+Aa-
    Zalo

    Làng 'siêu đẻ' Tây Nguyên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cán bộ dân số xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cũng thấy đau đầu khi những đứa trẻ chỉ đến tuổi 13 đã bị giục đi lập gia đình nhanh kẻo ế.

    Cán bộ dân số xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk cũng thấy đau đầu khi những đứa trẻ chỉ đến tuổi 13 đã bị giục đi lập gia đình nhanh kẻo ế.

    Làng 'siêu đẻ' Tây Nguyên

    Làng 'siêu đẻ' Tây Nguyên

    Mẹ không nhớ nổi tên các con

    Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã không lấy làm bất ngờ khi nghe phóng viên nhắc đến cái sự “vỡ kế hoạch” của người dân trên địa bàn: “Đó là vấn đề nan giải của địa bàn. Tôi cũng vừa tiếp hai cán bộ trên huyện xuống hỏi về việc người dân đẻ nhiều. Những gia đình “siêu đẻ” ở xã Cư Pui hầu hết là người Mông ở 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê và Ea Rớt di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Mà lí do đẻ nhiều của họ chỉ đơn giản: “Trời sinh voi ắt sinh cỏ” nên thích là đẻ, đẻ cho “có nếp có tẻ”, đẻ cho vui cửa vui nhà”.

    Đúng như lời giới thiệu của ông Tâm, thôn Ea Uôl nhiều năm luôn lập “kỷ lục” về số hộ gia đình đông con nhất. Vào thời điểm nghỉ hè nên vừa tới đầu thôn, đã nghe tiếng trẻ con nô đùa inh ỏi một góc làng, đến gần thì quả thực đếm không xuể đầu trẻ. Trưởng thôn Sính Trứ Chơ nhìn lại tốc độ “nở” của thôn trong chưa đầy 10 năm mà chóng mặt. Năm 2007, thôn Ea Lang được tách thành 4 thôn là: Cư Giang, Cư Tê, Ea lang và Ea Uôl. Ban đầu, thôn Ea Lang chỉ có 170 hộ, mà đến nay tổng 4 thôn được tách ra, “quân số” lên đến hơn 2000 hộ. Riêng thôn Ea Uôl là 315 hộ, nhưng có đến 1983 khẩu và hầu hết là trẻ con. “Ở đây gia đình sinh nhiều nhất là 12 người con, còn trung bình vẫn 4 - 5 con. Đại đa số người dân làm nương rẫy, đất đai khô cằn cho nên có 130 hộ (chiếm hơn 40\%) thuộc diện hộ nghèo. Nguyên nhân nghèo khó đều do đẻ nhiều dẫn đến không đất sản xuất, không tiền trang trải cuộc sống và lao động chính chỉ trông cậy vào người đàn ông trụ cột”, trưởng thôn nói.

    Gần 11h trưa, lóc nhóc đàn con của chị Vàng Thị Mắng (SN 1979) chạy từ tứ phía về nhà. Sáu đứa bé quây tròn, chúi đầu vào nồi cơm nguội. Khuôn mặt, tay chân lấm lem đất cát nhưng chẳng thèm rửa, mỗi đứa đã vội tranh phần những miếng cơm cháy, tản ra mỗi đứa một góc sân ăn ngon lành. Là hộ nằm trong “top” giữ kỷ lục sinh nhiều con của thôn, chị Mắng vẫn cười hồn nhiên như không lấy gì làm lạ. Vợ chồng được 10 đứa con (6 trai, 4 gái), con lớn 20 tuổi đang theo bố đi làm rẫy, nhỏ nhất mới gần… 3 tháng tuổi. Khi nghe hỏi đùa “liệu chị có nhớ hết tên các con không”, chị Mắng gãi đầu nhìn các con lẩm nhẩm đọc lại tên.

    Chia sẻ về cái sự, chị Mắng “biện hộ”: “Khi sinh đến đứa thứ 7, tao đã có ý định dừng lại. Tuy nhiên tao không biết cách phòng tránh thai nên những năm sau chúng nó lại cứ mỗi năm một đứa ra đời”. Hiện, gia đình 12 miệng ăn nhưng chỉ trông cậy vào hơn sào ruộng trơ sỏi đá. “Nhiều lúc không có nổi cháo mà ăn, phải dày mặt đi vay tiền, rồi hết nước lại đi mua chịu hàng quán. Nhưng tao mới nợ chưa đến trăm nghìn mà đã lo người ta đến đòi không có tiền để trả”, chị Mắng thật thà. Hàng ngày, chị quanh quẩn trông đàn con, còn chồng đi làm thuê kiếm gạo, tối mịt mới trở về. Hỏi căn nhà chị giờ đáng giá nhất là thứ gì, chị chỉ vào chiếc nồi cơm điện. Nghèo đến mức nhà ọp ẹp phên nứa bao quanh còn thủng lỗ chỗ, nên các con chị phải nghỉ học khi chưa xong cấp 1. Ở nhà, chị thả rông đàn con, cứ đứa lớn trông đứa bé, kèm lời dặn “đi đâu thì đi, tối phải có mặt ở nhà ăn cơm”.

    Làng 'siêu đẻ' Tây Nguyên

    Không biết cách phòng tránh thai là một trong những nguyên nhân trẻ nối trẻ ra đời

    13 tuổi đã bị coi là… sắp ế

    Chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ dân số xã Cư Pui trăn trở, cũng là người trong xã nên chị nhận thấy rất rõ đẻ nhiều không chỉ làm khốn khổ người dân, mà… thiên nhiên cũng bị “vạ lây” biến chuyển. “Trước kia nơi đây đồi núi một màu xanh bạt ngàn, nhưng bây giờ đã hóa thành đất trống đồi trọc, trơ sỏi đá. Chính vì đẻ nhiều không đất ở và canh tác nên họ đi phá rừng. Cuộc sống của họ sẽ như thế nào khi rừng không còn?”, chỉ tay về phía ngọn đồi đang bị đốt cháy, chị Ly nói.

    Trường tiểu học trong xã rất đông học sinh, nhưng trường cấp hai thì rất ít. “Do sinh nhiều, không có tiền ăn, các gia đình chỉ cho con học hết cấp 1 rồi nghỉ. Ở nhà, con trai theo bố đi làm thuê, làm rẫy kiếm tiền đong gạo. Còn con gái 13 – 14 tuổi là phải lo lấy chồng nhanh, không là ế. Cũng bởi thế mà tỉ lệ tảo hôn của xã luôn ở mức cao và khó có con số chính xác. Vì theo tục bắt vợ của người Mông, chỉ khi họ sinh con, mới biết được cặp đôi ấy… lấy nhau”, chị Ly chia sẻ. Số liệu thống kê “bề nổi”, năm 2013 cả xã có 17 trường hợp tảo hôn; riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã có 8 trường hợp. Ngồi bên, vị trưởng thôn tỏ ra bẽn lẽn khi nhắc đến nạn tảo hôn, vì cách đây 3 năm, chính con gái đầu của anh cũng lấy chồng khi mới 13 tuổi. Hiện mới 34 tuổi, anh đã lên chức… ông ngoại.

    Số cán bộ và cộng tác viên dân số ở đây cũng thuộc dạng kỷ lục nhiều. Chị Ly cho biết, hiện chị đang quản lí tới 25 cộng tác viên. Tại mỗi thôn đều duy trì 1 - 2 cộng tác viên, riêng thôn Ea Uôl lại là trường hợp “cá biệt” nên cần đến 3 người. Nhiệm vụ của các cộng tác viên là đến từng nhà tuyên truyền không sinh nhiều con, không phá rừng, cho lũ nhỏ được đến trường mở mang tri thức. Hàng tháng cộng tác viên sẽ làm báo cáo gửi lên xã về tình hình sinh, tử, kết hôn, tảo hôn, người nhập cư, di cư… trên địa bàn mình quản lí. Tuy nhiên, các cán bộ vượt qua những khó khăn về đường xá, nhưng khó vượt qua sự “bảo thủ” tư tưởng của người dân. Dù đã đến tận nhà vận động tham gia các buổi họp để tuyên truyền hình thức phòng tránh thai, nhưng người dân không ra đông đủ, nhất là những hộ đông con. Minh chứng như kỷ niệm một lần đi vào thôn Ea Bar, phải mất nửa ngày, chị Ly mới đến được một căn chòi nằm giữa những quả đồi trọc lóc. “Trong hộ dân này, do người vợ sinh toàn con gái nên chồng bắt sinh bao giờ được con trai thì mới thôi. Khi vào tuyên truyền thì họ cố tình lánh mặt. Đợi đến khi gặp được thì ông chồng trả lời thản nhiên: “Sẽ đẻ đến khi hết trứng thì thôi””, vị cán bộ dân số lắc đầu.

    Theo số liệu thống kê của ban dân số xã, năm 2013 số trẻ sinh ra là 286 cháu. Nhờ công tác tuyên truyền tích cực, nên tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có tín hiệu giảm với 106 cháu. Tuy nhiên các cán bộ dân số vẫn chưa hết lo lắng: “Phải làm sao để thay đổi quan niệm lạc hậu của người Mông: Không có con trai, người phụ nữ sẽ khó sống và có tội với gia đình chồng”.

    Chị Sùng Thị Dính (SN 1972) đưa cuốn sổ hộ nghèo ra than thở, gia đình đã hơn chục năm thuộc diện hộ nghèo chưa thể thoát ra. Do chồng thích có nhiều con cho “vui cửa vui nhà” nên đến nay chị đã có 10 đứa con (6 trai, 4 gái). Cả nhà 12 cái “tàu há mồm” chỉ trông cậy vào mình chồng đi làm thuê. Khi được hỏi “chị có định sinh tiếp không?”, chị lắc đầu, xua tay cười khà khà: “Không dám nữa đâu, sợ lắm rồi, khổ lắm rồi”. Chợt chị trầm ngâm, buột miệng ước mơ không xa hơn ngọn đồi trước nhà: “Nay chỉ cần có đủ cơm cho con ăn no bụng thôi”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-sieu-de-tay-nguyen-a35798.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan