+Aa-
    Zalo

    Kỳ thi quốc gia dưới góc nhìn của một nhà giáo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vừa qua, chúng tôi nhận được một bài viết của một nhà giáo, trăn trở về kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo đó, làm thế nào để hướng đến một kì thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế để giáo viên và học sinh có cơ hội dạy thật - học thật là điều những người đứng trên bục giảng luôn quan tâm.

    (ĐSPL) - Vừa qua, chúng tôi nhận được một bài viết của một nhà giáo, trăn trở về kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo đó, làm thế nào để hướng đến một kì thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  để giáo viên và học sinh có cơ hội dạy thật - học thật là điều những người đứng trên bục giảng luôn quan tâm.
    Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận đã có một ví von rất hay : "Đổi mới thi cử tựa như đoàn tàu đông người, nhiều toa, cần có sự vào cua cho “ngọt”, để không bị sốc, không bị chệch’ .
    Còn nhớ, kì thi tốt nghiệp THPT 2014, chỉ trước ngày thi hơn một tháng, Bộ chốt đổi mới thi hai môn: Ngữ văn và Ngoại ngữ. Sự vào “cua” thiếu “ngọt” đó đã làm không ít hành khách bị sốc, bị giật.
    Có thể nói, kì thi quốc gia như một cuộc cách mệnh, một cú lột xác khỏi lớp lang cũ, để hướng đến một diện mạo mới triển vọng hơn, tươi tắn hơn. Và trong cái lộ trình dài hạn đó, thì kì thi 2015 là thử nghiệm, bước đệm cho công cuộc chinh phục đích của chuyến tàu định mệnh.
    Trong sự học, bước kiểm tra đánh giá giữ vai trò quan trọng, nó không chỉ là sự nhìn nhận lại thành quả của người học sau cả một quá trình nỗ lực phấn đấu mà còn là sự xác lập vị trí người học trong cuộc đua chinh phục tri thức. Trước hết, khẳng định con tàu giáo dục đang đi đúng hướng! Việc sát nhập hai kì thi làm một vừa giảm chi phí, vừa hướng tới cách học thật, làm thật, chất lượng thật. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người đứng lớp, người viết vẫn không khỏi trăn trở về những thách thức trước mắt.
    Và đây, là những vấn đề người viết muốn đặt ra:
    - Đề thi Bộ dự kiến được phân cấp làm bốn bậc: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Nếu dựa vào mức đánh giá này, học sinh tốt nghiệp chỉ cần đạt hai mức đầu. Trong khi đó, mục tiêu giáo dục của Unessco đặt ra rất rõ ràng :“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Nó đòi hỏi người học phải thực tế hóa tri thức sách vở. Vậy, cần phải ra đề làm sao vừa thỏa mãn mục đích đánh giá của kì thi, vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục hướng về cuộc sống con người?
    - Trước đây, đề thi của ĐH - CĐ hướng tới kiến thức toàn cấp, còn kì thi tốt nghiệp chỉ gói gọn trong chương trình 12. Vậy kì thi quốc gia, mức độ kiểm tra đánh giá nằm trong giới hạn nào của chương trình học?
    - Kì thi quốc gia sẽ có cải cách gì về khâu coi thi nhằm khắc phục triệt để hiện tượng tiêu cực trong thi cử, hướng tới một kì thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế?
    - Mức độ đánh giá ở phổ thông và ĐH - CĐ khác nhau. Vậy phải làm gì để các giám khảo chấm vừa chắc tay, vừa đều tay?
    - Đổi mới là cả một chiến dịch dài hơi, có chăng cần thiết phải áp dụng ngay những phương án 2,3 khi mà các em vẫn còn đang “ngơ ngác”, hổng rỗng kiến thức ở các cấp học trước? Đặc biệt, trước thế vận hội mới, học sinh vùng sâu vùng xa, liệu có bắt kịp những đòi hỏi của người lớn chúng ta? Kế hoạch là của người lớn, thực thi là trẻ con. Nên chăng, cần thận trọng, suy sét thấu đáo để không tồn tại những vết tích hệ lụy mà do những sai lầm của người lớn để lại?
    - Và cuối cùng, là đề án mới chỉ hướng tới học sinh tốt nghiệp 2015 trở về sau này. Vậy cơ hội, giải pháp nào cho những học sinh 2014 trở về trước ,chưa đỗ đại học những vẫn muốn tìm kiếm cơ hội lập thân bằng con đường thi đại học?
    Tất nhiên, trọng trách nào cũng đi liền với thách thức, thách thức nào cũng cần sự quyết tâm. Vì thế, đòi hỏi người chỉ huy phải có cái nhìn toàn diện, tư duy nhạy bén, hành động quyết liệt và sự đồng lòng, nỗ lực từ trên xuống của toàn bộ  máy. Một chuyến tàu đồng thuận vận hành theo một lộ trình bài bản thì lo gì việc lớn không thành!
    Chúng tôi, những giáo viên miền núi, đã từng âu lo tới mức đau đớn về chất lượng  giáo dục, giờ đây trước vận hội mới chúng tôi không khỏi băn khoăn về tương lai. Chỉ mong kì thi quốc gia chúng ta đang hướng đến là một kì thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  để cô trò chúng tôi có cơ hội dạy thật - học thật.     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-thi-quoc-gia-duoi-goc-nhin-cua-mot-nha-giao-a44000.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sẽ “xóa sổ” kỳ thi tốt nghiệp THPT

    Sẽ “xóa sổ” kỳ thi tốt nghiệp THPT

    Đó là khẳng định về lộ trình đổi mới thi cử của Bộ GDĐT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chấm dứt khi kết thúc năm học 2015-2016. thay vào đó sẽ có một kỳ thi quốc gia.