất quan tâm và tin tưởng nhưng đến thời điểm gần đây khi mà PVR không còn thuộc tập đoàn Dầu khí nữa, dự án bộc lộ sự khó khăn cũng như sự yếu kém trong năng lực làm việc của công ty. Chủ đầu tư nhiều lần gặp gỡ khách hàng nhưng tất cả mà khách hàng nhận được đều chỉ là những lời hứa".

    Cũng theo tìm hiểu của PV, có lẽ một phần do sự quyết tâm rút vốn ra khỏi dự án của tập đoàn Đại Dương- Ocean Group và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam bằng việc đăng bán toàn bộ cổ phiếu mà tập đoàn này sở hữu của PVR vào quý IV năm 2014 đã làm cho vị đại gia dầu khí này mất đi một chỗ dựa vững chắc trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, không thể nói, vì lý do đó mà dự án huy động vốn của gần như toàn bộ khách hàng đã ký không đủ tiền để tiếp tục.

    Trong một động thái gần đây nhất, vào ngày 30/12/2014 trong cuộc gặp gỡ một số khách hàng, chủ đầu tư trong đó có ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc công ty PVR, trả lời thắc mắc của khách hàng về nguyên nhân chậm tiến độ cho đến nay là do: "Đang đợi ký gói vay vốn 236 tỉ mà đơn vị cho vay lúc này đòi phải đổi một nhà thầu mới. Đơn vị cho vay cho rằng nhà thầu trước không đủ năng lực. Để thuê một nhà thầu chất lượng với giá cả lúc này, vô cùng đắt nên phải đợi để tìm một nhà thầu giá hợp lý hơn".

    Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được các khách hàng, bởi vì ngay từ đầu, vì sao PVR lại không lựa chọn một nhà thầu uy tín mà phải đến lúc này - "nước đến chân mới nhảy", "mất bò mới lo làm chuồng". Các khách hàng cũng đã đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng lựa ra một nhà thầu mới, giá cả hợp lý nhất để tiếp tục dự án bởi, "không thể tiếp tục chờ đợi mãi như thế này được".

    ĐBQH Trần Du Lịch, đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: Không để cho người có BĐS chiếm tiền của dân

    Pháp luật phải góp phần khắc phục tình trạng người dân góp tiền mua nhà nhưng chủ đầu tư lại lấy tiền góp vốn này để làm việc khác, khiến người mua chờ đợi, đau khổ... Nhà đầu tư phải góp bao nhiêu \% vốn vào dự án BĐS và số tiền đó được sử dụng ra sao, hiện chưa minh bạch, không được biết. Như vậy là pháp luật vẫn để lỗ hổng cho người có BĐS lợi dụng, chiếm tiền của dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-5-tu-thoi-hoang-kim-den-canh-hoang-tan-cua-dai-gia-dau-khi-a82933.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan