+Aa-
    Zalo

    Nhộn nhịp dịch vụ đổi tiền lẻ ngày giáp Tết, phí cao ngất ngưởng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2019, thế nhưng nhiều người dân đã bắt đầu tìm đến các đầu mối đổi tiền mới, tiền lẻ để lì xì và đi lễ chùa.

    Dù hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2019, thế nhưng nhiều người dân đã bắt đầu tìm đến các đầu mối đổi tiền mới, tiền lẻ để lì xì và đi lễ chùa. Dịch vụ đổi tiền lẻ cũng nở rộ trên mạng, sẵn sàng "ship" đến tận nơi cho khách hàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch mỗi địa chỉ một khác, có nơi "hét" phí tới 400%.

    Càng sát Tết phí đổi càng cao

    Theo một khách hàng đang tìm chỗ đổi tiền, càng sát Tết thì phí đổi sẽ đắt hơn, tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng sẽ càng khan hiếm, không được mới và đẹp như trước nên phải chuẩn bị từ sớm. Khác với trước đây thường phải ra tận các cửa hàng để đổi trực tiếp, dịch vụ đổi tiền hiện nay còn rất sôi nổi trên mạng.

    Không khác gì với mua hàng online, chỉ cần báo số lượng và loại tiền là đầu mối đổi tiền sẽ chuyển đến tận nơi; giá cả, phí đổi tiền cũng được công khai trên mạng. Người đổi tiền khi nhận tiền ngoài việc trả phí đổi thì cũng chỉ phải trả thêm vài chục nghìn cho người giao hàng. Để hút khách hơn, các điểm đổi tiền đôi khi còn khuyến mại, tặng kèm thêm các bao lì xì tết, không quên quảng cáo tiền hoàn toàn mới, được lấy trực tiếp từ ngân hàng, chưa được lưu thông và vẫn còn nguyên số sê ri liền nhau. Không khác gì việc mua bán các loại hàng hóa khác, các đầu mối đổi tiền cũng phân ra những mức giá khác nhau tùy theo số lượng đổi, có giá bán buôn và bán lẻ.

    Bảng phí đổi tiền lẻ lì xì Tết 2019 của một trang website.

    Theo quan sát của PV, dịch vụ này đã bắt đầu nhộn nhịp từ cách đây 1 tháng, phí đổi tiền lúc đó còn khá thấp do nhu cầu chưa nhiều. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, mức phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng đã tăng từ mức 200% lên gần 300%, các tờ tiền mệnh giá 10.000-100.000 đồng tăng từ 5% lên 10%. Các tờ tiền mệnh giá thấp hơn từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng cũng đã có mức phí khá cao từ 10%-13%. Trong đó, riêng mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, nên nhiều nơi đề nghị người mua phải trả mức phí lên tới 400% (tức đổi 100 tờ 500 đồng mất phí 200.000 đồng).

    Theo khảo sát, các mệnh giá tiền được đổi nhiều nhất hiện nay là 10.000 – 100.000 đồng. Những tờ tiền có mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng không chỉ có phí rất đắt mà nhiều đầu mối còn yêu cầu số lượng trên 1.000 tờ thì mới giao dịch do rất khó để đổi những tờ tiền này ở các ngân hàng.

    Không nên lạm dụng đổi tiền lẻ đi lễ

    Một cán bộ lâu năm trong ngành ngân hàng nhận định, nhu cầu sử dụng tiền lẻ, mới dành cho việc lì xì Tết là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. Người này đưa ra lời khuyên, chỉ khi nào thật sự cần thiết mọi người mới nên đổi, đừng lạm dụng đổi tiền lẻ để đi lễ, cúng chùa làm rối thị trường.

    Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, chức năng của Ngân hàng Nhà nước là đáp ứng nhu cầu tiền trong lưu thông đầy đủ, kịp thời mà không phân biệt tiền mới hay cũ. Do vậy, cơ quan này không có kế hoạch liên quan đến tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì Tết cuối năm. Đối với những loại tiền không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường sẽ được thu hồi về. Trong số tiền mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nhận được từ Ngân hàng Trung ương, nếu có tiền mới cũng sẽ được phân bổ xuống các ngân hàng thương mại để đưa ra thị trường lưu thông.

    Mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm 2016 là không cho chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống. Việc này đã giúp ngân sách tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.

    Chị Thu Huyền, Hà Nội cho biết, năm ngoái cần đổi khoảng ba chục triệu cho hai bên nội ngoại, nhưng vì phải đổi ở bên ngoài nên tốn phí rất cao. Năm nay, chị quyết định nhờ mấy người bạn làm ở ngân hàng đổi giúp. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa biết có đổi được hay không. Chị bảo, nếu khó quá, chắc lại phải mò vào các trang mạng, săn địa chỉ có mức phí thấp hơn để đổi cho trọn vẹn.

    Ngoài ra, hàng loạt trang đổi tiền lẻ trực tuyến cũng nở rộ với các cam kết mua bán tại nhà, đảm bảo tiền thật, trùng sêri và đặc biệt là chi phí đổi thấp.

    Anh Đức Hùng, một cán bộ ngân hàng chia sẻ với phóng viên, cuối năm, nghe điện thoại biết ngay người quen nhờ đổi tiền. Từ chối ngay thì sợ mất tình, nhưng thú thực, không thể giúp mọi người được, vì số lượng có hạn. Sau đó, đành phải từ chối bạn bè, dù biết mọi người sẽ không hài lòng, thậm chí trách móc.

    Đổi tiền lẻ thu phí bị phạt 20-40 triệu đồng Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm để lì xì, đi lễ, chùa... dẫn đến phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 - 40 triệu đồng.

    Phong Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 2

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhon-nhip-dich-vu-doi-tien-le-ngay-giap-tet-phi-cao-ngat-nguong-a258267.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan