+Aa-
    Zalo

    Lũ rút, người dân Hội An tất bật tổng vệ sinh, đón khách du lịch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lũ rút, người dân TP Hội An (Quảng Nam) đã mang chậu ra quét dọn bùn non, rác thải ứ đọng trên các tuyến phố.

    (ĐSPL) - Lũ rút, người dân TP Hội An (Quảng Nam) đã mang chậu ra quét dọn bùn non, rác thải ứ đọng trên các tuyến phố.

    Sau khi lũ rút, chính quyền TP Hội An (Quảng Nam) đã có chỉ đạo và đôn đốc Công ty Cổ phần công trình công cộng nhanh chóng phối hợp cùng bà con địa phương dọn dẹp vệ sinh sau lũ.

    Theo báo Tuổi trẻ, đến chiều 19/12, các con đường chính trong phố cổ như: Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… đã không còn chịu cảnh nước lũ ngập úng.

    Tuyến đường Bạch Đằng chạy dọc ven sông Hoài cũng không còn cảnh mênh mông biển nước như 5 ngày vừa qua. Mực nước đến thời điểm hiện tại chỉ còn mấp mé bờ kè.

    Từng tốp công nhân hì hục kéo bùn non. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, đến cuối chiều 19/12, chỉ còn khối Đồng Hiệp và An Hội (hai khu vực bị ngập sâu trong cơn lũ) nằm phía bên kia cầu An Hội vẫn còn ngập ngụa bùn đất.

    Gần 200 công nhân của Công ty Cổ phần công trình công cộng Hội An đã được huy động, khẩn trương khắc phục tại 2 địa điểm trên. 

    TP Hội An lại đón nhiều lượt khách du lịch. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, gần một tuần trước, TP Hội An ngập sâu vì lũ, hoạt động kinh doanh buôn bán ngưng trệ.

    Ven sông Hoài có điểm ngập trên 2m. Chính quyền TP đã cắm biển cấm chở khách du lịch đi tham quan. Công an cũng túc trực ngăn chặn việc dân chở khách nước ngoài đi dạo trên ghe, thuyền trong nước lũ.

    Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bất chấp lệnh cấm để chở khách nước ngoài đi dạo. Du khách được yêu cầu mặc áo phao để đảm bảo an toàn.

    Trung bình mỗi chuyến chở khách, người dân thu 200.000 đồng cho khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút. Mỗi thuyền có thể chở trên 10 lượt khách/ngày.

    Sáng 17/12, nước cơ bản đã rút gần hết nhưng trên một số tuyến đường ở nội đô ùn ứ lớp bùn non, gây trơn trượt. Một số người mang vòi nước nhà mình ra phun để làm sạch đường phố.

    Sáng 17/12, thời tiết nắng ấm dần trên phố cổ Hội An. Người dân địa phương tranh thủ dọn dẹp trước cửa nhà và ngoài phố. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Trao đổi trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Phó Trưởng ban PCTT&TKCN TP Hội An cho biết, thông thường, sau 23/10, lũ ở Quảng Nam sẽ kết thúc nhưng năm nay, vào tháng 11, 12, lũ vẫn diễn ra bất thường.

    “Đây là cơn lũ trái mùa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ làm nông nghiệp. Lũ về khi người dân đã xuống giống. Đến nay, khoảng hơn 40ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại”, ông Hùng nói.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.


    (Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lu-rut-nguoi-dan-hoi-an-tat-bat-tong-ve-sinh-don-khach-du-lich-a174869.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan