+Aa-
    Zalo

    Nhiều góp ý tâm huyết vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong tọa đàm góp ý vào văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng ngày 26/10, lãnh đạo MTTQ Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học.

    Trong tọa đàm góp ý vào văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng với chủ đề “Phát huy dân chủ trong thời kỳ internet, đấu tranh phòng chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội”, ngày 26/10, lãnh đạo MTTQ Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học.

    Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trân trọng những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học đối với dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ảnh: VGP/Hoàng Long

    Đây là buổi tọa đàm thứ ba và cũng là sau cùng trong chuỗi tọa đàm mà MTTQ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII theo từng chủ đề cụ thể.

    Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật chung của bất cứ giai đoạn nào.

    Tuy nhiên, mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau. Nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy dù phương thức ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuy nhiên việc lợi dụng dân chủ cũng vì thế có nhiều phức tạp hơn.

    Dẫn lại những khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về dân chủ, nhân quyền và tự do là xu thế khách quan và cũng là xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Việt Nam không phải là ngoại lệ và Việt Nam đã thừa nhận xu thế này. GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng, Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, những tư tưởng này được đông đảo cán bộ và nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế, đón nhận với thái độ tích cực, đánh giá cao, đặt nhiều hy vọng.

    Khẳng định vai trò và sức mạnh của internet, Phó Chủ tịch Thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên cho rằng, đó là sự tiện lợi dù chúng ta không thể phủ nhận những thách thức phải đối diện do công nghệ cao mang lại. Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo chính trị không có dòng nào nói về việc khai thác và sử dụng internet.

    Ngoài ra, các nhà khoa học đều cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, khó có một chính sách xã hội nào lại có thể đạt đến tối ưu hay thật sự có hiệu quả nếu bỏ qua sự phản biện, thẩm định về mặt chuyên môn. Nếu không dựa vào cơ chế dân chủ thì không một pháp luật nào, một thứ đạo đức nào hay một loại công cụ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu sự thao túng của các nhóm lợi ích, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Chỉ có một cách vừa nhân văn vừa bền vững là phải thích ứng và chung sống với tự do, dân chủ.

    Chia sẻ với các ý kiến làm thế nào để thực thi dân chủ, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cách thực hiện dân chủ được thể hiện chủ yếu thông qua hệ thống chính quyền. Việc này được thể hiện ở 3 mặt: Đó là khi nói đến dân chủ, người dân phải xác định đường lối phát triển đất nước, người dân phải đồng tình hoặc những vấn đề khó, liên quan đến toàn dân mà phức tạp thì phải trưng cầu ý kiến của toàn dân. Vì vậy, trong quá trình hình thành đường lối chính sách phải có sự đồng thuận của nhân dân, phải làm để nhân dân tin tưởng, người dân là gốc rễ của mọi vấn đề.

    Ảnh: VGP/Hoàng Long

    Sau một ngày làm việc, cuộc toạ đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến có chất lượng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu liên quan đến chủ đề “Phát huy dân chủ trong thời kỳ internet, đấu tranh phòng chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội”.

    “Đó là những tiếng nói vô cùng đáng quý. Dù không phải ý kiến nào cũng giống nhau nhưng tất cả đều có tính xây dựng, tính chính trị cao”, người đứng đầu MTTQ Việt Nam bày tỏ.

    Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng trân trọng những ý kiến ghi nhận về việc MTTQ Việt Nam là tổ chức thích hợp, góp phần phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện, và cho rằng cần làm tốt hơn nữa những chức năng này trong thời gian tới.

    “Những ý kiến đóng góp sâu sắc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tọa đàm hôm nay sẽ được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp để gửi tới Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

    Theo báo Điện tử Chính Phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-gop-y-tam-huyet-vao-du-thao-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang-a116660.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.