+Aa-
    Zalo

    Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại Hà Giang cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

    Là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08%, hộ cận nghèo 12,87%), Hà Giang có dân số trên 89,2 vạn người trong đó dân số nữ chiếm 49,5%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,7%.

    Với đặc thù là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực tế cho thấy, mức sống của các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh còn thấp; trình độ dân trí chưa đồng đều; hơn nữa, quan niệm, tư tưởng coi trọng nam giới còn khá phổ biến; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế về trình độ, kiến thức, bị ràng buộc bởi khuôn mẫu, định kiến, quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu.

    73

    Nhiều chính sách hỗ trợ, cải thiện đời sống cho người DTTS ngày càng được nâng cao

    Trước thực trạng đó, những năm qua, công tác bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang về bình đẳng giới từng bước có sự chuyển biến tích cực.

    Tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang năm 2023, toàn xã có 180 hộ được hỗ trợ tiền mua lợn giống và 45 hộ được hỗ trợ mua bò giống để phát triển chăn nuôi, nâng cao sinh kế. Chính quyền địa phương đã chú trọng công tác khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ; thường xuyên bám sát, tư vấn kĩ thuật, hỗ trợ các gia đình trong quá trình chăn nuôi. Qua đó, giúp các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ dân là đồng bào DTTS có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

    Nhận tiền hỗ trợ mua con giống để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bà Ngọc Thị Trâm, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, gia đình nhận được số tiền hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua lợn giống. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước đến nay nhà tôi đã có đàn lợn đen 10 con để phát triển chăn nuôi, qua đó chúng tôi có thêm thu nhập, cải thiện đời sống khó khăn.

    Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc ban hành các văn bản hướng dẫn của cấp trên chưa cụ thể, chồng chéo, không thống nhất và chậm nên khó xác định được phạm vi, đối tượng được thụ hưởng và vùng được đầu tư.

    Để khắc phục những khó khăn, hạn chế địa phương đang tiếp tục đề nghị tỉnh đề xuất với Trung ương cho chủ trương hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo đang hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở như các hộ thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Cho chủ trương hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà vệ sinh…

     

    Quản Bạ là huyện vùng cao, biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là cửa ngõ của vùng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Huyện Quản Bạ tập trung 16 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 60%, dân tộc Dao chiếm 14%, dân tộc Tày chiếm 9%, còn lại là các dân tộc khác. Phía Bắc giáp với Trung Quốc, có chiều dài 54.32 km đường biên với 5 xã và 21 thôn bản, phía Đông giáp huyện Yên Minh, phía Nam giáp huyện Vị Xuyên.

    Những năm qua, huyện Quản Bạ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để vươn lên giảm nghèo bền vững.

    Hiện huyện Quản Bạ có 52,73% dân số là hộ nghèo, số hộ cận nghèo chiếm 12,84%. Toàn huyện có trên 1.400 hộ nghèo, cận nghèo cần xây mới, sửa chữa nhà ở. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án từ chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chất lượng đối với từng địa bàn.

    Năm 2022, huyện được ngân sách cấp trên 85,1 tỷ đồng nguồn vốn chương trình giảm nghèo và giải ngân được hơn 34 tỷ đồng. Năm 2023, huyện tiếp tục được giao ngân sách trên 173,2 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 2,2 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách được giao huyện đã sử dụng để đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới 4 công trình giao thông; 1 công trình giáo dục; 1 công trình nước sinh hoạt; 1 công trình thủy lợi.

    Huyện đã triển khai được 14 mô hình giảm nghèo tại cộng đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, khó khăn với 7 lớp dạy nghề. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, doanh nghiệp, các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyên truyền xuất khẩu lao động cho nhân dân. Giảm nghèo về thông tin, huyện đã lắp đặt 9 cụm loa truyền thông internet tại 9 thôn trên địa bàn xã biên giới Bát Đại Sơn với tổng kinh phí 287 triệu đồng.

    P.V

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-ha-giang-a596296.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan