+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông khuyết tật đứng lên từ những bất hạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không chịu khuất phục trước số phận, Lê Bá Thành từng bước khẳng định mình ở lĩnh vực sản xuất máy hàn. Đặc biệt, anh còn tạo thêm việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn.

    (ĐSPL) - Không chịu khuất phục trước số phận, Lê Bá Thành từng bước khẳng định mình ở lĩnh vực sản xuất máy hàn. Đặc biệt, anh còn tạo thêm việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn cùng cảnh ngộ.
    Sinh ra ở miền quê nghèo ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Lê Bá Thành (SN 1978) là con trai cả trong gia đình có 3 anh em. Vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng năm Thành lên 4 tuổi, sau cơn sốt ác tính đã để lại di chứng nặng nề. Đôi chân của anh teo cơ dần dẫn đến bị liệt. Cũng từ đó, đôi bàn tay là thứ duy nhất Thành sử dụng để di chuyển. Gia đình đưa anh đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Từ đây, anh bắt đầu chấp nhận và làm quen với cuộc sống không đôi chân.
    Lớn dần lên, thấy bạn bè cùng trang lứa vui chơi, chạy nhảy và đến trường, khi đó anh ý thức được sự bất hạnh của mình. Năm 11 tuổi, Thành bị những mặc cảm về đôi chân hành hạ. Tuy nhiên, những suy nghĩ tiêu cực ấy không tồn tại được lâu.
    Vốn là một người lính từ chiến trường trở về, bố anh Thành đã giúp con trai có những suy nghĩ tích cực đầu tiên trên con đường vượt lên số phận. Đường sá khó khăn, sớm mất mẹ, bố thường xuyên vắng nhà, Thành phải ở nhà với bà nội nên anh không thể đến trường được. Cậu bé Thành cứ thế lớn lên bằng sự chỉ bảo, giảng dạy của bố. Và rồi anh cũng biết chữ, biết đọc.
    Lớn hơn chút nữa, anh bắt đầu tìm thấy sự say mê trong việc tìm tòi, tự học nghề sửa chữa điện dân dụng. 16 tuổi, Lê Bá Thành đến xin học nghề ở tiệm sửa chữa điện. 6 tháng sau, Thành được nhận vào làm thợ và trả lương. Qua rèn luyện, tay nghề của Thành ngày một nâng cao và được mọi người tin tưởng.
    Năm 1996, anh ra TP Vinh (Nghệ An), học thêm nghề ở các ốt sửa chữa điện, tham khảo thêm kiến thức trong sách vở. Đến năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và chính quyền địa phương, anh đã mở được một tiệm sửa chữa điện dân dụng nhỏ ở gần cầu Kênh Bắc. Lê Bá Thành tâm sự: “Dù công việc tương đối ổn định, nhưng tôi vẫn muốn thay đổi để ngành nghề được phát triển hơn, làm sao để vừa tăng được thu nhập, vừa tạo được thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ".
    Với quyết tâm cao, sau nhiều năm trăn trở, anh quyết định sản xuất máy hàn điện. Tại thời điểm này, máy hàn điện chưa có sẵn ở thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh mà chỉ có thể nhập từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với giá thành cao, nên Thành suy nghĩ đến việc bắt tay vào sản xuất mặt hàng này.
    Người khuyết tật đứng lên từ những bất hạnh
    Sản phẩm máy hàn tại xưởng sản xuất của anh Lê Bá Thành
    Vốn có tay nghề cao và chịu khó tìm tòi, học hỏi nên các sản phẩm Thành chế tạo đều nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Điều này càng khiến anh có quyết tâm cao hơn để chuyên tâm phát triển mạnh mặt hàng này.
    Với số tiền tích góp cộng với khoản tiền vay thêm, năm 2007, anh mở được xưởng sản xuất máy hàn Hoàng Nghĩa tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An), nay mở rộng thành Công ty TNHH máy công - nông nghiệp Thành Vinh. Để phát triển sản xuất lâu dài, anh đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị với số tiền gần 400 triệu đồng. Anh còn vào Nam ra Bắc học tập thêm về công nghệ chế tạo, sản xuất máy hàn và tự thiết kế một số mẫu mã mới. Sau 3 năm hoạt động, anh đã trả được số nợ 300 triệu vay ngân hàng trước đó. Với doanh thu hàng năm lên đến 500 triệu đồng, xưởng sản xuất của anh Thành đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 công nhân. Trong đó, phần lớn là trẻ mồ côi và người tàn tật với mức lương 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng.
    Một phần mặc cảm về bệnh tình của mình, Lê Bá Thành không dám nuôi ước mơ lớn về một mái ấm gia đình. Anh mải mê vào việc tìm tòi, chế tạo máy hàn để phát triển xưởng.
    Đến năm 2009, anh gặp và cảm mến cô nữ sinh Lê Trang Nhung (SN 1984) quê Quỳ Hợp, học  ở trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Chính sự lạc quan vượt lên số phận của anh đã làm chị Nhung rung động. Cuộc tình với chàng trai khuyết tật ấy vốn không nhận được sự đồng tình từ gia đình, nhưng bằng tình yêu, anh chị đã vượt qua tất cả để đến với nhau bằng một đám cưới giản dị diễn ra năm 2014.
    Người khuyết tật đứng lên từ những bất hạnh
    Anh Lê Bá Thành và vợ tại xường sản xuất máy hàn
    Giới thiệu cho chúng tôi về những sản phẩm máy hàn mới sản xuất, anh Thành, chị Nhung không giấu nổi niềm hạnh phúc. Anh chị đang cố gắng nhân rộng những mô hình sản xuất để phát triển mặt hàng này ở những tỉnh lân cận, góp phần nhiều hơn nữa vào viêc tạo công ăn việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn khác.
    Anh cũng là một trong 9 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2009 của tỉnh Nghệ An được Tỉnh đoàn trao tặng giải thưởng. 
    “Tàn nhưng không phế”, đó là câu nói mà anh Lê Bá Thành luôn tự nhắc mình để mỗi ngày sống trên đời là những ngày làm được điều ý nghĩa, không vì hoàn cảnh mà buông xuôi…
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-khuyet-tat-dung-len-tu-nhung-bat-hanh-a73522.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan