+Aa-
    Zalo

    "Người vác tù và hàng tổng" và kỷ niệm đưa người cấp cứu đêm 30 Tết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hơn 10 năm qua, người dân tại ngã tư Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) và những người đi đường quá quen thuộc với hình ảnh ông Nguyễn Sỹ Cường...

    (ĐSPL) - Hơn 10 năm qua, người dân tại ngã tư Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) và những người đi đường quá quen thuộc với hình ảnh ông Nguyễn Sỹ Cường (SN 1965) chuyên cấp cứu người gặp tai nạn giao thông… Trao đổi với PV, ông Cường bảo, kỷ niệm nhớ nhất của ông đó là ngày 30 Tết đưa người gặp tai nạn đi cấp cứu. Dù không ai trả công nhưng ông lại luôn coi đó là trách nhiệm của mình.

    “Hiệp sĩ giao thông”

    Chúng tôi tìm đến ngã tư Canh (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) nơi được mệnh danh là “ngã tư tử thần” để tìm gặp ông Nguyễn Sỹ Cường. Đến ngã tư, PV hỏi thăm nhà ông Cường, những người bán hàng ven đường cười bảo: “Ở đây chúng tôi gọi ông ấy là hiệp sĩ giao thông. Ông Cường tốt tính, nhiệt tình nên ở đây ai cũng tôn trọng và yêu quý”.


    Ở xã Vân Canh này, ông Cường đã quá nổi tiếng, không chỉ về tấm lòng nhân hậu mà còn nổi tiếng về cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bất kể nắng mưa, ngày đêm, ông cũng ra ngã tư để phân luồng giao thông. Chính vì thế, mà những ngày đầu, ai không hiểu chuyện còn gọi ông là “lão khùng”. Quả thực, có đến gặp, nói chuyện, chúng tôi mới hiểu được rằng, công việc mà ông Cường đang làm không hề dễ chút nào. Nhưng với ông, chỉ cần giúp người dân đi lại thuận tiện, tránh ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông ở “ngã tư tử thần” này thì ông không bao giờ nề hà. Ông Cường kể lại: “Tôi sinh ra và lớn lên tại ngã tư Canh nên phần nào cũng hiểu được nỗi khổ của người dân khi đi qua đoạn đường này. Đường chật hẹp, xe tải qua lại suốt ngày, người đi lại lộn xộn nên đã tắc lại càng tắc. Người đi bệnh viện, ốm đau mà không thể thoát được.

    Không những thế, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông khiến cho tôi muốn làm một việc gì đó để giúp người dân. Vì thế, tôi đã bắt tay vào việc phân luồng đường, điều tiết giao thông tại khu vực ngã tư Canh mỗi khi thấy có nguy cơ tắc đường”.

    Những ngày đầu, thấy ông ra đứng ở ngã 3 giữa trưa nắng, thổi còi, phân luồng đường, nhiều người thắc mắc “hay là ông ấy bị khùng”. Thậm chí, có người còn bảo ông “ôm rơm nặng bụng, đường của nhà ông à mà ông giữ?”.

    Khi ông ra hiệu cho xe tải đi chậm lại thì tài xế quát tháo, chửi mắng thậm tệ. Nhưng bỏ qua những lời nói đó, ông chỉ bảo: “Anh có muốn xe anh được đi nhanh hơn không?”. Ông bỏ qua những lời nói đó và bất kể dù mưa nắng, những ngày đông lạnh, ông vẫn miệt mài công việc của mình tại ngã tư Canh này.

    “Lúc đầu, mới đảm nhận công việc này, vợ con tôi phản đối. Vì nhà bán hàng ăn nên rất thiếu người, bỏ công việc đi làm việc xã hội không công xong bị thiên hạ chửi là “khùng” thì có đáng không. Nghe thế tôi chỉ cười bảo “mình làm việc thiện thì sau này sẽ để đức lại cho con cháu. Có những ngày, tôi đứng giải thích cho người dân hàng tiếng, nếu đường tắc thì không thể mang rau ra chợ bán được, các cháu nhỏ không kịp giờ đến trường nên phải nhường nhau mà đi thì mới kịp giờ được, ai chẳng muốn đi nhanh. Nghe xong họ cũng hiểu ra và đi theo sự hướng dẫn của mình”, ông Cường tâm sự.

    Cứ thế, đến nay, ông Cường đã trải qua thâm niên hơn 10 năm làm “hiệp sĩ giao thông”. Bất kể mưa nắng, ngày nào cũng vài lần ông cầm dụng cụ ra đường phân luồng, nhắc nhở người dân đi đúng làn đường, không chen lấn hay bấm còi inh ỏi lên. “Tôi coi đó là công việc thường ngày. Sáng sớm thấy tắc đường là cầm dụng cụ ra làm nhiệm vụ. Ngày đầu, do chưa quen nên tôi vẫn lúng túng trong việc xử lý tình huống, phân luồng đường. Nhưng sau thành quen, thấy có hiện tượng tắc đường là tôi yêu cầu họ dừng lại từ xa và cho từng phương tiện dịch chuyển đúng hướng”, ông Cường chia sẻ.

    Hiệp sĩ giao thông tại "ngã tư tử thần" (ảnh Thành Long).

    Đêm 30 cứu ngườitai nạn giao thông

    Không chỉ phân luồng đường, giảm ùn tắc giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, ông Cường còn có tấm lòng nhân hậu. Ông đã cứu sống nhiều người gặp tai nạn.

    Ông Cường nhớ lại, cách đây 2 năm, đêm 30 tết ông cứu 1 người bị tai nạn, bị thương nặng. Khi đó, người này chở hàng đi bán, đến ngã tư Canh va chạm với 1 chiếc ô tô tải. Nghe thấy tiếng động mạnh, ông vội vàng chạy ra ngoài xem thì thấy 1 người đi xe máy văng xa hàng chục mét, nằm bất động. Hoảng hốt, ông vội gọi vợ con dậy, đưa người tai nạn vào nhà.

    Sau khi kiểm tra, thấy người đàn ông này tim vẫn đập, ông lấy bông băng sơ cứu thật nhanh, sau đó gọi xe cho đi cấp cứu. “Gặp những tình huống như vậy, mình phải thao tác thật nhanh. Khi ấy phải coi như mình đang chiến đấu với “tử thần” vậy. Chỉ cần họ qua được cơn nguy hiểm là tôi thấy thật may mắn, hạnh phúc. Tôi không mong họ cảm ơn, chỉ cần họ khỏe mạnh trở về thôi. Nhà tôi lúc nào cũng có sẵn bông băng, thuốc sát trùng... để cứu người tai nạn”, ông Cường tâm sự.

    Theo ông Cường, những năm trước, tình hình giao thông tại ngã tư Canh vô cùng phức tạp, thanh niên đi chơi, uống rượu về lúc nửa đêm gây tai nạn. Có người bấm còi inh ỏi, nghe thấy thế ông lại chạy ra nhắc nhở. Có lần, người gây tai nạn phải đền bù tiền, dù không biết họ là ai, ở đâu nhưng ông vẫn cho họ vay. Cách đây không lâu, có người từ huyện Đan Phượng (Hà Nội) đi qua đây đâm phải người khác nhưng không có tiền đền cho họ. Ông đã cho vay để họ đền bù.

    Sau đó, ông còn cho họ tiền sửa xe để đi về nhà. Nhiều người nói ông dại, cho người lạ vay tiền thì khác gì biếu không. Nhưng ông nghĩ, mình giúp họ bằng cái tâm và không tính toán gì cả. Thế rồi, sau đó ít ngày, người được ông cho vay tiền đã đến tận nhà để trả lại. Và từ đó, họ thường xuyên qua lại nhà ông chơi như người nhà. Những việc làm của ông khiến nhiều người cảm phục. Vì thế, hình ảnh “hiệp sĩ giao thông” đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Mỗi lần nghe thấy tiếng còi là biết ông Cường đã xuống đường làm “nhiệm vụ” nên họ rất yên tâm.

    Nhắc đến việc làm của “hiệp sĩ giao thông” ông Nguyễn Văn Hùng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Ông Cường làm được một việc hết sức ý nghĩa. Từ ngày có ông, tình trạng ùn tắc giao thông không còn nữa. Hiện nay, cũng có rất nhiều người tại ngã tư Canh này đã học tập ông Cường xuống đường phân luồng, làm thay việc mỗi khi ông ốm đau hay bận đi đâu đó”.

    [poll3]71[/poll3]

    Trước khi chia tay “hiệp sĩ giao thông” làng, chúng tôi hỏi muốn xin số điện thoại của ông thì ông lắc đầu bảo: “Tôi có dùng điện thoại di động đâu, chỉ có số máy bàn thôi. Ai cũng bảo tôi thời buổi này mà không có điện thoại cầm tay. Nhưng có điện thoại sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, mỗi khi tắc đường đang phân luồng có người gọi điện vậy là không tập trung được”.

      M.H


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-vac-tu-va-hang-tong-va-ky-niem-dua-nguoi-cap-cuu-dem-30-tet-a172027.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.