+Aa-
    Zalo

    Nữ trung úy CSGT "một mình bị truy tố" kháng cáo, kêu oan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bị cáo Lê Thị Minh Trang có đơn kháng cáo, kêu oan về bản án 14 năm tù giam mà tòa sơ thẩm TAND thành phố Nha Trang đã tuyên phạt.

    Nữ trung úy CSGT

    Luật sư Lê Văn Tuấn, người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Minh Trang, nguyên trung úy Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT) Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết bị cáo này đã có đơn kháng cáo, kêu oan về bản án 14 năm tù giam mà tòa sơ thẩm TAND thành phố Nha Trang đã tuyên phạt.
    Bản án 14 năm tù giam mà tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trang vào ngày 25/8/2014 là tổng hợp hình phạt hai tội. Trong đó, với việc phạm tội “Tham ô tài sản” (41,6 triệu đồng) bị cáo bị phạt mức án 3 năm tù giam. Còn mức án 11 năm tù giam là vì phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
    Bị cáo nguyên trung úy CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa còn bị tòa tuyên buộc phải bồi thường cho Công an tỉnh Khánh Hòa 2,056 tỷ đồng để nộp lại vào ngân sách nhà nước số tiền đã tham ô và gây thiệt hại.
    Việc phạm các tội kể trên diễn ra trong thời gian bị cáo nguyên trung úy CSGT Lê Thị Minh Trang được phân công làm nhiệm vụ thu phí, lệ phí đăng ký cấp giấy chứng nhận và biển số xe mô-tô tại Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2008 đến tháng 5/2011.
    Bị cáo Lê Thị Minh Trang đã gởi đơn đến các cấp tòa kháng cáo kêu oan, đề nghị xem xét lại cả hai tội mà tòa sơ thẩm đã tuyên.  
    Trước khi mở lại phiên tòa sơ thẩm trên, TAND thành phố Nha Trang và Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đều đã có quyết định trả hồ sơ vụ án đã nêu để điều tra bổ sung, yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa.
    Cơ quan CSĐT công an tỉnh này cũng đã có kết luận điều tra: có sáu cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tại Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa trong thời gian xảy ra vụ án đều “có hành vi có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 285 BLHS”. Vì đã “để cho Lê Thị Minh Trang và một số cán bộ chiếm đoạt tiền và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, gây thiệt hại chủ phương tiện”.
    Thế nhưng, bốn tháng sau đó, ngày 17/2/2014, Cơ quan CSĐT có kết luận điều tra bổ sung: giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định kỷ luật cảnh cáo và cho nghỉ hưu sớm đối với ông Phan Long Để, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa; bà Cao Thị Đoàn - Phó phòng, bị cảnh cáo và được chuyển sang đơn vị khác.
    Có bốn cán bộ chỉ huy và nguyên chỉ huy Đội đăng ký quản lý phương tiện thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa cũng bị kỷ luật. Trong đó, có ông đội trưởng bị giáng chức đội trưởng xuống đội phó; bà đội phó bị cảnh cáo; còn một ông đội phó bị khiển trách và một người đã nghỉ hưu cũng bị đề nghị Đảng ủy xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang kiểm điểm.
    Vì vậy, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã kết luận bổ sung: “xét thấy không cần thiết phải xử lý về mặt hình sự” đối với sáu cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đã nêu.
    Còn 11 cán bộ tại Phòng CSGT “cũng có những sai phạm tương tự” như bị cáo Trang cũng đều được xử lý kiểm điểm, kỷ luật hành chính. Theo tòa sơ thẩm, Viện KSND TP Nha Trang cũng không thay đổi quyết định truy tố trước đó.
    Bị cáo Trang đã kiến nghị tòa xem xét lại việc xử phạt mình về tội “tham ô tài sản” và xin được xử lý kỷ luật hành chính như các “nguyên lãnh đạo” và “nguyên đồng đội” của bị cáo đã kể trên.
    Còn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thì hành công vụ” thì bị cáo cho rằng “bị cáo không thể tự ý gây ra, làm thiệt hại được”…
    Nữ trung úy CSGT
    Các “nguyên” đồng đội và lãnh đạo của bị cáo chăm chú nghe tòa sơ thẩm TAND thành phố Nha Trang tuyên án
    Như tin đã đưa, tại phiên tòa ngày 25/8, luật sư bào chữa cho bị cáo Trang yêu cầu tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cho rằng, nếu quy kết một mình Trang với 2 tội danh như trên là chưa trọn vẹn, chưa đầy đủ.  
    “Tại sao một số cá nhân khác cũng có hành vi tương tự mà chỉ bị xử lý hành chính, còn Trang lại bị xử lý hình sự, trong khi Trang chỉ là một mắc xích để lấy số tiền đó”, vị luật sư lập luận. Thế nhưng, tòa vẫn tuyên phạt bị báo trang mức án như trên.
    Bản thân Trang cũng cho rằng, mình làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. “Đó là mệnh lệnh cấp trên, không được ý kiến, vì bị cáo mới bước chân vào đi làm nên cấp trên nói phải nghe theo, việc làm của bị cáo có sự giám sát của lãnh đạo”.
    Tại phiên tòa, Trang cũng cho rằng, tiền mà bị cáo gửi ngân hàng, đứng tên của bị cáo cũng do bà Phạm Thị Khánh (đội phó Đội đăng ký, quản lý phương tiện thuộc Phòng PC 67 – Công an tỉnh Khánh Hòa) chỉ đạo gửi vì để ở đội sợ đồng nghiệp mượn và mang biên lai về nhà viết cũng được bà Khánh đồng ý.
    Theo Trang, số tiền chênh lệch thu được Trang nộp hết cho bà Khánh, vì là lính không biết được số tiền đó và cũng không được chia gì hết và cứ làm việc như một cái máy thế thôi. 
    “Một mình bị cáo không thể nào làm được mà cả một tập thể, việc làm này đã có từ trước và ai cũng có hành vi ghi phiếu sai, tại sao những người khác chỉ bị xử lý hành chính còn bị cáo thì bị truy tố”, Trang nói.
    Điều đáng nói là tòa triệu tập gần 1000 nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng chỉ có… 15 người đến tòa.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-trung-uy-csgt-mot-minh-bi-truy-to-khang-cao-keu-oan-a49815.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan