+Aa-
    Zalo

    Nhà sáng chế khoa học miền biển và chiếc máy xử lý rác thải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không qua trường lớp đào tạo nhưng anh Ngô Thái Nguyên (Thanh Hóa) lại có thể chế tạo ra một chiếc máy phân loại và xử lí rác thải có tính ưu việt cao.

    (ĐSPL) - Không bằng cấp, cũng không qua trường lớp đào tạo nào về kĩ thuật chế tạo máy hay cơ khí, thế nhưng, người nông dân quê biển Ngô Thái Nguyên, ở thôn Liên Hưng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lại có thể chế tạo ra một chiếc máy phân loại và xử lí rác thải có tính năng ưu việt với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
    Anh Nguyên là một người nông dân chất phác, lớn lên ở vùng biển Tĩnh Gia, vốn gắn bó với nghề cá từ thuở nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nguyên sớm phải gác lại ước mơ trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cứu người dù đã thi đậu vào trường Y. Nghỉ học ở nhà, chàng trai trẻ phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh nhưng sau đó lại bén duyên với nghề cơ khí, và tự nghiên cứu chế tạo thành công máy xử lý rác thải.
    Anh Nguyên cho biết, xuất phát từ thực trạng người dân địa phương không có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của mọi người. Điều đó khiến anh nảy sinh ý tưởng nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy có thể xử lí rác thải triệt để.
    Nhận ra yếu điểm của công nghệ xử lý rác hiện có còn lạm dụng nhiệt khiến hàm lượng khí độc thải ra không khí còn cao, anh quyết tâm chế tạo máy xử lí rác thải bằng động cơ.

    Anh Ngô Thái Nguyên, nhà sáng chế nông dân từng được giải nhất Cuộc thi sáng tạo kĩ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V. Ảnh: M.L

    Nhà sáng chế nông dân chia sẻ: “Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian để tìm tòi nghiên cứu. Hai lần thử nghiệm mô hình trước đó đều không đạt kết quả như mong đợi. Sau đó, tôi dành thời gian tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các loại động cơ, thử nghiệm mô hình lắp ráp mô - tơ công suất lớn hơn để vận hành trục quay chế biến rác và đã thành công”.
    Anh Nguyên cũng chia sẻ thêm, dù đang có việc làm, thu nhập ổn định, nhưng từ khi chuyển hướng sang việc sáng chế máy xử lý rác, gánh nặng mưu sinh, trách nhiệm với gia đình có lúc khiến anh phân tâm. May mắn, vợ anh là chị Đỗ Thị Nhân hiểu được đam mê của chồng, một mình thay anh chăm sóc gia đình, cùng vun đắp cho ý tưởng sáng tạo của chồng sớm có kết quả. Và sau hai năm mày mò, chiếc máy phân loại và xử lí rác thải đã ra đời đúng với ý nguyện của hai vợ chồng.

    Chiếc máy phân loại và xử lí rác thải của anh Ngô Thái Nguyên với nhiều tính năng hữu ích được nhiều tổ chức và doanh nghiệp rất quan tâm. Ảnh: M.L

    Nguyên lý vận hành của cỗ máy này rất đơn giản. Các loại rác tổng hợp được đưa vào bồn chứa, khuấy trộn đều trong nước. Sau đó, những loại rác nhẹ như ni-lông, túi giấy, vải, bao bì... sẽ nổi lên trên và được đưa lên băng tải ra ngoài bồn; loại rác nặng vô cơ như đất, cát sỏi đá, xi măng, sắt, thép… sẽ lắng xuống đáy bồn và theo băng chuyền ra mặt sàng. Phần lớn rác hữu cơ như củ, quả, hoa, lá… lắng xuống được chuyển vào hệ thống hầm biogas. Hệ thống rác thô còn lại được đưa về thùng máy rồi được băm, nghiền qua hệ thống dao cắt thô và buồng cắt tinh. Sau đó, rác được dùng ủ trộn làm phân vi sinh trồng cây. Thậm chí, phần rác đã qua xử lý còn được tận dụng làm vật liệu xây dựng khi trộn với xi măng làm gạch ép.
    Với việc sử dụng dòng điện ba pha, máy xử lý rác thải của anh Nguyên có thể xử lý từ 8 - 9m3 rác trong khoảng 6 - 8 giờ đồng hồ. Chi phí ban đầu cho cỗ máy này khoảng 72 triệu đồng. Nếu muốn nâng cao khả năng xử lý rác lên gấp ba sẽ phải cải tiến thêm một số chi tiết, nâng giá thành lên khoảng 250 đến 300 triệu đồng.
    Với tính năng hữu ích, nhiều ưu điểm và tính ứng dụng cao, nhiều nhà doanh nghiệp, tổ chức đã tìm đến anh Nguyên để ký hợp đồng sản xuất máy xử lý rác tung ra thị trường. Ngoài ra, một số đối tác đang tiếp tục làm việc, phối hợp với anh về vấn đề chuyển giao công nghệ nhằm tiến tới triển khai xây dựng nhà máy chế tạo máy xử lý rác thải, tung ra thị trường.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-sang-che-khoa-hoc-mien-bien-va-chiec-may-xu-ly-rac-thai-a62836.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan