+Aa-
    Zalo

    Mẹ tự tử ép con cùng chết: Đau đớn nhất là vì trẻ con vô tội!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trong trường hợp trẻ con bị ép chết cùng mẹ, thì đứa trẻ không có đủ khả năng tự vệ, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ và đau đớn nhất là vì trẻ con vô tội!

    (ĐSPL) – Trong trường hợp trẻ con bị ép chết cùng mẹ, thì đứa trẻ không có đủ khả năng tự vệ, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ và đau đớn nhất là vì trẻ con vô tội!
    Đó là chia sẻ của GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Trưởng bộ môn Công tác xã hội của trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) trước việc liên tiếp xảy ra các vụ việc mẹ tự tử ép con cùng chết thời gian gần đây.
    “Nạn tự tử” là biểu hiện của một xã hội loạn kỷ cương
    Những người phụ nữ mang trong mình thiên chức làm mẹ vì một lý do gì đó mà cảm thấy bế tắc, không tìm ra lối thoát cho mình thì thường nghĩ đến cái chết. Và khi nghĩ đến cái chết, thì điều đầu tiên họ nghĩ tới lại là đứa con ruột thịt của mình. Trong trường hợp này, họ tỏ ra lo sợ khi mình chết đi, đứa con sẽ khổ vì mất mẹ, sẽ không được sống một cuộc sống hạnh phúc, không có ai nuôi dạy nên người, và cũng có thể, nó sẽ phải chịu đau đớn và hành hạ nếu phải sống với dì ghẻ…
    Vì vậy, khi họ chết thường kéo theo đứa con chết cùng bằng nhiều hình thức khác nhau, dù cho đứa trẻ mới được vài tháng tuổi hay đã lớn và nhận thức được mọi việc. Đây quả thực là một thực trạng xã hội rất đau lòng.
    Mẹ tự tử ép con cùng chết: Đau đớn nhất là vì trẻ con vô tội!

    GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Trưởng bộ môn Công tác xã hội của trường ĐH Thăng Long (Hà Nội).

    Nhận định về thực trạng này, chuyên gia xã hội học, GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Trưởng bộ môn Công tác xã hội của trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) cho rằng, có thể nói, trong xã hội ngày nay đang hiện hữu một thực tế gọi là “nạn tự tử”, bởi ngay cả có những thứ không có gì to tát, lớn lao cũng khiến cho người ta tìm đến cái chết để giải quyết.
    “Nhà xã hội học người Pháp nổi tiếng David E’mile Durkheim trước đây có xuất bản tác phẩm rất hay là “Nạn tự tử”, trong đó có một câu rất nổi tiếng là “Nạn mại dâm cũng như nạn tự tử là biểu hiện của một xã hội loạn kỷ cương”. Tôi cho rằng, nạn tự tử có nghĩa là sự không hòa nhập của cá nhân nào đó với xã hội xung quanh. Tự tử cũng chính là một sự sai lệch chuẩn mực xã hội, vì con người chỉ sống một lần, mạng sống rất là quý mà khi người ta đã tự hủy hoại bản thân mình đi rồi, thì điều đó chứng tỏ bi kịch nó quá lớn” – GS.TS Lê Thị Quý chia sẻ.
    Nói về nguyên nhân của thực trạng đau lòng này, chuyên gia xã hội học Lê Thị Quý cho rằng, điều đầu tiên là do việc khủng hoảng về tâm lý, tinh thần ở một số người, trong khi đó ở nước ta lại không có nhiều cơ sở tư vấn về tâm lý kịp thời giải tỏa những bế tắc cho họ.
    Những người phụ nữ tự tử gần đây hầu hết đều có lý do về gia đình hoặc tình yêu. G.TS Lê Thị Quý cho rằng, nhiều người hiện nay rất dễ khủng hoảng tâm lý và khủng hoảng niềm tin, đến nỗi nhiều trường hợp không có chuyện gì lớn cũng đi đến tự tử. Trong các nghiên cứu của mình, GS Quý cũng chỉ ra rằng, mâu thuẫn gia đình là điều rất bình thường, bởi gia đình không chỉ là ”tổ ấm”, mà còn là nơi hội tụ mâu thuẫn và đấu tranh. Vậy nên nếu hiểu được điều này thì chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với khó khăn.
    Mẹ ép con cùng chết, đáng trách nhiều hơn đáng thương
    Về những người phụ nữ tự tử thường kéo theo con chết cùng, thì theo bà Quý, đó là những người phụ nữ vừa mạnh mẽ vừa yết ớt, vừa dũng cảm vừa hèn nhát. Dũng cảm vì người ta có thể chọn cái chết, nhưng hèn nhát là khi người ta dùng cái chết để trốn tránh những bế tắc trong cuộc sống của mình.
    Đặc biệt, những người phụ nữ này khi chết thường ép con của mình cùng chết, một phần lý do là vì người phụ nữ muốn trả thù người khiến cho họ phải tìm đến cái chết (thường là chồng và gia đình của chồng), bởi một khi đứa bé chết sẽ làm những người này phải đau khổ, day dứt và ân hận suốt đời.
    Với những trường hợp này, nhiều người lên tiếng phản đối hành động của người mẹ, vì cho rằng như thế là người mẹ ích kỷ, độc ác, nhẫn tâm cướp đi tương lai của con mình. Nhưng bên cạnh đó, lại có những ý kiến tỏ về cảm thông, chia sẻ, vì cho rằng chắc chắn phải trong tâm trạng ức chế, phẫn uất lắm thì người mẹ mới nghĩ đến điều dại dột ấy... GS.TS Lê Thị Quý thẳng thắn bày tỏ rằng, bà không bao giờ đồng tình với những hành vi tiêu cực như trên.
    “Theo tôi, nếu thông cảm thì chỉ có thể thông cảm 1 phần rất nhỏ là do quẫn quá nên người mẹ làm liều, còn không ai có thể đồng tình với hành vi ép con cùng chết, không lời nào có thể biện minh cho hành động này. Bởi nếu nghĩ cho con thì không nên tự tử, mà phải sống và chiến đấu đến cùng vì con” – bà Quý khẳng định.
    Mẹ tự tử ép con cùng chết: Đau đớn nhất là vì trẻ con vô tội!

