+Aa-
    Zalo

    Nhà khoa học lý giải bộ hài cốt 200 năm chảy máu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hài cốt được đào lên sau gần 200 năm nhưng vẫn chảy ra dòng “máu đỏ”.

    (ĐSPL) - Hài cốt được đào lên sau gần 200 năm nhưng vẫn chảy ra dòng “máu đỏ”. Người dân đồn thổi, lấy bông gòn, khăn tay thấm máu đó mang về nhà sẽ chữa được bách bệnh. Khi đã thấm hết máu người ta còn lấy nước trong huyệt mộ đó để uống, để tắm và xoa vào vết thương. Nhiều con chiên kéo đến giáo xứ Lác Môn (Trực Ninh - Nam Định) chỉ để được lau khăn tay, mũ bảo hiểm lên mặt hộp kính đựng hài cốt “Thánh Tựu” mong chữa  khỏi bệnh tật và sống bình an...

     “Nước thánh” chữa bách bệnh?

    Bộ hài cốt gần 200 năm vẫn “chảy máu” là giáo dân Phê rô Đỗ Tựu bị tử hình thời vua Tự Đức. Năm 2001 người dân đã sang tiểu cho cả 8 ngôi mộ trong khuôn viên nhà thờ nhưng không có hiện tượng gì lạ. Đến năm 2012, khi di dời 8 ngôi mộ sang vị trí khác, khi mở đến huyệt mộ của cụ Tựu thì người dân “bàng hoàng” phát hiện hài cốt có dòng nước đỏ giống như máu chảy ra. Nhiều người dân tại xã Trực Hùng (Trực Ninh - Nam Định) cho rằng cụ Đỗ Tựu “hiển linh” nên đến lấy “nước thánh” để chữa bệnh. Mặc dù không có cơ sở, nhưng nguồn tin cứ loan ra rằng thứ nước màu đỏ ấy có thể chữa được bách bệnh nên nhiều người dân ở các tỉnh lân cận cũng kéo đến nhà thờ xin “nước thánh”.

    Những bức ảnh hài cốt cụ Đỗ Tựu được người dân chào bán bên đường. Ảnh Kim Thược

    Dòng người chen lấn xô đẩy quá đông nên cha xứ Đỗ Minh Trọng đã lấy bông thấm cho mỗi người một ít nước màu hồng để mang về. Kể từ lúc đó xuất hiện những lời đồn thổi như “máu cụ Tựu có thể chữa lành bách bệnh; uống nước thánh chữa khỏi bệnh tứ chứng nan y; Thánh ban ơn mọi sự như ý cho người thành tâm công đức tại nhà thờ… Bộ hài cốt của “Thánh Tựu” đã được giáo họ Lác Môn cho vào một tủ kính để khách thập phương đến “xin ơn”.

    Đã có thời kỳ, quốc lộ 56 luôn tắc đường vì dòng người về xin “nước thánh” chữa bệnh. Ngay chính quyền địa phương cũng không lường được tin  “thánh hiển linh” lại lan nhanh như thế. Từ đó, nhiều câu chuyện ly kỳ không được kiểm chứng được truyền đi với tốc độ của… ánh sáng. Nào là chuyện, bà Trần Thị B. bị bệnh thấp khớp từ khi 35 tuổi. Bà B. đã đi khắp các bệnh viện, uống, bôi bao nhiêu thứ thuốc nhưng không khỏi. Bà vào nơi để hài cốt của thánh Tựu cầu khấn, sau đó lấy chiếc khăn mặt trắng lau lên mặt kính nơi để bộ hài cốt. Bà đem chiếc khăn đó về, hằng ngày thoa đi thoa lại vào hai bên đầu gối. Được 2 hôm bà B. thấy chân mình nhẹ dần và không còn bị đau khớp nữa. Một thời gian sau bà B. khỏi hẳn bệnh, đi lại bình thường mà không phải uống hay bôi bất kỳ loại thuốc nào cả. 

    Rồi những thông tin như đau bụng uống nước thánh khỏi, bệnh da liễu, bệnh tim bẩm sinh... Thậm chí những bệnh khoa học cũng bó tay như: ung thư, AIDS cũng khỏi hết. Tuy nhiên, không phải ai “Thánh Tựu” cũng “tùy tiện” mà chữa bệnh, ban phép lạ cho. Người mà thánh Tựu “ban phép” phải đến cầu khấn và đặc biệt là phải tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của ngài.

    Những câu chuyện được thêu dệt có sức hút khách thập phương

    Nhà thờ Lác Môn giờ đã hoàn thiện và rất nguy nga, lộng lẫy. Lăng mộ cụ Tựu được xây riêng biệt với những ngôi mộ khác ngay sau nhà thờ. Hài cốt được đặt trong tủ kính và khóa lại cẩn thận. Vì trời tối âm u và khí lạnh làm mờ kính nên không thể nhìn rõ hài cốt đặt bên trong tủ. Tôi vào sâu bên trong để nhìn rõ hơn những tấm bia khắc tên tuổi của những người đã được “Thánh Tựu” ban ơn. Quả thật khi nhìn những tấm bia đá trên tường viết những dòng như: “Con Nguyễn Tràng ở Vinh khỏi bệnh tiểu đường; Bà Dung - ở Bùi Chu khỏi bệnh đau bao tử; Đặng Thị Hồng – Giao Thủy hiếm muộn đã có thai; Ông Nguyễn Văn Luận ở Thái Bình khỏi bệnh u não; Anh Nguyễn Bá Dũng ở Yên Bái khỏi câm điếc bẩm sinh…”, khiến nhiều người tin “sát đất” là cụ Đỗ Tựu có phép lạ.

    “Cô ở đâu đến đấy!”. Tôi giật mình quay lại khi nghe có tiếng người hỏi từ bên ngoài.  “Cô đến xin ơn “Thánh Tựu” phải không?” – Ông Th. ông quản nhà thờ cất tiếng hỏi khi nhìn thấy người lạ vào lăng.

    Nhà thờ Lác Môn. Ảnh Kim Thược

    Ra ngoài hỏi ông Th. về những bia đá kia ông bảo: “Đây chỉ là một phần nhỏ những người nhận được ơn của “Thánh Tựu” quay trở lại để dựng bia cảm tạ. Có nhiều người quay lại nhưng không còn chỗ để ghi bia. Có nhiều người không làm bia mà chỉ đóng góp tiền bạc, đá vữa để xây dựng nhà thờ”. Vừa kể ông vừa chỉ tay về phía cổng: “Cô thấy cái núi đá trên hồ kia không? Cái núi đó xây dựng tiền tỉ nhưng chỉ có một ông được ơn thánh công đức… Xây dựng nhà thờ mất mấy chục tỉ chứ đâu có ít tiền”.

    Tôi ghé vào quán tạp hóa ngay cổng nhà thờ, bà chủ quán đon đả chào hỏi: “Cô ở xa đến xin ơn thánh hả? Cô xin con, xin lành bệnh hay xin gia đình mọi sự lành?”. Khi phóng viên nói là đến xin khỏi bệnh bà chủ quán tạp hóa hồ hởi tư vấn thêm: “Có bệnh mà biết đường tìm về đất thánh là đúng rồi”. Thánh có linh thật không bà, tôi hỏi bà chủ quán? “Ấy chết cô đừng nói vậy! Nếu nghi ngờ thì Thánh không ban ơn cho cô đâu”.

    Sử dụng “nước thánh” mất vệ sinh, dễ mắc bệnh

    PGS.TS Phạm Xuân Ngọc – nguyên Viện trưởng viện Vệ sinh phòng dịch cho biết: “Một người đã chết, chôn xuống đất, thông thường mọi phần của cơ thể sẽ bị phân hủy do các vi sinh vật trong đất. Trong quá trình xác phân hủy các vi sinh vật này chính là mầm mống gây ra các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh. Sử dụng loại nước đó để tắm sẽ rất dễ mắc các loại bệnh ngoài da. Còn nếu uống nước ở những nơi như thế này thì nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn rất là cao. Người dân có bệnh nên đến các bệnh viện để được bác sỹ khám và tư vấn chứ không nên nghe lời đồn thổi mà có khi lại rước thêm bệnh vào thân”.

    Chưa nghe thông tin về bộ xương này

    Để có thêm những kiến giải chính xác, PV báo Đời sống và Pháp luật đã gửi bài viết kèm theo ảnh và các tư liệu liên quan để hỏi PGS.TS Nguyễn Lân Cường, một chuyên gia hàng đầu về xương cốt, ông Cường cho biết: “Tôi chưa từng nghe thông tin về bộ xương này, tôi thấy nó lạ nhưng cần phải về trực tiếp nghiên cứu mới có thể giải thích khoa học được”. Vì chưa tận mắt chứng kiến, nghiên cứu nên PGS. TS Nguyễn Lân Cường cũng bó tay, chưa đưa ra kết luận cũng như phán đoán nào.

    Bà gọi tôi vào hẳn trong quán ngồi rồi kể thêm: “Cũng có nhiều người ở xa đến như cô lắm! Ngày xưa thì đến đông như hội nhưng công an họ dẹp nên bây giờ ít người rồi”. Bà ơi bây giờ có người ở xa đến không, tôi hỏi? “Ôi nhiều chứ, họ ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang… thậm chí bên Canada, bên Mỹ cũng về. Có người về mấy lần”. Thế có ai chữa khỏi bệnh thật không? “Nhiều chứ cô. Không nhiều sao người ta về đông thế? Nhiều người không tin bảo nhà thờ đồn thổi để lấy tiền công đức của dân nhưng không phải. Đấy! Ông Kh. đang ú ớ câm điếc hôm đến quỳ xin Thánh thế là về nhà nói năng bình thường.

    Cô L. đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp sắp bị trục xuất về thế mà cầm theo cái khăn tay lau mặt kính đựng hài cốt rồi bỗng nhiên có một người đàn ông nhận làm vợ trên giấy tờ để được hợp pháp ở lại. Có một bà ở trên Sơn La lần đầu về chỉ xin một can nước chữa bệnh. Bà mang nước dưới huyệt về uống khỏi bệnh xong mấy lần sau mang hẳn ô tô đến lấy tiếp. Bà về 5 lần và lần cuối lấy hẳn 5 can 20 lít để tắm cho cả làng. Thế là người làng bà có bệnh gì thì khỏi hết...

    Huyệt mộ nơi mà người dân thường đến để lấy nước chữa bệnh. Ảnh Kim Thược

    Rồi có một ông ở tận Tây Nguyên dẫn theo thằng con trai bị bệnh ngoài da lở loét đầy mình về đây. Ông lấy nước ở huyệt mộ tắm cho nó ở ngay giữa sân kia kìa. Thế mà hôm nọ ông ấy dẫn nó quay lại cảm ơn thì Giesumen, da trắng tinh không còn lở loét mụn nhọt nữa… Đấy không linh mà người ta được như thế à?”. Bà chủ quán kể say mê về nhiều trường hợp nữa cũng được “phép lạ” chữa bệnh, ban ơn và quay trở lại cảm tạ “Thánh Tựu”.

    Vừa kể bà vừa đưa tập ảnh chụp hài cốt “Thánh Tựu” ra để giới thiệu. “Cô mua ảnh này vào trong cho cha xứ làm lễ rồi mang về nhà mà thờ. Thờ ảnh này cũng linh lắm đó. Mua đủ một bộ thì 5 cái, có cần tôi bán thêm cho cái can nhựa 1 lít rồi vào huyệt mà xin nước thánh về uống không?”. Thế bà có địa chỉ cụ thể hay số điện thoại của những người bà vừa kể không? Hỏi đến đây thì bà chủ quán im lặng không trả lời được nữa.

    Nhìn vào bên trong sân nhà thờ Lác Môn, lúc này có 3 người đàn ông bước xuống từ xe ô tô. Nhìn biển số xe tôi đoán họ về từ Hải Phòng. Lúc này bà chủ quán tạp hóa lại tiếp tục nói: “Đấy lại người thành phố về xin ơn “Thánh Tựu” đấy! Cô cứ ngồi đây một lúc kiểu gì cũng gặp mấy đoàn về nữa, mà toàn ô tô thôi nhá!”.

    Nơi an táng mới của cụ Đỗ Tựu. Ảnh Kim Thược

    Chưa có nghiên cứu nào khẳng định hài cốt 200 năm có máu

    Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ông Lưu Văn Anh – Trưởng Công an xã Trực Hùng cho biết: “Đúng là bà con giáo dân khi đào được hài cốt của cụ Đỗ Tựu thì phát hiện trong xương có chảy ra một thứ dung dịch màu đỏ nhìn như máu. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh nó là máu. Tuy nhiên có một số người dân đồn thổi rằng lấy máu đó lau vào người sẽ chữa được bệnh vì vậy mà dân thập phương mới ùn ùn kéo về đây. Ủy ban xã đã huy động toàn bộ lực lượng để giải tỏa ùn tắc cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu không tung tin đồn thất thiệt. Chúng tôi cũng làm việc với Cha xứ nhà thờ để cảnh báo người dân không nên lấy nước dưới huyệt mộ để uống vì có thể gây ra tình trạng mất an toàn vệ sinh. Bây giờ tình trạng bà con về xin nước vẫn còn nhưng đã ít hơn. Chính quyền đã giải thích tuyên truyền cho nhân dân hiểu không tin vào những lời đồn thổi không có căn cứ”.

    Khi hỏi về địa chỉ cụ thể của một người chữa khỏi bệnh thì người dân xung quanh đều nói là chỉ được nghe kể lại chứ chưa được tận mắt chứng kiến. Anh Hoàng Văn D. sống gần ngay khu vực nhà thờ cho biết: “Cách đây vài năm, ông Nguyễn Xuân B. (67 tuổi) ở huyện Giao Thủy, bị bệnh tim nặng, đi chữa bệnh khắp nơi nhưng không khỏi. Ông B. đã đến nhà thờ xin nước thánh, nhưng lúc đang khấn vái ở lăng cụ Đỗ Tựu thì ông B. đã đột tử. Cũng từ đó đến nay thì việc xin nước thánh của bà con giáo dân ở đây không còn mà hầu hết đều là những người từ phương xa đến. Ở đây cũng có nhiều người kể lại nhưng chỉ là tin đồn thôi chứ có ai được tận mắt chứng kiến đâu”.

    Tiến sỹ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á: Giấy điều là căn nguyên tạo ra chuyện “thánh hiển linh”?

    Mong muốn giải mã những bí ẩn về bộ xương 200 năm tuổi và sự thật về “nước thánh” chữa bách bệnh, tiến sỹ Nguyễn Việt khẳng định: “Có những bộ xương 2.000 năm tuổi vẫn còn da, tóc, máu… không có gì lạ cả”.

    Tiến sỹ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Ảnh Kim Thược

    Thưa tiến sỹ, ông nhận định như thế nào về bộ xương 200 năm tuổi vẫn chảy máu mà người dân cho rằng đó là “thánh hiển linh” cứu người?

    Chúng tôi có tìm được những cái tàng tích máu trên các bộ xương người cách đây tới 2.000 năm. Do đó, trong một môi trường bảo quản tốt thì việc tồn tại của máu kèm theo cả những phần khác của con người như là da, tóc, xương… là điều không lạ, không có gì là thần thánh cả. Còn việc hài cốt đã sang tiểu mà chảy máu tươi thì tôi chưa thấy bao giờ. Lý do cơ bản về mặt khoa học là muốn cho máu không đông thì nó cần phải có rất nhiều cơ chế. Ví dụ: Phải có hoạt động của tiểu cầu, phải có nhiệt độ và môi trường thích hợp. Vì vậy tình trạng của cái mộ đó như thế nào thì phải có những bằng chứng ví dụ như mẫu vật, tiêu bản và sự tham gia nghiên cứu của các phòng thí nghiệm chúng ta mới có thể kết luận được.

    Trong quá trình nghiên cứu của mình ông đã gặp những trường hợp nào tương tự chưa?

    Thực tế, tôi đã từng gặp, đó là chuyến đi khai quật hài cốt ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên. Người dân đào mương và gặp một số quan tài thân cây khoét rỗng của thời Đông Sơn cách đây khoảng 2.000 năm. Người đào được là gia đình anh Lương. Sau khi đào được anh cũng không nghĩ đến chuyện phức tạp về tâm linh nên chỉ gói gém rồi chôn vạ vật. Sau đó anh Lương cảm thấy gia đình bất ổn nên đã cúng bái và chôn lại cái mộ đàng hoàng hơn. Khoảng 2 năm sau tôi cùng đoàn công tác về đề nghị đào lại cái mộ thì khi mở ra là cả một màu đỏ rực. Cái màu đỏ đó nếu mà người nào hay tưởng tượng thì cho rằng đó là nó lạ. Thực tế cái màu đỏ đó chính là màu của giấy điều mà người ta dùng để bọc cái bộ xương này trước khi cho nó vào quan tài. Sau khi nước ngấm vào trong tiểu nó làm cho màu nhuộm của giấy điều tan ra, tạo ra dung dịch  nước màu đỏ.

    Thế còn trường hợp bộ hài cốt của cụ Đỗ Tựu thì có thể giải thích như thế nào?

    Đây không phải là từ thịt một con người mà đây là một bộ xương đã được làm sạch và sang tiểu một lần rồi. Vì vậy cái màu đỏ đó như tôi nhìn thấy trong ảnh rất có thể là màu của giấy điều hoặc là vải bọc có màu đỏ mà trong quá trình gặp điều kiện của nước nó phai ra. Tiểu đó lại nằm trong môi trường khá kín nên nước không thể thoát đi được.

    Đứng ở góc độ một nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh, tiến sỹ thấy những thông tin rằng bôi máu, uống nước trong huyệt mộ đó có thể chữa khỏi bệnh là đúng hay sai?

    Vì đây là vụ việc vẫn chưa được khoa học chứng minh nên chúng ta không thể kết luận. Tuy nhiên trước mắt nó là thông tin thiếu cơ sở khoa học. Nếu nhà thờ muốn truyền thông tin đi một cách có trách nhiệm thì có thể tìm đến các nhà khoa học để chứng minh. Chúng tôi sẽ đưa về viện khoa  học phân tích chất phần nước màu đỏ đó là gì? Có độc hay không? Có an toàn cho người bệnh bôi hay uống vào hay không? Từ những nghiên cứu kết luận một cách có trách nhiệm, những người làm khoa học sẽ chính thức trao đổi với nhà thờ và người dân, từ đó nó mới có ý kiến tương đối thuyết phục và đưa ra kết luận, có khuyến cáo với những việc làm không đúng của người dân. Nếu nhìn qua ảnh theo kinh nghiệm thì tôi có thể nói đó là màu của giấy điều. Chỉ cần tìm thấy một mẩu giấy điều trong tiểu thì tôi có thể khẳng định chắc chắn đó không phải là máu. Điều quan trọng là phải chứng minh sự thật bằng biện pháp khoa học nhất mới thuyết phục được công chúng.

    Xin cảm ơn Tiến sỹ! 

    HOÀNG KIM THƯỢC

    Xem thêm clip: Người dân hoang mang vì 2 bộ hài cốt gần 1 tuần không được xử lý

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-khoa-hoc-ly-giai-bo-hai-cot-200-nam-chay-mau-a92294.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan