+Aa-
    Zalo

    Nghề bác sĩ: Lặng lẽ giấu tiếng thở dài

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Làm bác sĩ nghĩa là gắn với sứ mệnh cứu người và để hoàn thành sứ mệnh ấy là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, là phải quen với những áp lực, khắc nghiệt của nghề,..

    Làm bác sĩ nghĩa là gắn với sứ mệnh cứu người và để hoàn thành sứ mệnh ấy là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, là phải quen với những áp lực, khắc nghiệt của nghề, là giây phút phải lặng lẽ giấu đi tiếng thở dài khi chứng kiến bệnh nhân lìa đời...

    Phải có thần kinh thép

    Bác sĩ Dương Minh Tuấn (phòng Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM) cho biết, trung bình một ngày, một bác sĩ phải thăm khám cho hơn 100 người bệnh. Đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ và căng thẳng, chịu trách nhiệm sinh-tử của bệnh nhân, các y, bác sĩ luôn phải chiến đấu với chính bản thân mình để có thể đứng vững.

    “Là bác sĩ phải quen với sự rèn luyện khắt khe, quen với những áp lực vô hình đè nặng lên từ rất nhiều phía, quen với những đêm thức trắng theo dõi bệnh nhân, những ngày bóp bụng chờ lương về để rồi lại thở dài suy nghĩ xem chi tiêu thế nào cho hợp lý. Những dịp lễ, Tết không thể về nhà hay ăn trọn vẹn cùng người thân một bữa cơm chỉ vì bận trực. Những nỗ lực cứu sống và chữa khỏi cho bệnh nhân thường được nhìn nhận như một trách nhiệm. Nhưng dù đã làm đúng chuyên môn, hết sức mình mà vẫn không cứu được bệnh nhân thì khi đó người nhà bệnh nhân vẫn lên tiếng đổ hết lỗi lầm lên bác sĩ. Rồi phải giấu đi tiếng thở dài chứng kiến bệnh nhân rời xa thế giới này mà bản thân không thể làm gì hơn...”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

    Bác sĩ Dương Minh Tuấn cho hay, nghề bác sĩ cũng nhiều áp lực.

    Chàng bác sĩ trẻ cũng cho biết, anh còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức thành công cho một bệnh nhân 18 tuổi bị ngừng tim sau tai nạn sét đánh. Khi đó, cảm giác cứu sống một ai đó thật kỳ diệu, khiến tôi thấy rất vui. “Nhưng ranh giới giữa sự sống và cái chết chẳng phải quá mong manh đó sao? Hơn một tháng trực tiếp điều trị cho cậu bé, những tín hiệu tích cực khiến tôi nghĩ bệnh nhân có hy vọng sống. Vậy nhưng, sự tích cực vụt lên rồi lại tắt ngay, để rồi cuối cùng chính tôi lại ép tim ngoài lồng ngực cho cậu bé ấy, nước mắt chảy lúc nào không hay. Bác sĩ như chúng tôi cũng là con người cả thôi, có tài giỏi thế nào cũng chỉ chữa được bệnh, chứ đâu có chữa được mệnh người? Nhưng tôi chọn giữ lại những cảm xúc tích cực và tiếp tục con đường quá đỗi gian nan”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

    Bác sĩ Ngô Khắc Huy, công tác tại một bệnh viện tại Bắc Ninh cũng cho biết, quyết định theo nghề bác sĩ là phải xác định ngay từ đầu rằng, nghề này không phải nghề nhàn nhã. Hiếm có một ngành nghề nào lại khắc nghiệt về giờ làm việc như nghề y. Thông thường một thầy thuốc sau ca trực 24 giờ - tương đương 3 ngày làm việc 8 tiếng, sẽ được nghỉ bù vào ngày hôm sau, nhưng điều trị cho người bệnh là quá trình liên tục nên đa số bác sĩ trong ngày nghỉ bù sẽ ở lại khám, cho thuốc các bệnh nhân của mình xong mới về. Trong các dịp nghỉ lễ, Tết hầu hết các ngành nghề khác được nghỉ thì nhân viên y tế phải tăng cường trực, vì thế các cơ hội đoàn tụ gia đình, đi du lịch xa là điều xa xỉ với nhiều bác sĩ.

    Bác sĩ làm việc ở phòng cấp cứu áp lực lại càng nhiều. Bệnh nhân của họ là những người bệnh lâm nguy, các chỉ số sự sống thay đổi liên tục... Vì vậy họ phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo để phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng- nhẹ, từ đó xác định trường hợp nào cần ưu tiên. Bởi trong cấp cứu, ranh giới sinh - tử đôi khi chỉ được tính bằng phút, bằng giây. Bác sĩ phòng cấp cứu cũng cần có sự nhẫn nại, khéo léo để xử lý những tình huống người nhà bệnh nhân vì quá nôn nóng, tâm trạng không tốt nên có phản ứng gây náo loạn, đe dọa bác sĩ để bệnh nhân được khám trước, được chiếu chụp, siêu âm ngay hay phải xử trí tức thời, trong khi có rất nhiều bệnh nhân khác đến trước hoặc nặng hơn và đáng được ưu tiên cấp cứu hơn. “Đó là lý do mà mọi người thường nói rằng làm bác sĩ cấp cứu phải có “thần kinh thép””, bác sĩ Huy nói.

    Gian nan tìm người yêu

    Bác sĩ Dương Minh Tuấn chia sẻ, thi thoảng đọc được bức xúc của người dân về một số y bác sĩ, rồi những tiêu cực trong ngành y, anh cảm thấy buồn. Nhưng bên cạnh đó, anh Tuấn biết và đã chứng kiến những con người dám đánh đổi cả thăng tiến của bản thân chỉ để bám trụ lại và âm thầm cứu giúp những người bệnh khốn khổ bằng cái tâm thật sự, chứ chẳng màng gì tiền bạc hay cuộc sống bản thân. Vẫn còn nhiều nhiều lắm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế bằng cách này hay cách khác, vẫn ngày đêm hy sinh cuộc sống của chính bản thân mình vì tình yêu nghề, vì khát khao cống hiến cho sự nghiệp cứu người.

    Vì đặc thù công việc, điều kiện làm việc đóng kín trong bệnh viện nên cả hai bác sĩ trẻ Tuấn và Huy đều chưa có người yêu (Ảnh: NVCC).

    “Khi còn đi học, sinh viên ngành y không có ngày nghỉ. Lịch học kín từ thứ Hai đến thứ Bảy. Chủ nhật phải thi và kiểm tra. Khi đi làm, ở bệnh viện 24/24h là chuyện bình thường. Vất vả, nhiều áp lực nhưng cho tới giờ phút này, tôi vẫn rất đam mê với nghề. Tình yêu với nghề giúp tôi vượt qua được tất cả khó khăn, coi đó là một phần tất yếu của công việc”, bác sĩ Tuấn bộc bạch.

    Vì đặc thù công việc, điều kiện làm việc đóng kín trong bệnh viện nên cả hai bác sĩ trẻ Tuấn và Huy đều chưa có người yêu. Bác sĩ Tuấn cho biết, hồi mới vào TP.HCM, anh hẹn hò một vài lần nhưng đều không thành. Chủ yếu do bạn gái chia tay vì anh dành quá ít thời gian cho người yêu. Suốt ngày lấy lý do bận trực ở viện, ngày anh được nghỉ thì bạn gái đi làm, ngày bạn nghỉ thì anh đi trực hoặc thi thoảng huỷ hẹn sát giờ chỉ vì phải đi khám gấp. Anh chỉ biết xin lỗi sau mỗi lần như vậy.

    "Ai khi yêu cũng cần được quan tâm chăm sóc, tôi không thể dành cho họ được những điều ấy như họ mong đợi, cũng không thể ích kỷ yêu cầu họ phải hiểu cho mấy lý do công việc rồi tính đãng trí của tôi, nên bị đá cũng là chuyện đương nhiên", bác sĩ Tuấn trải lòng.

    Với bác sĩ Huy, anh cũng đã từng có một mối tình hồi học đại học, nhưng sau khi ra trường, người yêu anh về quê làm việc tại bệnh viện huyện, còn anh cũng vào làm tại bệnh viện tư nhân ở quê mình. Khoảng cách về không gian, rồi đặc thù công việc khiến anh và người yêu dần xa nhau. Đến giờ, anh chưa có nhiều thời gian để sẵn sàng cho mối quan hệ mới.

    “Để duy trì và phát triển một mối quan hệ, cần có sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Tôi tin, người phụ nữ của tôi đang đứng đâu đó đợi tôi. Người sẵn sàng chờ tôi ở nhà với một bữa cơm, một người khiến tôi thấy bình yên mà quên hết mệt mỏi, một người có thể nhẹ nhàng giúp tôi trút hết âu lo mang theo mỗi ngày và một người luôn ôm chặt tôi mỗi khi tôi giật mình trong đêm khi tưởng có điện thoại hay tiếng còi cấp cứu”, anh Huy chia sẻ.

    Theo hai bác sĩ trẻ, ngành nghề nào cũng có những khó khăn và vất vả riêng. Quan trọng là chúng ta đã lựa chọn con đường cho mình, thì dù có thế nào cũng phải làm cho thật tốt công việc của mình.

    AN YẾN

    Bài đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-bac-si-lang-le-giau-tieng-tho-dai-a196160.html
    Bác sĩ bị tấn công khâu 5 mũi

    Bác sĩ bị tấn công khâu 5 mũi

    Sáng 12/7, bác sĩ Long, BV đa khoa huyện Việt Yên, Bắc Giang bị 1 đối tượng dùng máy đo huyết áp đánh vào đầu, chảy máu phải khâu 5 mũi.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bác sĩ bị tấn công khâu 5 mũi

    Bác sĩ bị tấn công khâu 5 mũi

    Sáng 12/7, bác sĩ Long, BV đa khoa huyện Việt Yên, Bắc Giang bị 1 đối tượng dùng máy đo huyết áp đánh vào đầu, chảy máu phải khâu 5 mũi.