    Bà Quý cho biết, bà vẫn bị ám ảnh khi chứng kiến vụ hai mẹ con rơi từ tầng 11 xuống đất.

    Khi nói về hậu quả của những sự việc đau lòng trên đối với xã hội, nhà nghiên cứu xã hội học Lê Thị Quý còn thẫn thờ ngồi nhớ lại khoảnh khắc gần đây nhất, khi bà cùng chồng đi đến tòa nhà chung cư Mipec (Đống Đa – Hà Nội), thời điểm đó cũng đúng lúc hai mẹ con cậu bé gần 2 tuổi nhảy từ tầng 11 xuống, dù đã mấy ngày trôi qua nhưng bà cho biết, bà vẫn bị ám ảnh bởi điều đó.
    “Là một nhà nghiên cứu lâu năm, tôi không còn lạ gì những việc như thế, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì tôi thấy sốc vô cùng. Hình ảnh người mẹ bị biến dạng nằm trên vũng máu, hình ảnh cậu bé chưa đầy 2 tuổi cũng nằm bất động cách mẹ không xa… những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi suốt. Từ hôm ấy về đến nay, tôi vẫn chưa lấy lại được tinh thần” – bà Quý tâm sự.
    Qua đây có thể thấy, những trường hợp mẹ kéo theo con cùng chết thường gây sốc cho xã hội. Đặc biệt đau đớn khi những đứa con phải chết cùng mẹ, bởi đứa bé  vốn không có khả năng tự vệ, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ và đau đớn nhất là đứa bé vô tội, nó không phải chịu trách nhiệm về chuyện của người lớn.
    Chia sẻ về các giải pháp để có thể hạn chế thấp nhất những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, mỗi người nên chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt tập thể, trò chuyện với bạn bè… Vì môi trường sống của con người rất quan trọng, nó làm cho con người sống lành mạnh tránh bị khuyết tật về tinh thần. "Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý khi bị trầm cảm, khủng hoảng, giảm thiểu tối đa nạn tự tử", bà Quý nói.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-tu-tu-ep-con-cung-chet-dau-don-nhat-la-vi-tre-con-vo-toi-a30950.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan