+Aa-
    Zalo

    Kỳ công nuôi gà Đông Tảo nghìn “đô”, “nằm lò sưởi, ngâm chân nước gừng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ xưa, gà Đông Tảo ở Hưng Yên được coi là giống gà quý hiếm, được dùng làm đồ cúng tiến cho vua chúa. Đặc biệt, giống gà này cũng được nhiều người săn tìm.

    (ĐSPL) - Từ xa xưa, gà Đông Tảo ở Hưng Yên được coi là giống gà quý hiếm, được dùng làm đồ cúng tiến cho vua chúa. Đặc biệt, giống gà này cũng được nhiều người săn tìm vào dịp lễ Tết. Tuy nhiên, để có được sản phẩm gà như ý, các chủ trang trại đã phải có chế độ chăm sóc đặc biệt mà ít ai ngờ được.

    Sự tích gà nghìn “đô”

    Những ngày giáp Tết, về xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngoài không khí tấp nập của các thương lái đổ về xem và lựa gà biếu Tết, mọi người còn được nghe những câu chuyện sự tích về gà tiến vua thời xưa này. Cụ Nguyễn Văn Đức - một cao niên trong làng kể rằng: “Ngày xưa, thời phong kiến Việt Nam, loạn lạc hoành hành khắp nơi. Người dân chịu cảnh đói khổ, quan lại vơ vét đủ thứ. Dân nghèo phải chịu bao nhiêu thứ thuế, đã vậy hàng năm vẫn phải dâng sản vật quý tiến vua”.

    “Ở một làng nghèo nọ, đến lượt phải tìm bằng được báu vật tiến vua nếu không cả làng sẽ phải chịu tội trước triều đình. Nhưng vì nghèo quá, cả làng tìm mãi không ra một thứ gì giá trị để mang dâng lên nhà vua mong thoát tội. Trong lúc các bô lão đang họp bàn, loay hoay nghĩ hết nước không ra... thì một chú gà to lớn, da đỏ, bệ vệ, oai phong có đôi chân to kỳ dị chưa ai từng thấy chạy qua (PV - chính là gà Đông Tảo thuần chủng ngày nay). Thế là chú gà được dân làng trịnh trọng dâng lên nhà vua, vua vui mừng bèn triệu tập tất cả các quan đại thần lại để cùng chiêm ngưỡng chú gà có một không hai này”, cụ Đức kể lại câu chuyện.

    “Thấy gà đẹp nên nhà vua ra lệnh cho quân lính canh gác cẩn thận, chờ ngày đẹp sẽ đem ra thết đãi tất cả cung nữ cùng các quan đại thần. Vừa dứt lời bỗng chú gà vùng bay ra khỏi lồng, gáy lên những tiếng to lớn như sấm nổ vang trời. Sấm chớp nổi lên, mây đen vần vũ... Các quan đại thần, cung tần mỹ nữ bỏ chạy toán loạn. Nhà vua thấy vậy sợ hãi vô cùng, mặt cắt không còn giọt máu, quỳ sụp xuống lạy lục van xin tha cho tội lỗi bấy lâu nay vì ham lợi riêng. “Gà thần” không đợi vua nói thêm liền vỗ cánh bay đi. Trước khi bay về trời, “gà thần” còn để lại cho dân làng một quả trứng. Dân làng đem trứng về trông nom cẩn trọng, đúng 100 ngày sau trứng nở ra một chú gà tuyệt đẹp, càng lớn chú gà càng mang tướng mạo oai vệ của “gà thần”. Người ta truyền tai nhau câu chuyện về chú gà nọ và lấy tên làng là Đông Tảo đặt cho giống gà này”, cụ Đức hồ hởi kể lại.

    Để “đúc” được ra những con gà “khủng” phải có bí kíp riêng của từng chủ trại.

    Tuy nhiên, cụ Đức và người dân cũng cho rằng, những câu chuyện sự tích về gà Đông Tảo được mọi người truyền miệng nhau là nhằm làm tăng giá trị của giống gà này. Những nét văn hóa đó cũng để người dân gìn giữ và phát triển tốt hơn về một giống vật nuôi mang giá trị kinh tế cao của địa phương.

    Độc chiêu “luyện” gà nghìn “đô”

    Trò chuyện với anh Vũ Văn Đức, chủ trang trại gà ở thôn Tân Tiến (xã Đông Tảo), anh chia sẻ: “Để nuôi được gà Đông Tảo thuần chủng không phải dễ. Phải theo dõi thời tiết thường xuyên, nếu dự báo thời tiết thay đổi, lạnh, trước đó 3 ngày phải cho gà uống thuốc. Khi trời lạnh phải cho gà vào chuồng buông hết bạt xuống và thắp bóng sưởi. Đặc biệt, đối với những con gà già càng phải chú ý hơn vì sức đề kháng của chúng không bằng những con gà nhỡ. Sàn phải bắc cao cách mặt đất từ 30 -40cm để chống phong hàn. Buổi sáng trời hửng nắng phải cho gà ra ngoài vườn, như vậy gà mới khỏe và mã mới đẹp. Nói chung để nuôi được gà Đông Tảo, phải là người cực kỳ kiên nhẫn và tỉ mỉ mới có thể nuôi thành công. Giống gà này độ phát triển rất chậm, để có thể nuôi được một đàn gà ưng ý và xuất ra ngoài thị trường được phải mất khoảng 2 năm”.

    Để cho gà Đông Tảo có được một đôi chân đẹp thì hàng tháng phải rửa chân cho gà bằng nước gừng.

    Theo anh Đức, ngoài việc phải chăm đúng kỹ thuật, yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, mẫu mã của gà chính là thức ăn. Không được cho gà ăn cám tăng trọng, phải nuôi hoàn toàn bằng thóc, ngô và rau xanh. Để cho gà Đông Tảo có được một đôi chân đẹp, hàng tháng phải rửa chân cho gà bằng nước gừng. Như vậy chân của gà sẽ đỏ và đẹp hơn. Cũng theo anh Đức, gà biếu thường có số lượng không nhiều. Thông thường, gà biếu được khách đặt rất sớm.

    Với những con gà có trọng lượng từ 5kg, chân to, vảy xù xì thường rất hiếm, mỗi trại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những con gà này có thể được trả giá lên tới vài chục triệu nhưng có tiền cũng chưa chắc đã mua được, bởi ra đến đâu hết đến đó. Hiện trang trại nhà anh Đức có hơn 140 con gà Đông Tảo, trong đó gà bố, mẹ có 40 mái, còn hơn 100 con là gà nhỡ và gà dự bị. Trong đàn gà của anh Đức đa số đã nặng khoảng 3,5 – 4kg, có con nặng hơn 5kg. Theo ước tính của anh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đàn gà này sẽ có thể xuất ra thị trường.

    Một con gà Đông Tảo đã được khách đặt từ tháng 10 của trang trại anh Đức.

    Giá gà năm nay theo dự tính của hội Chăn nuôi gà Đông Tảo sẽ không cao hơn so với năm ngoái là mấy. Giá gà sẽ còn tùy thuộc vào mẫu mã và cân nặng. Theo anh Đức, gà biếu năm nay nếu bắt đầu theo con giá vào khoảng 4 – 4,5 triệu đồng/con. Còn nếu bắt đổ xô sẽ rơi vào khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/con. Nhưng cũng có những con gà già giá có thể lên đến trên 10 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. Còn gà thịt, hiện tại, trung bình giá rơi vào khoảng 250.000 đồng/kg, dự tính vào dịp tết giá gà thịt có thể cao hơn.

    Anh Trưởng (một chủ trang trại gà) khác cho biết, hiện nay để mua được gà Đông Tảo thuần chủng không phải dễ, một phần vì giá cả, nhưng không dễ có gà để mua. Nếu không tinh ý, người dân có thể vừa phải chịu giá “cắt cổ” nhưng sản phẩm mua về chỉ là gà lai, thậm chí là gà của nơi khác. Gà Đông Tảo thuần chủng trưởng thành cân nặng 3,2-5,5kg/con, trong khi gà lai chỉ khoảng 2,5kg.

    [poll3]937[/poll3]

    “Dù vượt trội hơn so với các giống gà khác, nhưng gà Đông Tảo không dễ nuôi. Đặc biệt, để “đúc” được ra những con gà “khủng” phải có bí kíp riêng. Theo đó, gà bố mẹ được chọn phải là gà Đông Tảo thuần chủng, chân to, vảy xù xì, mã đẹp và có sức khỏe tốt. Thông thường, gà mái Đông Tảo 6 tháng là đẻ lứa đầu tiên, mỗi lứa thường cho từ 10 – 12 trứng. Gà con không đạt chuẩn như chân khoèo, ốm yếu... sẽ được loại bỏ từ khi mới ấp nở”, anh Trưởng cho biết.

    Anh Trưởng tiết lộ, đối với gà thịt muốn cho thịt ngon, ngọt và dai thì thức ăn chủ yếu của gà phải là thóc, ngô trộn rau đan xen từng thời kỳ. Đặc biệt, chuồng trại phải được thiết kế rộng, có khoảng không cho gà “vận động”. Riêng đối với gà cảnh biếu Tết, việc chăm sóc kỳ công hơn gấp nhiều lần.

    TS.Võ Văn Sự, chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam, thuộc hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ: “Hiện một số vật nuôi đặc sản như gà Mông, lợn ỉ, gà đen… đã được đưa vào danh sách cấm xuất khẩu, cần được bảo tồn. Còn với gà Đông Tảo vẫn chưa thật rõ ràng trong khâu quản lý. Không chỉ ở Hưng Yên mà hiện nhiều địa phương khác vẫn nuôi và buôn bán tự do. Những vật nuôi đặc sản như gà Đông Tảo đang mở ra cho người dân hướng làm giàu mới, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”.

    *Bài viết được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Nguyên Mạnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-cong-nuoi-ga-dong-tao-nghin-do-nam-lo-suoi-ngam-chan-nuoc-gung-a179287.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chọn loại nồi nào cho dịp Tết 2017?

    Chọn loại nồi nào cho dịp Tết 2017?

    Cuộc sống tất bật nên để có mâm cơm ngon và dễ dàng thực hiện, bạn nên chọn những loại nồi phù hợp với món ăn mà mình muốn làm cho cả nhà thưởng thức.