+Aa-
    Zalo

    Nguy cơ dịch tả từ Iraq: Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bộ Y tế vừa đưa ra nhận định, nguy cơ dịch tả từ Iraq xâm nhập vào nước ta là không cao, tuy nhiên người dân không được chủ quan.

    (ĐSPL) - Bộ Y tế vừa đưa ra nhận định, nguy cơ dịch tả từ Iraq xâm nhập vào nước ta là không cao, tuy nhiên người dân không được chủ quan.

    Thời báo Kinh tế Sài Gòn online đưa tin, Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo dịch tả đang bùng phát tại Iraq với hơn 2.000 ca mắc bệnh, bắt đầu lan sang các nước khu vực lân cận như Kuwait, Bahrain và Syria, và lưu ý các cơ sở y tế trong nước cần phải chủ động phòng ngừa dịch này lan sang Việt Nam cho dù nguy cơ hiện nay là thấp.

    [mecloud]QT4059w3Lg[/mecloud]

    Nguồn video: TTXVN

    Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch tả tại Iraq được ghi nhận tại một trại tị nạn ở Abu Ghraib, Baghdad từ tháng 9/2015 và đến nay đã có ít nhất 2.200 người bị nhiễm bệnh, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Đặc biệt, trong số các trường hợp nhiễm bệnh có khoảng 20\% là trẻ em.

    Hiện dịch đã lan sang các nước khu vực lân cận như Kuwait, Bahrain và Syria. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng và lan sang các nước khác trong khu vực càng trở nên nghiêm trọng do có hàng triệu người dân chuẩn bị hành hương đến Iraq vào tháng 12. Đây là tháng lễ của người Hồi giáo dòng Shi’ite.

    Để ứng phó với dịch tả, tổ chức UNICEF tại nước này đang cung cấp nước đóng chai, muối Oresol và thiết lập các bể nước sạch tại cộng đồng.

    Được biết, nguyên nhân dẫn đến dịch tả tại Iraq chủ yếu do thiếu vệ sinh môi trường và dịch vụ y tế không đảm bảo.

    Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tả tại Iraq, đồng thời khuyến cáo người dân không chủ quan. (Ảnh: TTXVN)

    Trước thực tế trên, báo Hà Nội mới đưa tin, hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tả tại Iraq.

    Bộ Y tế nhận định, nguy cơ dịch tả từ Iraq xâm nhập vào nước ta là thấp do bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, sự giao lưu thương mại, du lịch và lao động của Việt Nam và Iraq trong thời điểm hiện nay là không nhiều nhưng cũng không được chủ quan do bệnh tả có những trường hợp người lành mang bệnh nên có thể có những du khách, người dân đi, đến và qua vùng dịch từ khu vực Iraq về Việt Nam có thể mang mầm bệnh xâm nhập vào nước ta.

    Cũng theo Bộ Y tế, đây là bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và dễ tử vong nhưng có thể đề phòng được. Trong điều kiện vệ sinh môi trường ở nước ta còn nhiều hạn chế, việc thực hiện an toàn thực phẩm của người dân còn chưa được đảm bảo; do đó để ngăn ngừa bệnh tả xâm nhập và lây lan ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt việc phòng bệnh.

    Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết bệnh tả nguy hiểm, lây lan nhanh và dễ tử vong, tuy nhiên vẫn đề phòng được.

    Được biết, bệnh tả là bệnh truyền nhiễm có các triệu chứng chính là tiêu chảy, mất nước và rối loạn điện giải cấp tính, có thể gây thành dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh có thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày; tuy nhiên cũng có hiện tượng người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, phân – miệng do thực phẩm bị nhiễm bẩn. Dịch hay xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh thấp kém và thiếu các dịch vụ về y tế.

    Các biện pháp phòng bệnh tả

    Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

    Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

    Mỗi gia đình có 1 nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột phủ kín bãi phân sau mỗi lần đi tiêu.

    Phân và chất thải của người bệnh phải được quản lý và xử lý đúng quy định.

    Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.

    Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.

    An toàn vệ sinh thực phẩm:

    Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.

    Không ăn rau sống, không uống nước lã.

    Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là hải sản sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

    Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

    Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ.

    Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramine B.

    Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng.

    Khi có người bị tiêu chảy cấp:

    Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo cáo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

     [mecloud]yFizMSnrGu[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguy-co-dich-ta-tu-iraq-bo-y-te-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-duoc-chu-quan-a119073.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.