+Aa-
    Zalo

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phóng viên tại vùng biển "nóng" kể về những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

    Phóng viên tại vùng biển "nóng" kể về những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

    Nỗi ám ảnh trên không

    Trong những ngày làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, chúng tôi đã nhiều lúc không khỏi giật mình bởi tiếng máy bay của Trung Quốc gầm rú trên bầu trời khu vực giàn khoan Hải Dương 981 trái phép. Để chứng tỏ sức mạnh của mình, Trung Quốc điều nhiều máy bay lượn lờ trên đầu tầu chấp pháp của ta mọi lúc trong ngày.

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
    Một chiếc máy bay trinh sát cánh bằng của Trung Quốc bay sát các tàu cảnh sát biển Vệt Nam. (Ảnh: Quang Tùng) 

    Vào khoảng 16h10 phút chiều 28/5, khi chúng tôi đang theo dõi hoạt động của các tàu hải cảnh Trung Quốc bên phía mạn trái của tàu hướng về phía giàn khoan thì từ trong cabin tàu cảnh sát biển có tiếng hô lớn: “Máy bay Trung Quốc đang đến”.

    Chúng tôi lao nhanh về bên mạn phải của tàu. Mỗi người một dụng cụ từ máy ảnh, máy quay, ống nhòm thẳng hướng bầu trời. 

    Từ phía xa, một máy bay trinh sát của Trung Quốc đang gầm rú bay vòng quanh trên tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam với khoảng cách chỉ khoảng 800m. Chiếc máy bay lúc lượn trên cao, lúc sà xuống thấp tại nơi có các nhóm tàu chấp pháp của ta. 

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
    Một chiếc máy bay trinh sát Y-8J Cub của Trung Quốc bay vòng quanh giàn khoan trái phép. (Ảnh: Quang Tùng)

    Trong một thoáng lo lắng, tôi được người sỹ quan cảnh sát biển trấn an: “Vẫn chuyện thường ngày thôi. Lúc Trung Quốc sợ hãi thì họ lại xua máy bay đi theo dõi tàu của ta.”

    Chúng tôi tiếp tục theo dõi chiếc máy bay lượn 2 vòng quanh khu vực giàn khoan cho đến khi nó mất hút sau làn mây xám xịt.

    Qua hình ảnh chụp được, các chiến sĩ cảnh sát biển nhận định đây là loại máy bay Y-8J Cub, phiên bản máy bay cảnh báo sớm được lắp radar có tầm phát hiện mục tiêu tối đa lên đến 400 km và phát hiện được 100 mục tiêu trên mặt biển, 6 mục tiêu trên không cùng lúc. 

    Ngoài ra, radar còn có thể truyền thông tin trực tiếp về mục tiêu đến các tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc để dẫn bắn cho tên lửa đối hạm tầm xa.

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
    Trung Quốc điều cả chiến đấu cơ uy hiếp các tàu chấp pháp Việt Nam. (Ảnh: M.V) 

    Tiếp đó, vào lúc 8h40 phút ngày 1/6, chúng tôi được thuyền trưởng Phạm Đức Tuyên thông báo giàn khoan Trung Quốc có hiện tượng bất thường, tốc độ di chuyển không ổn định, đã cách xa vị trí cũ khoảng 140m. Cũng thời điểm này, Trung Quốc tiếp tục cho máy bay thị uy các tàu làm nhiệm vụ của ta ở Hoàng Sa.

    Không như lần trước, tôi bình tĩnh ra trước boong tìm một vị trí thích hợp để chụp ảnh chiếc máy bay của Trung Quốc. Lần này, máy bay Trung Quốc hung hăng hơn khi hạ thấp độ cao, cách tàu chấp pháp của ta chỉ khoảng 300-500m.

    Từ khoảng cách này, chúng tôi có thể chụp rõ được số hiệu của chiếc máy bay là 81223. Đây là một chiếc máy bay trinh sát điện tử cánh bằng thuộc biên chế của hải quân Trung Quốc.

    'Con chim sắt' gầm rú, thét ra những tiếng động vang trời. Chúng bay gần đến mức chúng tôi có thể cảm nhận rõ áp lực từ tiếng động cơ máy bay, mặt biển dường như nổi sóng khi chiếc máy bay chao đảo trên đầu con cảnh sát biển của ta.

    Sau khi bay lượn uy hiếp con tàu của chúng tôi, chiếc máy bay của Trung Quốc tiếp tục sà tới những nhóm tàu khác của ta quanh khu vực giàn khoan rồi lặn mất tăm dưới lớp sóng biển Hoàng Sa đang giận dữ vì sự xâm lăng của kẻ thù.

    Thuyền trưởng Phạm Đức Tuyên nhận định, việc Trung Quốc cùng lúc dịch chuyển giàn khoan và cho máy bay tuần thám bay lượn hẳn là có ý đồ. Các thông tin thu thập được nhanh chóng được chọn lọc và gửi về sở chỉ huy. 

    Ngụy tạo bằng chứng

    Trong chuỗi ngày thực hiện mưu đồ, Trung Quốc liên tiếp xua máy bay thị uy các tàu của ta. Thậm chí, Trung Quốc cho các tàu hải cảnh, hải giám dưới biển truy đuổi tàu ta, tạo dựng thế tàu ta đâm tàu Trung Quốc rồi cho người ngồi trên máy bay chụp ảnh hòng ngụy tạo bằng chứng, lu loa, vu cáo nước ta với thế giới. 

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
    Những chiếc máy bay này bay ngay sát trên đầu tàu chấp pháp Việt Nam. (Ảnh: Quang Tùng) 

    Vào khoảng 14h ngày 2/6, Trung Quốc huy động 5 tàu hải cảnh tạo vòng vây hòng truy đuổi các tàu cảnh sát biển 2015, 2016 của ta. Sau đó chừng khoảng 50 phút, Trung Quốc điều một máy bay trinh sát không rõ số hiệu bay quanh khu vực giàn khoan và trên các nhóm tàu của ta.

    Tiếp đó, lúc 15h50 phút cùng ngày Trung Quốc điều một máy bay trinh sát mang số hiệu 9341 bay quanh khu vực giàn khoan để đe dọa các tàu của ta.

    Đại úy Bùi Mạnh Hùng – chính trị viên tàu cảnh sát biển Việt Nam cho biết, những ngày trước đó Trung Quốc đã huy động cả máy bay tiêm kích chiến đấu ra vùng biển của ta để thị uy sức mạnh. 

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
    Trung Quốc điều trực thăng bay sát các tàu hải cảnh, hải giám để chụp ảnh ngụy tạo bằng chứng tàu ta đâm va với tàu họ. (Ảnh: Quang Tùng) 

    Các tốp máy bay chiến đấu của Trung Quốc được phát hiện lần đầu vào ngày 11/5 khi bay phía trên các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam ở độ cao 800-1000m. Loại máy bay này được nhận dạng là cường kích JH-7A đang có trong biên chế của Không quân và Hải quân Trung Quốc.

    Loại máy bay này được thiết kế chuyên thực hiện nhiệm vụ chống hạm với khả năng mang được khối lượng vũ khí lên đến 9.000 kg và trang bị nhiều loại tên lửa chống hạm hiện đại có tầm bắn 120 km.

    Chúng tôi cũng thường xuyên chứng kiến Trung Quốc sử dụng máy bay trực thăng Z-9 của Hải cảnh tham gia uy hiếp các tàu Việt Nam. Đây là loại máy bay được trang bị trên một số tàu Hải cảnh cỡ lớn của Trung Quốc để làm nhiệm vụ trinh sát.

    Những lần thót tim đụng máy bay Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
    Máy bay Trung Quốc bay mọi lúc trong ngày. (Ảnh: Quang Tùng)

    Chúng thường bay rất sát các tàu của ta để thăm dò. Từ trên boong tàu, qua ống kính máy ảnh zoom xa, tôi nhìn rõ được lính Trung Quốc nhốn nháo trên máy bay cầm các thiết bị để ghi chụp hoạt động của các tàu Việt Nam.

    Quần thảo ngay trên đầu, tiếng nổ của động cơ, tiếng cánh quạt chém vào không khí gây âm thanh khủng khiếp khiến bất cứ người yếu bóng vía nào cũng không khỏi sợ hãi. Một hình ảnh đầy uy hiếp, kích động...

    Chiếc máy bay Trung Quốc ầm ầm trên đầu, chúng tôi lên boong tàu để ghi lại từng hoạt động của chúng. Sau vài phút chiếc máy bay Trung Quốc đành quay đầu bỏ đi rồi lao về bến đỗ của nó trong một chiếc tàu trên biển.

    Tôi lo lắng liệu tàu của ta có để cho tàu và máy bay Trung Quốc thực hiện được mưu đồ ngụy tạo bằng chứng đâm va, thuyền trưởng Phạm Đức Tuyên giải thích: “Trung Quốc không thể nào đánh lừa được thế giới, vì ngay trong hành động của họ đã là hành động phi nghĩa. Họ luôn cho tàu chạy cắt ngang mũi tàu ta để tạo thế đâm va, nhưng tất cả những âm mưu của họ đều bị ta triệt phá.”

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-lan-thot-tim-dung-may-bay-trung-quoc-uy-hiep-o-hoang-sa-a36773.html
    Máy bay Trung Quốc ghi hình tàu chấp pháp Việt Nam

    Máy bay Trung Quốc ghi hình tàu chấp pháp Việt Nam

    (ĐSPL) - Lúc 8h38 ngày 21/5, tàu CSB 8001 phát hiện 1 máy bay trinh sát của Trung Quốc ở độ cao 300 mét bay xung quanh khu vực tàu CSB 8001 để quay phim, chụp ảnh các lực lượng của ta đang thực hiện nhiệm vụ.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Máy bay Trung Quốc ghi hình tàu chấp pháp Việt Nam

    Máy bay Trung Quốc ghi hình tàu chấp pháp Việt Nam

    (ĐSPL) - Lúc 8h38 ngày 21/5, tàu CSB 8001 phát hiện 1 máy bay trinh sát của Trung Quốc ở độ cao 300 mét bay xung quanh khu vực tàu CSB 8001 để quay phim, chụp ảnh các lực lượng của ta đang thực hiện nhiệm vụ.