+Aa-
    Zalo

    Nhật Bản: Nữ phóng viên tử vong vì “làm thêm” 159 giờ một tháng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự ra đi của nữ phóng viên Miwa Sado, 31 tuổi đã gây áp lực lên các cơ quan chức năng Nhật Bản trong việc giải quyết tình trạng nhiều người tử vong vì làm việc quá sức,

    Sự ra đi của nữ phóng viên Miwa Sado, 31 tuổi đã gây áp lực lên các cơ quan chức năng Nhật Bản trong việc giải quyết tình trạng nhiều người tử vong vì làm việc quá sức.

    Miwa Sado, người đã làm việc tại trụ sở của đài truyền hình NHK ở Tokyo phải làm thêm 159 giờ chỉ được nghỉ duy nhất 2 ngày một tháng đã tử vong vào tháng 7/2013. Một văn phòng tiêu chuẩn lao động ở Tokyo sau đó cho biết cô gái xấu số đã chết vì làm việc quá sức và trường hợp của cô chỉ mới được công bố trong tuần này.

    Miwa Sado bắt đầu làm việc cho NHK từ năm 2005 tại văn phòng ở tỉnh Kagoshima. Cô chuyển về Tokyo vào tháng 7/2010 và chuyên đưa tin chính trị. Vào ngày 24/7/2013, chỉ 3 ngày sau cuộc bầu cử Thượng viện, Sado được phát hiện đã tử vong trên giường, tay nắm lấy điện thoại di động.

    Nữ phóng viên Sado, 31 tuổi qua đời vì làm việc quá sức. Ảnh: The Sun

    "Chúng tôi rất tiếc khi mất đi một phóng viên xuất sắc và cái chết của Sado có liên quan đến công việc", AFP dẫn lời Chủ tịch NHK Ryoichi Ueda cho biết ngày 5/10. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thay đổi, hợp tác với cha mẹ cô ấy".

    Cái chết của Sado dự kiến ​​sẽ làm gia tăng áp lực lên các cơ quan chức năng Nhật Bản để giải quyết số lượng lớn người dân thiệt mạng vì áp lực công việc.

    Thông báo mới nhất này được đưa ra 1 năm sau khi có phán quyết tương tự về cái chết của một nhân viên trẻ ở công ty quảng cáo Dentsu. Matsuri Takahashi 24 tuổi khi tự sát vào tháng 4/2015. Các quan chức về tiêu chuẩn lao động đã ra phán quyết cuối cùng rằng cái chết của cô là do căng thẳng kéo dài. Takahashi đã phải làm thêm hơn 100 giờ trong những tháng trước khi cô qua đời.

    Một tuần trước quyết định quyên sinh vào lễ Giáng sinh năm 2015, Takahashi đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội: "Tôi muốn chết." Một thông điệp khác viết: "Tôi bị thương tổn cả về thể chất và tinh thần".

    Nhật Bản là quốc gia có áp lực công việc vô cùng lớn. Ảnh: The Guardian

    Vụ việc của cô đã gây ra một cuộc tranh cãi về môi trường làm việc thực tiễn của Nhật Bản và buộc thủ tướng Shinzo Abe phải giải quyết vấn đề văn hoá nơi công sở. Các nhân viên phải làm thêm nhiều giờ xong thực tế thì dường như năng suất lao động cũng không được cải thiện nhiều.

    Sau đó, chính phủ Nhật Bản đã đề xuất hạn chế giờ làm thêm hàng tháng ở mức 100 giờ và áp đặt các hình phạt đối với các công ty cho phép nhân viên của họ vượt quá mức giới hạn.

    Trong báo cáo đầu tiên về việc lao động quá sức hồi năm 2016, các quan chức Nhật Bản ghi nhận trong 5 nhân viên lao động nước này sẽ có 1 người có nguy cơ tử vong vì phải làm việc quá nhiều.

    Hàng nghìn người Nhật Bản đã tự sát vì căng thẳng tính và nhiều nạn nhân khác chết vì các cơn đau tim, đột quỵ cùng những lý do khác.

    Các nghiên cứu cho thấy nhân viên Nhật Bản làm việc lâu hơn đáng kể so với các đối tác ở Mỹ, Anh và các nước phát triển khác. Theo Bộ Y tế, nhân viên Nhật Bản chỉ sử dụng trung bình 8,8 ngày nghỉ phép năm trong năm 2015, ít hơn một nửa so với quy định.

    (Theo The Guardian)
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ban-nu-phong-vien-tu-vong-vi-lam-them-159-gio-mot-thang-a204351.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan