+Aa-
    Zalo

    Nga phát triển vũ khí bí ẩn dựa trên nguyên tắc vật lý mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quân đội Nga đang thử nghiệm một loại vũ khí bí mật dựa trên nguyên tắc vật lý mới và chưa từng được sử dụng trong bất cứ mục đích quân sự nào trước đây.

    Quân đội Nga đang thử nghiệm một loại vũ khí bí mật dựa trên nguyên tắc vật lý mới và chưa từng được sử dụng trong bất cứ mục đích quân sự nào trước đây.

    Ngày nay, để tăng cường tiềm lực quân sự, các quốc gia hàng đầu của thế giới đang tích cực sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để phát triển vũ khí. Các thành tựu mới của khoa học như laser, siêu thanh, kỹ thuật robot không ngừng được nghiên cứu để đưa vào trong thiết kế và chế tạo các hệ thống vũ khí tiên tiến. Hiện tại, ở Nga công tác nghiên cứu chế tạo này đang được tiến hành một cách nhanh chóng.

    Nga phát triển vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới (ONFP) - Ảnh: Militaryarms.ru

    Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng, nước này luôn tuân thủ những nguyên tắc, nghĩa vụ quốc tế liên quan tới việc thiết kế và xây dựng hệ thống vũ khí tiên tiến. Tuy nhiên, đáng tiếc là một số quốc gia gần như bỏ qua những nguyên tắc đã đạt được, nhằm giành lợi thế đơn phương và những nỗ lực thay đổi, phá vỡ nguyên tắc được Nga coi là điều cực kỳ nguy hiểm.

    Do đó, Nga sẽ tiếp tục thực hiện tất cả những gì cần thiết để đảm bảo sự cân bằng chiến lược về vũ trang. Một trong những mục tiêu đặt ra cho Quân đội Nga là phải ưu tiên nghiên cứu và chế tạo cho được các loại vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới.

    Hiện nay, thuật ngữ Vũ khí dựa trên Nguyên tắc vật lý mới (ONFP) đang được sử dụng chủ yếu ở Nga. Bộ Quốc phòng Nga xác định vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới là các loại vũ khí với cơ sở chế tạo dựa trên các quá trình, và hiện tượng vật lý trước đây không được sử dụng trong vũ khí thông thường (vũ khí lạnh, súng đạn) hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt.

    Ảnh: Rg.ru

    Các loại vũ khí sử dụng nguyên tắc vật lý mới bao gồm: Vũ khí năng lượng định hướng như vũ khí siêu âm, vũ khí laser và vũ khí siêu cao tần; vũ khí điện từ; vũ khí xung vô tuyến; vũ khí địa vật lý bao gồm vũ khí khí hậu, ozon, môi trường và địa chấn; vũ khí di truyền; vũ khí phi sát thương. Do vậy, pháo ray điện từ và vũ khí sử dụng xung vô tuyến tần số siêu cao UHF mà đang thử nghiệm chính là hai trong những loại vũ khí sử dụng nguyên tắc vật lý mới mà Nga đang phát triển.

    Ngày 18/10 vừa qua, Tướng Oleg Kislov, Chỉ huy bãi thử tên lửa Kapustin Yar tuyên bố Quân đội Nga đang thử nghiệm một loại vũ khí chưa từng được sử dụng trước đây, áp dụng những nguyên tắc vật lý hoàn toàn mới tại bãi thử này. Tuy nhiên, ông Kislov không tiết lộ chi tiết loại vũ khí mới. Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận thông tin này và khẳng định đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện loại vũ khí trên. Như vậy, vũ khí hủy diệt bí ẩn dựa trên nguyên tắc vật lý mới chưa từng có mà báo giới đề cập thời gian qua chỉ có thể là pháo ray điện từ hoặc vũ khí sử dụng xung vô tuyến tần số siêu cao UHF.

    Vũ khí sử dụng xung vô tuyến tần số siêu cao UHF: Tháng 9/2017, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến điện tử Nga (KRET), ông Vladimir Mikheev tiết lộ, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang chế tạo mẫu vũ khí sử dụng xung vô tuyến tần số siêu cao UHF dựa trên các nguyên tắc vật lý mới hay còn gọi là Alabuga. Loại vũ khí này có thể gây ra các hiệu ứng vật lý trong các trang thiết bị điện từ trên các máy bay, UAV, vũ khí có độ chính xác cao và vô hiệu hóa tất cả các thiết bị điện tử của đối phương trong bán kính 3,5 km mà không cần sử dụng các loại vũ khí truyền thống như các loại đầu đạn khác nhau.

    Ông Mikheev cho biết, Alabuga đại diện cho một loạt các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển vũ khí vô tuyến điện từ trong tương lai. Vũ khí này có thể mang lại nhiều hiệu quả khác nhau, từ gây nhiễu thông thường, tạm thời làm tê liệt hệ thống vũ khí của đối phương, cho tới phá hủy hoàn toàn các thiết bị điện tử, bo mạch chủ, vi mạch và một số hệ thống khác của chúng. Ông Vladimir Mikheev nói thêm rằng: "Tất cả các kết quả nghiên cứu đều được giữ bí mật tuyệt đối và đối tượng thí nghiệm của vũ khí sử dụng xung tần số UHF được xếp vào bí mật hàng đầu. Tôi chỉ có thể tiết lộ rằng chúng tôi đang áp dụng mọi tri thức hiện có vào việc phát triển đạn pháo, bom và tên mang theo ngòi nổ điện từ. Tất cả các cường quốc hàng đầu thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, cũng đang nghiên cứu về lĩnh vực này".

    Trong dự án Alabua, các xung bức xạ phát ra cũng tương tự như các bức xạ trong vụ nổ hạt nhân, chỉ khác là chúng không có thành phần phóng xạ. Trong tương lai Bộ Quốc phòng Nga có thể sẽ tiếp nhận vào biên chế và sử dụng để vô hiệu hóa các máy bay không người lái hoặc các tên lửa hành trình có độ chính xác cao của đối phương.

    Pháo ray điện từ: Hồi tháng 12/2016, Viện nghiên cứu nhiệt độ cao thuộc Viện Hàn lâm khoa học ở Shatura của Nga đã thử thành công pháo ray điện từ cho tiêm kích thế hệ 6. Theo Giám đốc Viện nghiên cứu nhiệt độ cao, ông Alexey Shurupov, để đảm bảo tiến độ phát triển một số công nghệ chuyên biệt cho máy bay thế hệ thứ 6, trong đó có pháo ray điện từ đã bắt đầu được thử nghiệm thành công. Với vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới này, máy bay thế hệ 6 của Nga có thể tấn công các mục tiêu trên 10 km bằng năng lượng cao.

    Pháo ray điện từ - Ảnh: Rg.ru

    Ông Alexey Shurupov nói: "Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đã thử pháo ray điện từ bắn viên đạn nặng chỉ vài chục gram bay với tốc độ đến 6,25 km/s (22.500 km/h), tốc độ này rất gần tốc độ vũ trụ cấp 1". Với tốc độ kinh hoàng của viên đạn do phòng thí nghiệm nói trên ở Nga thực hiện, không lớp bảo vệ nào của các thiết bị quân sự hiện tại có thể chống đỡ nổi, từ tàu chiến, xe tăng, máy bay. Và nó được cho rằng bay nhanh gấp 3 lần tốc độ pháo điện từ Mỹ trong thử nghiệm (7.200 km/h).

    Theo nhận định của những chuyên gia hàng đầu về quốc phòng, thành công với vũ khí điện từ có thể làm thay đổi bản chất các cuộc chiến trong tương lai. Bởi so với tên lửa, pháo ray điện từ có nhiều lợi thế về chi phí sử dụng rẻ, bảo quản dễ dàng và hiệu năng chiến đấu cao. Với khả năng bay thuần quán tính, tốc độ siêu thanh, đầu đạn tấn công có phản xạ tiết diện nhỏ nên việc ngăn chặn hoặc gây nhiễu chúng gần như là không thể.

    NGÂN NHI (Theo 360tv.ru/rg.ru)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-phat-trien-vu-khi-bi-an-dua-tren-nguyen-tac-vat-ly-moi-a206327.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan